Đẩy nhanh các hoạt động ưu tiên, tối ưu hóa các giải pháp, hướng đến mục tiêu chấm dứt bệnh lao tại Việt Nam vào năm 2030

26-03-2021 06:33 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự vào cuộc của toàn xã hội và ngành y tế giữ vai trò tiên phong, với những nỗ lực không mệt mỏi từ khi đất nước thống nhất, gánh nặng bệnh lao ở Việt Nam đã giảm đáng kể.

Trong năm 2020, tỷ lệ phát hiện bệnh lao đã giảm 3,1%. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn là một trong 30 nước có gánh nặng bệnh lao cao nhất trên thế giới. Để hoàn thành các chỉ tiêu đã đề ra vào năm 2022 và mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2030 thì việc đẩy nhanh các hoạt động là ưu tiên và tối ưu hóa các giải pháp là cấp thiết.

ThS.BS. Phạm Hữu Thường - Chủ nhiệm Chương trình Phòng chống lao TP. Hà Nội, Giám đốc Bệnh viện Phổi Hà Nội.

ThS.BS. Phạm Hữu Thường - Chủ nhiệm Chương trình Phòng chống lao TP. Hà Nội, Giám đốc Bệnh viện Phổi Hà Nội.

Công cuộc phòng chống lao đã đạt nhiều thành tựu, nhưng thách thức vẫn hiện hữu và còn lâu dài

Việt Nam đứng thứ 11 trong 30 quốc gia có gánh nặng bệnh lao cao với ước tính khoảng 174.000 bệnh nhân lao, bao gồm 8.600 bệnh nhân  đa kháng thuốc và 13.200 ca tử vong do lao năm 2018. Trong báo cáo năm 2019 của Tổ chức Y tế Thế giới, Việt Nam ghi nhận 103.818 bệnh nhân lao còn  nhạy cảm với thuốc và 3.238 bệnh nhân lao đa kháng thuốc đã được bắt đầu điều trị hiệu quả. Cộng đồng quốc tế ghi nhận, Việt Nam đang là nước đi đầu thế giới trong công tác phòng chống lao với những chiến lược mới và phù hợp. Các chuyên gia Tổ chức Y tế Thế giới và Chương trình Chống lao Quốc gia đã ước tính tỷ lệ mắc lao tại Việt Nam giai đoạn 2007-2017 đã giảm khoảng 3,8% hàng năm, tỷ lệ lao mới mắc giảm khoảng 3% hàng năm và tỷ lệ tử vong do lao giảm khoảng 4% hàng năm. Hiện nay tỷ lệ nhiễm lao hàng năm là 1,7% và ước tính khoảng 30% dân số mắc lao tiềm ẩn, tỷ lệ này cao hơn ở khu vực thành thị (trên 40%). Mặc dù những người mắc lao tiềm ẩn không có dấu hiệu và triệu chứng của bệnh lao, nhưng khoảng 10% số người mắc lao tiềm ẩn có thể tiến triển thành bệnh lao. Những người mắc lao tiềm ẩn là nguồn trữ bệnh trong tương lai. Chính vì vậy, để đạt được các mục tiêu đề xuất vào năm 2030 thì nguồn lây nhiễm và phát tán bệnh này cần phải được giải quyết. Năm 2014, Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt Chiến lược Quốc gia Phòng chống lao nhằm chấm dứt bệnh lao vào năm 2030. Tuy nhiên, Việt Nam phải đối mặt với nhiều thách thức để đạt được mục tiêu này.

Thách thức đầu tiên của công cuộc phòng chống lao ở Việt Nam là chưa thể tiếp cận được khoảng 3 triệu người mắc bệnh lao mỗi năm. Khoảng trống trong công tác phát hiện bệnh lao sẽ tạo ra nguy cơ duy trì nguồn lây và việc lây truyền bệnh, làm tăng số lượng tử vong do lao. Hiểu biết của một bộ phận người dân về bệnh lao và cách phòng chống còn hạn chế, xã hội còn kỳ thị bệnh nhân lao dẫn đến người bị bệnh thường giấu bệnh. Trong khi đó, đa số bệnh nhân lao đều là người nghèo, điều kiện kinh tế khó khăn, ít được tiếp cận các phương tiện truyền thông nên chưa có ý thức phòng chống, hạn chế lây lan bệnh ra cộng đồng.

Lao ở trẻ em không phải là một bệnh hiếm gặp trên lâm sàng ở Việt Nam. Số trường hợp trẻ em bị bệnh lao mỗi năm chiếm khoảng 15% tổng số ca mới mắc, với khoảng 10.000- 30.000 ca bệnh lao trẻ em mỗi năm. Thực tế giai đoạn 2015-2017 số ca lao trẻ em các tỉnh báo cáo khoảng 2,3% (2.404 bệnh nhân); 3,5% (3.709 bệnh nhân) và 1,9% (1.987) tổng số bệnh nhân lao. Năm 2018 phát hiện 1.656 ca các thể, trong đó số ca lao trong nhóm tuổi 0-4 (dưới 5 tuổi): 649 ca (chiếm 39%). Lao ở trẻ em là thách thức cho cả công tác phòng chống lao hiện tại và công tác phòng chống lao về lâu dài.

Cũng như hầu hết các quốc gia bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh trên thế giới, đại dịch COVID-19 đã tác động đáng kể đến kinh tế, xã hội của Việt Nam.  Đại dịch COVID-19 cũng đã gây ra những tác động xấu đến tình hình gia tăng bệnh lao do liên quan đến việc hạn chế khám bệnh, việc kiểm soát điều trị cũng như những khó khăn phát sinh trong quá trình điều trị của người bệnh. Đại dịch càng kéo dài, những tác động xấu và thách thức đối với công cuộc phòng chống lao càng gia tăng.

Khoa Nội - Bệnh viện Phổi Hà Nội.

Khoa Nội - Bệnh viện Phổi Hà Nội.

Đẩy nhanh các hoạt động ưu tiên, tối ưu hóa các giải pháp hướng đến mục tiêu chấm dứt bệnh lao

Ngày Thế giới Phòng chống lao năm nay có chủ đề “Đã đến lúc”. Tổ chức Y tế Thế giới kêu gọi tăng cường ứng phó với bệnh lao thông qua đẩy nhanh các hoạt động ưu tiên, nhằm đưa thế giới đi đúng hướng, đạt được các chỉ tiêu đã đề ra vào năm 2022, và xa hơn nữa là phù hợp với những nỗ lực tăng cường ứng phó với đại dịch COVID-19 và bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân:

Duy trì cam kết từ các lãnh đạo cấp cao nhằm vận động nguồn kinh phí bền vững trong nước dành cho bệnh lao. Khẳng định lại cam kết thực hiện Tuyên bố chính trị của Đại hội đồng Liên hợp quốc 2018 về bệnh lao, vạch ra tiến trình và các bước tiếp theo, đồng thời bày tỏ sự ủng hộ đối với đề xuất của Tổng Thư ký Liên hợp quốc về việc tổ chức cuộc họp cấp cao tiếp theo về bệnh lao vào năm 2023. Thúc đẩy tiếp cận trách nhiệm đa ngành nhằm chấm dứt bệnh lao. Hướng tới bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân thông qua tăng cường dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu để đảm bảo tất cả những người mắc lao đều được hưởng dịch vụ chăm sóc chất lượng với giá cả phải chăng và giải quyết những thách thức chưa được báo cáo. Mở rộng hoạt động phát hiện chủ động kết hợp với điều trị dự phòng lao. Tăng cường sự tham gia của các tổ chức dân sự xã hội, cộng đồng và những người bị ảnh hưởng bởi bệnh lao. Tăng cường nghiên cứu về lao để thúc đẩy những đột phá về công nghệ và tiếp thu nhanh chóng các sáng kiến nhằm đảm bảo công tác dự phòng và chăm sóc bệnh lao được bảo vệ trong bối cảnh đại dịch COVID-19 và các mối đe dọa khẩn cấp khác. Rút ra những bài học thành công trong việc đối phó với COVID-19 để áp dụng trong công cuộc chấm dứt bệnh lao.          


Bùi Hà
Ý kiến của bạn