Hà Nội

Đẩy nhanh chuyển đổi số, ứng dụng thành công AI trong y tế, 90% người dân có hồ sơ sức khỏe điện tử

12-06-2023 10:24 | Y tế

SKĐS - Thực hiện chuyển đổi số y tế, Bộ Y tế đặt ra mục tiêu 100% dịch bệnh và ca bệnh truyền nhiễm được quản lý trên nền tảng số vào cuối năm 2023; Mỗi người dân đều có hồ sơ số về sức khoẻ cá nhân, trong đó 90% người dân có hồ sơ sức khỏe điện tử...

Theo kế hoạch hành động của Bộ Y tế thực hiện Nghị quyết số 157-NQ/BCSĐ của Ban cán sự Đảng Bộ Y tế về chuyển đổi số y tế đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 do Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn vừa ký ban hành, mục tiêu mà ngành y tế đặt ra là:

100% hệ thống thông tin y tế được đảm bảo an toàn thông tin, an ninh mạng theo hồ sơ cấp độ an toàn thông tin được phê duyệt và trước khi đưa vào sử dụng, khai thác.

Đẩy nhanh chuyển đổi số, ứng dụng thành công AI trong y tế, 90% người dân có hồ sơ sức khỏe điện tử - Ảnh 1.

Theo dõi, điều trị và chăm sóc người bệnh trên iPad tại BVĐK TP Vinh (Nghệ An). Ảnh: Trung Hiếu - Châu Dũng

100% các dịch bệnh truyền nhiễm và các ca bệnh truyền nhiễm được quản lý trên nền tảng số y tế.

100% các trang thiết bị, vật tư y tế, thuốc được cấp chứng nhận đăng ký lưu hành tại Việt Nam được quản lý theo mã định danh duy nhất thống nhất với định danh hàng hóa theo tiêu chuẩn quốc tế.

Ứng dụng thành công các công nghệ số: trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data), kết nối vạn vật y tế (IoMT), chuỗi khối (Blockchain), … trong các hoạt động y tế.

Mỗi người dân đều có hồ sơ số về sức khỏe cá nhân, trong đó 90% người dân có hồ sơ sức khỏe điện tử. Mỗi trạm y tế xã đều triển khai hoạt động quản lý trạm y tế xã trên môi trường số, trong đó: 100% các xã triển khai phần mềm quản lý trạm y tế xã đầy đủ các chức năng theo quy định của Bộ Y tế; 95% trạm y tế xã, phường, thị trấn thực hiện dự phòng, quản lý, điều trị một số bệnh không lây nhiễm trên nền tảng số.

Mỗi bệnh viện có ít nhất 01 cán bộ công nghệ thông tin được đào tạo chuyên sâu và có chứng chỉ về an toàn thông tin; 100% các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hạng I trở lên triển khai khám bệnh không giấy, trong đó hồ sơ bệnh án điện tử phải đáp ứng không sử dụng bệnh án giấy; tỷ lệ dân số trưởng thành dùng dịch vụ tư vấn sức khỏe trực tuyến, khám chữa bệnh từ xa đạt trên 50%; triển khai các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt và các cơ sở khám chữa bệnh khu vực đô thị đạt tổi thiểu 50% trên tổng số thanh toán viện phí.

Đẩy nhanh chuyển đổi số, ứng dụng thành công AI trong y tế, 90% người dân có hồ sơ sức khỏe điện tử - Ảnh 2.

Khám chữa bệnh từ xa là một trong những giải pháp quan trọng để đảm bảo công tác khám chữa bệnh trong giai đoạn dịch COVID-19.

Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị trong ngành tập trung chỉ đạo thực hiện chuyển đổi số tại đơn vị, đồng thời, xây dựng kế hoạch triển khai Nghị quyết số 157 trước 1/7/2023, bảo đảm thực hiện các mục tiêu cụ thể đến năm 2025 và định hướng năm 2030 về chuyển đổi số y tế.

Các đơn vị cũng cần ưu tiên tập trung nguồn lực, thực hiện hiệu quả, bảo đảm tiến độ, chất lượng trong Kế hoạch hành động; chỉ đạo tổ chức triển khai hiệu quả các nhiệm vụ được giao theo định hướng của Bộ Y tế, bao gồm các Nền tảng số y tế đã được quy định...

Thái Bình
Ý kiến của bạn