Hà Nội

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin: Cả bệnh viện, cơ quan bảo hiểm xã hội và người bệnh đều hưởng lợi

01-09-2016 18:35 | Xã hội
google news

SKĐS - Ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong y tế luôn được Bộ Y tế cũng như Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam đặc biệt quan tâm triển khai thực hiện.

Ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong y tế luôn được Bộ Y tế  cũng như Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam đặc biệt quan tâm triển khai thực hiện. Hiện tại, nhiều bệnh viện (BV) trên cả nước đã ứng dụng tin học trong quản lý khám chữa bệnh, thanh toán BHYT, hỗ trợ khám chữa bệnh từ xa, cấp mã ID cho bệnh nhân, xây dựng hệ thống xét nghiệm kết nối thông tin hai chiều, tổ chức hội nghị từ xa... Còn với cơ quan BHXH, việc ứng dụng CNTT trong giám định thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT sẽ không chỉ giúp cho việc chia sẻ “gánh nặng” giấy tờ với các giám định viên mà còn góp phần giám sát quỹ BHYT...

Những đột phá trong cải cách thủ tục hành chính

Khoa Cấp cứu A9, BV Bạch Mai là một trong những đơn vị được chọn để đặt những viên gạch đầu tiên xây dựng hệ thống E-Hospital. Khi ứng dụng phần mềm này, bác sĩ Khoa Cấp cứu sẽ được cập nhật một cách nhanh nhất kết quả xét nghiệm cũng như chẩn đoán hình ảnh của bệnh nhân khám, cấp cứu và điều trị tại khoa ngay trên hệ thống E-Hospital. Với hệ thống này, bất cứ bệnh nhân nào đã từng được khám, cấp cứu và điều trị... tại BV Bạch Mai khi tái khám thì bác sĩ có thể xem lại được hồ sơ bệnh án điện tử của bệnh nhân đó trong những lần vào viện trước chỉ trong vòng vài phút.

ung dung CNTT, ung dung cong nghe thong tin trong benh an dien tu

Bác sĩ kiểm tra bệnh án của bệnh nhân đã từng khám tại bệnh viện chỉ trong vài phút qua bệnh án điện tử. Ảnh: TM

Tại BV Nội tiết Trung ương, PGS.TS. Trần Ngọc Lương - Giám đốc BV cho biết, tháng 4 vừa qua, hệ thống phần mềm cả 2 cơ sở của BV đã thông nhau là cơ sở để BV đang triển khai cấp thẻ khám bệnh điện tử nhỏ gọn, tích hợp với thẻ ATM để bệnh nhân có thể thanh toán viện phí bằng thẻ chỉ qua một cú nhấp chuột của bác sĩ. Bệnh nhân cũng không gặp khó khi trước đó đi khám tại cơ sở 1, nay lại đi khám ở cơ sở 2 bởi thông tin bệnh nhân sẽ được kết nối giữa hai cơ sở nhờ hệ thống CNTT. “Từ khi áp dụng CNTT trong khám chữa bệnh và thanh toán BHYT, mọi việc đều đơn giản hơn vì thông tin bệnh nhân được kết nối qua mạng tại tất cả các khoa, phòng. Bệnh nhân không phải chạy lên chạy xuống giữa các phòng khám. Trên hệ thống phần mềm, mỗi bệnh nhân có một mã riêng thống kê tất cả các lần khám và chỉ định điều trị, giúp cho việc tra cứu các kết quả xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh từ những lần khám trước chỉ trong khoảng 1 phút, thay cho việc phải chờ đợi hàng giờ đồng hồ để tìm các hồ sơ bệnh án như trước” - PGS.TS. Trần Ngọc Lương chia sẻ.

Giữa tháng 7/2016, một sự kiện ghi dấu ấn trong việc ứng dụng CNTT vào hoạt động của ngành y tế Quảng Ninh là Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh chính thức khai trương hệ thống Hội nghị từ xa (Telemedicine) tại 18 điểm cầu, sử dụng cho việc tổ chức họp trực tuyến, giúp chỉ đạo điều hành phòng chống dịch bệnh, phòng chống thiên tai, thảm họa, hỗ trợ đào tạo chuyên môn... Bên cạnh đó, hệ thống thông tin hỗ trợ khám chữa bệnh từ xa được đầu tư tại 10 điểm cầu, lắp đặt trong các phòng phẫu thuật với mục tiêu hội chẩn, phẫu thuật, tư vấn và khám chữa bệnh từ xa cho các cơ sở y tế.

Theo đó, thay vì phải chuyển bệnh nhân lên BV tuyến Trung ương với công nghệ truyền hình tương tác, các BV của Quảng Ninh có thể kết nối với nhiều chuyên gia, bác sĩ tại nhiều BV để chẩn đoán cấp cứu cấp tốc, thực hiện ca mổ cứu sống bệnh nhân nguy kịch... Theo ước tính, bên cạnh yếu tố hỗ trợ cứu chữa kịp thời, tiết kiệm chi phí, thời gian cho người nhà bệnh nhân do không phải di chuyển lên BV tuyến trên, hệ thống Hội nghị từ xa mỗi năm tiết kiệm trên 3 tỷ đồng.

Ðảm bảo quyền lợi cho người bệnh có thẻ BHYT

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, đến nay hơn 13.000 cơ sở trong tổng số 14.000 cơ sở y tế trên toàn quốc đã chính thức kết nối thành công vào hệ thống thông tin giám định BHYT. Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn cho biết, nhờ ứng dụng CNTT, người bệnh giảm được thời gian chờ khám bệnh, thanh toán viện phí, được cung cấp đầy đủ thông tin về chi phí được quỹ BHYT chi trả, tham gia giám sát quyền lợi được hưởng. Với việc ứng dụng CNTT, các chi phí ngoài quy định được phát hiện và xử lý kịp thời, tránh được tình trạng lạm dụng quỹ BHYT.

BHXH Việt Nam ước tính mỗi năm có khoảng 150 triệu hồ sơ khám chữa bệnh BHYT cần thẩm định nhưng chỉ có 2.000 nhân viên giám định (mỗi người khoảng 75.000 hồ sơ) nên giám định chưa thể tốt. Bà Nguyễn Thị Minh - Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam nhận xét, việc thực hiện tin học hóa quản lý khám chữa bệnh, giám định và thanh toán BHYT đã thực sự đem lại những hiệu quả rất lớn, tạo ra bước đột phá trong công tác quản lý, cải cách thủ tục hành chính, minh bạch và đặc biệt là tạo thuận lợi, đảm bảo tốt hơn quyền lợi cho người bệnh BHYT, tiết kiệm đáng kể chi phí xã hội.

Về một số giải pháp quản lý chi phí khám chữa bệnh BHYT, ông Phạm Lương Sơn khẳng định sẽ tăng cường ứng dụng CNTT, thực hiện tốt việc kết nối liên thông dữ liệu giữa cơ sở khám, chữa bệnh và cơ quan BHXH. Khi có đầy đủ dữ liệu trên phần mềm giám định việc giám định thuận lợi hơn và đảm bảo thanh toán BHYT đúng quy định.


Nguyễn hoàng
Ý kiến của bạn