Các nhà khoa học tại Đại học Harvard, Hoa Kỳ đã tìm kiếm dữ liệu di truyền và y tế, cũng như thói quen ngủ đêm của gần 840.000 người. Trong khi một số người tham gia làm bài trắc nghiệm về sở thích ngủ của họ, thì những người khác được cung cấp công cụ theo dõi giấc ngủ trong bảy ngày.
Kết quả là, những người dậy sớm ít bị rối loạn trầm cảm nghiêm trọng hơn so với những người dậy muộn hơn, mặc dù thời lượng ngủ như nhau. Thức dậy sớm hơn một giờ có thể giảm nguy cơ trầm cảm 23%. Nếu ta rời khỏi giường sớm hơn hai giờ, khả năng bị trầm cảm sẽ giảm gần một nửa (40%).
Dậy sớm giúp giảm nguy cơ mắc bệnh trầm cảm.
Ông Iyas Daghlas, một trong những tác giả của nghiên cứu giải thích: "Ở đây, ánh sáng có thể đóng một vai trò quyết định. Theo một số giả thuyết, những người dậy sớm sẽ được hưởng lợi từ việc tiếp xúc nhiều hơn với ánh sáng trong một ngày. Việc tiếp xúc này sẽ có tác động tới hormon và có thể ảnh hưởng tích cực đến tâm trạng".
Việc dậy sớm có khá nhiều lợi ích. Một số nghiên cứu được thực hiện bởi các nhà nghiên cứu tâm lý học ở Hoa Kỳ, châu Âu và Canada đã chỉ ra rằng, những người có thói quen dậy sớm vào buổi sáng thường vui vẻ, lanh lợi, lạc quan, chu đáo và ít bị trầm cảm hơn.
Nếu bạn cảm thấy muốn thức dậy vào lúc bình minh, tốt nhất là không nên thay đổi thời gian thức dậy quá đột ngột. Nên tập dậy sớm hơn khoảng mười lăm phút mỗi sáng để không làm rối loạn quá trình trao đổi chất, đồng thời không quên thay đổi giờ đi ngủ cho phù hợp.