Tuy nhiên, khi dây rốn bị thắt nút sẽ gây ảnh hưởng đến thai kỳ cả trong quá trình mang thai lẫn quá trình chuyển dạ. Vậy nguyên nhân, biến chứng và hướng xử trí thế nào?
Dây rốn thắt nút làm tắc mạch rốn
Mới đây, thai phụ 22 tuổi nhập viện Phụ sản Cần Thơ với cổ tử cung mở 8cm. Theo dõi tim thai liên tục bằng máy, bác sĩ phát hiện tim thai có những nhịp giảm lặp lại với dấu hiệu suy thai, đồng thời chuyển dạ diễn ra rất nhanh chóng. Sản phụ được hồi sức tim thai, hội chẩn khẩn cấp. Nhận định đây là trường hợp thai suy trong tử cung cần lấy thai nhanh, diễn biến cuộc chuyển dạ thuận lợi nên các bác sĩ quyết định hồi sức tích cực và theo dõi sát để giúp sản phụ sinh thường. Đội ngũ khoa sơ sinh được huy động để hỗ trợ và chuẩn bị hồi sức bé ngay khi chào đời. 20 phút sau, bé trai cân nặng 2,9kg chào đời an toàn với dây rốn hoại tử bầm tím gần hết, đồng thời có một nút thắt. Đây là trường hợp rất may mắn được các bác sĩ chẩn đoán đúng vì dây rốn thắt nút là biến chứng ở dây rốn của thai nhi có thể xảy ra trong thai kỳ hoặc tại thời điểm chuyển dạ. Trường hợp này dây rốn thắt nút làm giới hạn dòng máu chạy qua, gây tắc mạch rốn và hoại tử mạch.
Trước đó, Bệnh viện Từ Dũ cũng đỡ đẻ thành công cho sản phụ T.D. (32 tuổi) thành công khi thai nhi có một nút thắt đôi ở dây rốn. Tại Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng, một bé trai chào đời nặng 2,8kg với dây rốn dài 50cm thắt nút đơn như bím tóc tết (thắt nút một vòng) và cặp song sinh bị dây rau thắt nút 5 vòng cũng được nhanh chóng thoát khỏi “cửa tử” nhờ các bác sĩ phát hiện và xử trí kịp thời.
Em bé chào đời với dây rốn thắt nút đôi.
Hiếm gặp nhưng có thể phát hiện
Hiện tượng dây rốn thắt nút chiếm tỷ lệ 0,3-2,2% của các ca sinh. Tỷ lệ tử vong của các thai nhi có dây rốn thắt nút tăng gấp 4 lần so với thai nhi bình thường. Bệnh lý hiếm gặp này lại đặc biệt khó có thể được phát hiện trước khi sinh thường hoặc sinh mổ. Do vậy, nếu thai nhi bị bệnh lý này, tỷ lệ tử vong trong bụng mẹ hoặc trong quá trình chuyển dạ là rất cao. Chẩn đoán thai nhi bị dây rốn thắt nút hiện vẫn là thách thức cho các bác sĩ.
Việc chẩn đoán khả năng dây rốn thắt nút có thể qua gợi ý từ siêu âm 4D khi thấy dòng chảy dây rốn cuộn thành hình vòng tròn. Tuy nhiên, hiện tượng này cũng khó phân biệt ở những chu kỳ sau bởi nhiều trường hợp dây rau dài tự chạy vòng tròn, nhìn tưởng dây rau thắt nút nhưng thực tế nó cuộn vòng tròn thôi. Đó là những trường hợp dây rốn dài có thể chẩn đoán nhầm trong quá trình siêu âm 4D. Một số trường hợp thai nhi đột ngột mất tim thai, chết lưu trong bụng mẹ, khi chấm dứt thai kỳ mới biết nguyên nhân dây rốn thắt nút.
Nguyên nhân khó xác định
Thắt nút dây rốn được hình thành trong quá trình thai nhi cử động, di chuyển qua các vòng cung dây rốn. Có một số yếu tố làm tăng nguy cơ dây rốn thắt nút như: dây rốn dài, đa ối, kích thước thai nhi nhỏ, thai nhi là bé trai, mẹ bị tiểu đường thai kỳ, song thai 1 túi ối, có chọc dò ối thai kỳ, đẻ nhiều và mẹ dùng các chất kích thích...
Nhiều ý kiến của các chuyên gia cho rằng khó xác định chính xác thời điểm tạo thành dây rốn thắt nút. Dây rốn thắt nút có thể tạo thành rất sớm từ 9-12 tuần tuổi thai, bởi ở giai đoạn này thể tích nước ối nhiều hơn thể tích thai nhi.
Lời khuyên của thầy thuốc
Để phòng tránh biến chứng nguy hiểm của thắt nút dây rốn, mẹ phải để mắt tới hoạt động của thai nhi, đặc biệt là giai đoạn sau của thai kỳ. Nếu mẹ cảm nhận thấy có bất kỳ sự thay đổi đặc biệt nào trong hoạt động của thai nhi thì phải đi khám ngay tức thì.
Thai phụ cần khám định kỳ đầy đủ, theo dõi sức khỏe thai nhi tại nhà bằng cách đếm cử động thai theo hướng dẫn của bác sĩ. Nếu phát hiện được dây rốn thắt nút trong thai kỳ, thai phụ sẽ có chế độ theo dõi sát sao và chủ động mổ lấy thai vào thời điểm phù hợp theo chỉ định sản khoa.
Hiện nay chưa có phương pháp nào để ngăn ngừa nút thắt dây rốn xảy ra. Vì vậy, chăm sóc thai sản đúng cách là điều cần thiết để đảm bảo thai kỳ khỏe mạnh và không gặp biến chứng.