Hà Nội

Nguy cơ dây rốn bám màng có ảnh hưởng đến thai nhi

12-06-2021 14:51 | Đời sống
google news

SKĐS - Dây rốn bám màng là hiện tượng khác thường về dây rốn khá hiếm gặp và cần được theo dõi sát sao trong suốt thai kỳ. Vậy, ai có nguy cơ mắc phải tình trạng này? ảnh hưởng của tình trạng này ra sao?

Trong thai kỳ, dây rốn là một phần rất quan trọng đóng vai trò cung cấp oxy và chất dinh dưỡng cho em bé. Đây là bộ phận liên kết em bé với nhau thai và bất cứ hiện tượng bất thường nào xảy ra ở dây rốn cũng sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới sự phát triển của bé.

Mặc dù tỷ lệ bị dây rốn bám màng rất thấp nhưng nguy cơ tử vong cho thai nhi lại khá cao - khoảng 75 - 100% nếu không phát hiện sớm trước khi chuyển dạ. Khi bị dây rốn bám màng, trẻ chỉ có thể nhận được 30% dưỡng chất từ mẹ, trẻ có thể bị chết lưu bất cứ lúc nào.

Đặc biệt, dây rốn bám màng trở nên nguy hiểm hơn khi thai phụ bắt đầu chuyển dạ, cơn gò tử cung có thể làm rách màng ối, đứt dây rốn khiến nguồn máu bơm đến thai nhi bị gián đoạn. Lúc này, thai nhi có thể bị ngạt và mất nhịp tim.

Để biết thai phụ có bị dây rốn bám màng hay không, bác sĩ sẽ tiến hành siêu âm thai ở tuần thứ 18 - 22 của thai kỳ bởi bác sĩ có kinh nghiệm.

Ở những tháng cuối, thai đã phát triển lớn nên khó có thể phát hiện nếu bị dây rốn bám màng. Kết hợp với khám thai định kỳ, các mẹ bầu cũng nên chủ động theo dõi cử động thai hàng ngày, nhất là trong 3 tháng cuối. Nếu nhận thấy thai máy ít, có dấu hiệu bất thường, cần liên hệ ngay với bác sĩ để can thiệp kịp thời.

Rau bám màng là tình trạng khá hiếm gặp, tỉ lệ 1/2.500 ca. Thường không có dấu hiệu lâm sàng mà chỉ có thể phát hiện dựa vào kết quả siêu âm, do đó đòi hỏi bác sĩ phải chẩn đoán chính xác thông qua hình ảnh siêu âm, cần quan sát rất kỹ càng, cộng với thiết bị siêu âm hiện đại cho những hình ảnh sắc nét đến từng chi tiết.

Ai có nguy cơ mắc phải tình trạng này?
Theo nghiên cứu, mẹ bầu có nguy cơ mắc vào tình trạng này khi có một trong các yếu tố như: Mẹ bầu gặp phải hiện tượng nhau tiền đạo hoặc mạch máu tiền đạo có nguy cơ gặp phải tình trạng nhau bám màng cao hơn bình thường. Các bà mẹ mang thai đôi có chung màng đệm cũng có nhiều nguy cơ.Một số nghiên cứu cho rằng biến chứng này có thể phổ biến hơn đối với các trường hợp thụ tinh ống nghiệm. Mang thai khi đã lớn tuổi có thể sẽ tăng nguy cơ phát triển tình trạng này.

Hiện nay vẫn chưa có phương pháp để ngăn ngừa bởi đây là tình trạng xảy ra mà không có lý do rõ ràng trong quá trình phát triển của thai nhi.

Những điều mà bạn có thể làm là phát hiện sớm thông qua việc khám thai định kỳ và siêu âm thai nhằm có những phương pháp theo dõi kịp thời.

Không chỉ dây rốn bám màng mà dây rốn có thể gặp phải rất nhiều hiện tượng bất thường khác mà bất cứ thai phụ nào cũng có thể gặp phải. Trong đó có thể kể đến như:Dây rốn quấn cổ, dây rốn thắt nút, sa dây rốn.

Bình thường, dây rốn sẽ bám ở vị trí giữa của bánh rau. Nhưng với rau bám màng, dây rốn sẽ bám ở vùng rìa của bánh rau và chỉ bám ở phần màng rau, từ đó xảy ra hiện tượng co bóp tử cung gây rách màng ối, đứt dây rau, cắt đứt nguồn máu nuôi thai, thai sẽ bị ngạt trong tử cung. Trong thời điểm sản phụ chuyển dạ, nếu không được phát hiện hoặc can thiệp kịp thời, thai nhi có thể bị đe dọa tính mạng chỉ trong vài phút.
     
     Các chuyên gia cảnh báo thai phụ nên đi khám thai và theo dõi thai nhi định kỳ theo lịch hẹn bởi kịp thời phát hiện dây rốn bám màng sẽ hỗ trợ các bác sĩ trong việc lên phương án theo dõi thai phù hợp và chuẩn bị các tình huống xử lý cấp cứu trong tình trạng khẩn cấp. Thai phụ nên được kiểm tra thường xuyên với siêu âm và Monitoring định kỳ hoặc ngay khi có cơ co tử cung đầu tiên.

     Ngay khi thai phụ có dấu hiệu chuyển dạ, xuất hiện các cơn co tử cung liên tục, cần phát hiện sớm và xử trí kịp thời tránh trường hợp tử vong đáng tiếc.

TS.BS. NGUYỄN THỊ THU
Ý kiến của bạn