Dày sừng do ánh sáng

27-09-2009 09:05 | Tin nóng y tế
google news

Gần đây trên mặt mẹ cháu xuất hiện nốt đen to nhỏ không đều, màu nâu sậm (không giống nốt ruồi). Đi khám bác sĩ nói bị dày sừng do ánh sáng.

Gần đây trên mặt mẹ cháu xuất hiện nốt đen to nhỏ không đều, màu nâu sậm (không giống nốt ruồi). Đi khám bác sĩ nói bị dày sừng do ánh sáng. Xin hỏi, dày sừng do ánh sáng là bệnh gì? Cách điều trị như thế nào?

Hoàng Thanh Trúc (Thanh Hóa)

 Tổn thương dày sừng do ánh sáng ở vành tai.
Dày sừng do ánh sáng là những tổn thương của lớp ngoài cùng của da (thượng bì) do các tia có bước sóng dài trong ánh nắng mặt trời gây ra. Dày sừng do ánh sáng được coi như là giai đoạn sớm nhất của sự phát triển của ung thư da. Bệnh thường gặp ở những người ngoài 40 tuổi, da sáng, sống ở những vùng mặt trời chiếu sáng nhiều.

Khi da tiếp xúc với các tia của ánh nắng mặt trời trong một thời gian dài sẽ khiến các tế bào da bị thay đổi kích thước, hình dạng, và cách thức sắp xếp. Trong bệnh dày sừng do ánh sáng, bị thay đổi nhiều nhất chính là các tế bào sừng - chiếm hơn 90% tế bào trong thượng bì và tạo nên sự bền vững cho kết cấu của da. Dày sừng do ánh sáng thường gặp ở phía ngoài của trán, tai, da đầu (ở người bị hói) và mu bàn tay với những tổn thương điển hình như các u, đốm nhô cao có màu da bình thường hoặc đỏ - nâu, khô, tróc vẩy và nhám xù xì. Trên bề mặt còn có nhiều vết nhăn nhỏ, rãnh nhỏ và các dấu hiệu tổn thương do ánh sáng mặt trời.

Bệnh dày sừng do ánh sáng nếu được phát hiện sớm và điều trị tích cực sẽ cho kết quả khả quan. Có nhiều phương pháp điều trị bệnh dày sừng do ánh sáng, trong đó phổ biến nhất là dùng nitơ lỏng làm đông cứng bề mặt da tổn thương, làm vùng da có bệnh bị bong ra, lớp da mới khỏe mạnh sẽ thay thế. Ngoài ra, bệnh nhân có thể dùng thuốc kháng ung thư bôi lên vùng da cần điều trị; hoặc bôi một loại hóa chất trên da, sau vài giờ da sẽ được chiếu bằng ánh sáng xanh để kích hoạt hóa chất này phá huỷ tổn thương dày sừng do ánh sáng; hoặc lột da bằng hoá chất, sau vài ngày vùng da bệnh sẽ bong ra; hoặc tái tạo bề mặt da bằng laser. Sau khi điều trị, lớp da mới cần được bảo vệ để không bị tổn thương do ánh sáng mặt trời. Tuy nhiên việc điều trị phải do bác sĩ da liễu khám và chỉ định.

BS. Vũ Thu Dung


Ý kiến của bạn