(SKDS) - Theo Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế, từ đầu năm 2012 đến nay, trên toàn quốc đã ghi nhận 164 vụ ngộ độc thực phẩm làm gần 5.400 người mắc, 33 người tử vong. Vấn đề mất an toàn thực phẩm (ATTP) đang là nỗi lo lớn của người tiêu dùng vào dịp cuối năm, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới... Vậy, cơ quan chức năng sẽ làm gì để "đảm bảo bữa ăn an toàn cho người dân"? Phóng viên báo Sức khỏe & Đời sống đã trao đổi với TS. Trần Quang Trung - Cục trưởng Cục ATTP, Bộ Y tế xung quanh vấn đề này.
PV: Là người "gác cổng" lĩnh vực ATTP của ngành, ông nhận định như thế nào về tình hình ATTP trong thời gian qua?
TS. Trần Quang Trung - Cục trưởng Cục ATTP Bộ Y tế. Ảnh: Đ.A |
TS. Trần Quang Trung: Kết quả thanh tra, kiểm tra năm 2011 và từ đầu năm 2012 đến nay cho thấy số vụ việc vi phạm ATTP có chiều hướng giảm, tình hình ngộ độc thực phẩm tập thể giảm đáng kể, nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về bảo đảm an toàn thực phẩm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm và người dân được nâng lên. Tuy nhiên vẫn còn một số vi phạm như sản xuất, kinh doanh thực phẩm kém chất lượng, quá hạn sử dụng, vận chuyển, kinh doanh thực phẩm tươi sống, phủ tạng gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc, nguyên liệu dùng để chế biến thực phẩm bị ô nhiễm vi sinh, hóa chất, rượu pha chế từ cồn công nghiệp, kinh doanh, sử dụng phụ gia thực phẩm không đúng quy định... còn diễn ra ở nhiều địa phương.
Tổ chức Chiến dịch cao điểm đảm bảo an toàn thực phẩm Chỉ đạo về Chiến dịch cao điểm đảm bảo ATTP vào dịp cuối năm, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu Bộ Y tế không chỉ kiểm tra tại các bếp ăn, nhà hàng, chợ mà cần kiểm soát tại nơi sản xuất, nơi chế biến, vận chuyển gia súc, rau quả trên đường. Đồng thời xác định yêu cầu đảm bảo ATTP với từng loại mặt hàng cụ thể như thịt gia súc, gia cầm an toàn; rau an toàn; thực phẩm chế biến an toàn; hoa quả an toàn… |
Bên cạnh đó, Cục cũng sẽ phát động chiến dịch "Bữa ăn an toàn". Đây sẽ là điểm nhấn để nâng cao ý thức người dân nhằm lựa chọn thực phẩm an toàn, mua thực phẩm có nguồn gốc và tích cực tham gia tẩy chay các thực phẩm không đảm bảo để có một cái tết an lành về sử dụng thực phẩm.
PV: Ngày 25/12 tới, Nghị định 91/2012/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về ATTP sẽ có hiệu lực, theo ông, khi đi vào thực tiễn, những chế tài xử phạt theo chiều hướng gia tăng của Nghị định này có làm giảm được bất cập trong xử phạt hành chính về lĩnh vực ATTP?
TS. Trần Quang Trung:Theo Nghị định này, các hành vi vi phạm ATVSTP sẽ bị xử phạt rất nặng. Nhiều sai phạm trước kia mức phạt chỉ 50.000 - 100.000 đồng, nay tăng lên 3 - 5 triệu đồng, mức xử phạt cao nhất là 100 triệu đồng. Đặc biệt, cơ sở kinh doanh thực phẩm mất an toàn sẽ bị phạt tiền cao gấp 7 lần giá trị hàng hóa. Nếu như trước đây, chỉ cơ quan thanh tra hoặc quản lý thị trường mới có quyền xử phạt thì Nghị định 91 đã mở rộng chức năng xử phạt cho Cục trưởng Cục ATTP, các Chi cục trưởng Chi cục ATTP các tỉnh đều có quyền xử phạt hành chính, phạt tiền, phạt bổ sung như tước quyền sử dụng giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP...
Thái Bình