Đậy nắp các lu, dụng cụ chứa nước biện pháp đơn giản nhất ngăn ngừa sốt xuất huyết

29-08-2019 14:27 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Việc trữ nước trong thời điểm khô hạn là điều bắt buộc, nhưng các hộ dân lại không đậy nắp. Cán bộ y tế đến xử lý, nhưng sau vài ngày quay trở lại, các lu, dụng cụ chứa nước lại đầy bọ gậy. Đây chính là một trong những nguyên nhân khiến tình trạng sốt xuất huyết gia tăng.

Sốt xuất huyết tại Tiền Giang tăng vọt, một học sinh cấp 2 tử vong

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Tiền Giang cho biết hiện tại toàn tỉnh có 2.387 ca sốt xuất huyết  Dengue, tăng 165% so với cùng kỳ năm 2018; trong đó số ca sốt xuất huyết nặng là 15 ca. Các huyện có số ca mắc sốt xuất huyết cao là huyện Cái Bè 488 ca, huyện Châu Thành 403 ca và TP Mỹ Tho 330 ca.

Đặc biệt đã có 1 ca tử vong do sốt xuất huyết tại huyện Chợ Gạo. Bệnh nhân là H.T.A.T., 14 tuổi, học sinh Trường THCS An Thạnh Thủy.

Cần đậy nắp các lu, dụng cụ chứa nước để ngăn ngừa sốt xuất huyết.

Bệnh nhân khởi bệnh ngày 16-8 với dấu hiệu sốt, người nhà đã tự mua thuốc về uống. Đến 23h ngày 18-8, bệnh nhân nhức đầu, đau bụng và ói nên gia đình đưa đến phòng cấp cứu Bệnh viện Đa khoa trung tâm tỉnh Tiền Giang khám và nhập viện. Bệnh nhân vẫn còn sốt, nhức đầu, đau bụng và ói. Đến 20h ngày 20-8, bệnh nhân tử vong.

Trước tình hình sốt xuất huyết diễn biến phức tạp, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Tiền Giang đề nghị các địa phương tiến hành dập dịch đúng quy định, không để dịch lan rộng, đồng thời tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn tiến của dịch.  Sở Y tế Tiền Giang đã thành lập 2 đoàn kiểm tra các hoạt động phòng, chống sốt xuất huyết ở tất cả các huyện và các xã có số mắc cao có nguy cơ bùng phát dịch nhằm hỗ trợ và can thiệp hiệu quả.

Cũng theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Tiền Giang, bệnh sốt xuất huyếtxảy ra quanh năm nhưng thường bùng phát vào mùa mưa, nhất là vào các tháng 9, 10. Nguyên nhân do người dân có thói quen tích trữ nước nhưng lại không có nắp đậy, tạo điều kiện cho muỗi đẻ trứng, phát triển. Bên cạnh đó, nước thải, rác thải cũng là môi trường thuận lợi để muỗi sinh sôi.

Tại các tỉnh Miền Trung tình hình sốt xuất huyết có diễn biến cũng phức tạp. Tại tỉnh Phú Yên, huyện Tuy An là địa phương có số ca mắc bệnh sốt xuất huyết cao thứ 2 của tỉnh  với gần 600 trường hợp. Đáng lưu ý là số ca mắc bệnh tăng đến 64 lần so với năm 2018 và số người mắc bệnh lại tăng cao trong những tháng nắng nóng. Tại huyện Tuy An, nhà nào cũng có vài thùng đựng nước, đây là nguyên nhân phát sinh bọ gậy, khiến các ổ  dịch sốt xuất huyết bùng phát.

Tại tỉnh Ninh Thuận, Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Ninh Thuận cho biết, tính đến ngày 21/8/2019, toàn tỉnh đã có 55/65 xã, phường mắc bệnh sốt xuất huyết Dengue, với tổng số ca mắc 968 trường hợp; trong đó có 26 trường hợp mắc sốt xuất huyết Dengue nặng, không có trường hợp tử vong. Số ca mắc bệnh tăng 6,6 lần so với cùng kỳ năm 2018 (968/147).

Hiện, thành phố Phan Rang - Tháp Chàm có số ca mắc sốt xuất huyết tăng cao với 354 trường hợp; huyện Ninh Phước có 323 trường hợp; huyện Ninh Hải có 117 trường hợp; huyện Ninh Sơn có 70 trường hợp; huyện Thuận Nam có 55 trường hợp; huyện Thuận Bắc có 44 trường hợp và huyện Bác Ái có 5 trường hợp.

Theo thống kê, mới hết tháng 8 nhưng ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên có đến 55.705 ca mắc bệnh sốt xuất huyết, trong đó có 8 trường hợp tử vong. Nắng nóng kéo dài nên nhà nào cũng trữ nước, nhưng những lu, thùng chứa nước này lại không đậy nắp. Kết quả kiểm tra của Đoàn công tác số 7 (Bộ Y tế) cho thấy, ở nhiều hộ có đến 7 chủng loại dụng cụ chứa nước, gây phát sinh muỗi tại tỉnh Phú Yên. Thậm chí, có xã không thiếu nước nhưng người dân vẫn trữ nước ở các thùng và bọ gậy cứ thế sinh sôi.

Trữ nước không đậy nắp - Nguyên nhân khiến sốt xuất huyết tăng nhanh

Tại buổi làm việc với tỉnh Ninh Thuận, Đoàn công tác của Bộ Y tế do PGS.TS Huỳnh Hồng Quang, Phó Viện trưởng Viện Sốt rét - Ký sinh trùng và côn trùng Quy Nhơn làm Trưởng đoàn cùng lãnh đạo Viện Pasteur Nha Trang, Cục quản lý Môi trường Y tế (Bộ Y tế) đã kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết tại Ninh Thuận.

Theo đánh giá của các chuyên gia, việc trữ nước trong thời điểm khô hạn là điều bắt buộc, nhưng các hộ dân lại không đậy nắp- chính là một trong những nguyên nhân khiến cho tình trạng bệnh sốt xuất huyết gia tăng. Cán bộ y tế đến xử lý, nhưng sau vài ngày quay trở lại, các lu, dụng cụ chứa nước lại đầy bọ gậy. Với tình hình hiện nay, nếu chỉ riêng ngành Y tế vào cuộc và người dân không tự diệt bọ gây từ các dụng cụ chứa nước, việc ngăn chặn bệnh sốt xuất huyết sẽ gặp khó, nhất là theo dự báo từ đây đến cuối năm bệnh có khả diễn biến phức tạp hơn bởi đây là năm chu kỳ của dịch sốt xuất huyết.

Các chuyên gia cảnh báo, hiện thời tiết thay đổi bất thường, làm cho muỗi truyền bệnh phát sinh, phát triển mạnh. Dự báo trong thời gian tới, dịch sốt xuất huyết có thể diễn biến phức tạp, có nguy cơ gia tăng số ca mắc bệnh. Đoàn công tác đề xuất Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh của Ninh Thuận tiếp tục chỉ đạo chính quyền các cấp huy động các ban ngành, đoàn thể cùng tham gia phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết. Bên cạnh đó, UBND tỉnh tiếp tục quan tâm, chủ động trích thêm kinh phí hỗ trợ cho công tác phòng, chống dịch bệnh để thực hiện tốt biện pháp kiểm soát dịch bệnh hiện nay.

Để phòng bệnh sốt xuất huyết hiệu quả, không gì khác hơn là người dân cần nâng cao ý thức hơn nữa; công tác phòng, chống dịch tại các địa phương cũng phải được thực hiện đồng bộ, quyết liệt và triệt để hơn.


Nguyễn Vũ
Ý kiến của bạn