Đẩy mạnh tầm soát, phát hiện một số tật, bệnh bẩm sinh qua sàng lọc, chẩn đoán trước sinh, sơ sinh

15-12-2022 16:30 | Y tế

SKĐS - Hà Nội duy trì thực hiện các hoạt động sàng lọc trước sinh và sơ sinh tại 30/30 quận/huyện/thị xã. Chi cục Dân số - Kế hoạch hoá gia đình Hà Nội đã xây dựng kế hoạch đào tạo kỹ thuật siêu âm chẩn đoán sàng lọc trước sinh trình độ cơ bản và trình độ nâng cao cho bác sĩ tại trung tâm y tế, bệnh viện...

Vai trò của sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh

Theo các chuyên gia sản khoa và nhi khoa cả sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh đều rất cần thiết với sự phát triển của trẻ. Bởi một số bệnh nếu được phát hiện, điều trị sớm ngay từ giai đoạn bào thai và sơ sinh sẽ giúp trẻ tránh được những hậu quả nặng nề trong quá trình phát triển về trí tuệ và thể chất sau này.

Sàng lọc trước sinh là siêu âm hình thái thai nhi, đo độ mờ da gáy khi tuổi thai từ 11 đến 13 tuần để phát hiện nguy cơ mắc hội chứng Down và một số bệnh lý khác. Siêu âm hình thái và cấu trúc các cơ quan của thai nhi vào lúc tuổi thai từ 20 đến 24 tuần nhằm phát hiện các bất thường của hệ thần kinh, hệ tim mạch, ở lồng ngực, dị tật của dạ dày - ruột, sinh dục - tiết niệu, xương...

Đẩy mạnh tầm soát, phát hiện một số tật, bệnh bẩm sinh qua sàng lọc, chẩn đoán trước sinh, sơ sinh - Ảnh 1.

Theo các chuyên gia sản khoa và nhi khoa cả sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh đều rất cần thiết với sự phát triển của trẻ.

Sàng lọc sơ sinh là lấy máu gót chân trẻ 48 giờ sau sinh nhằm phát hiện một số bệnh như: Suy giáp bẩm sinh, thiếu men G6PD, tăng sản tuyến thượng thận bẩm sinh và một số rối loạn chuyển hóa bẩm sinh.

Ông Tạ Quang Huy- Chi Cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình Hà Nội cho biết, thời gian qua, thành phố đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đồng thời phối hợp với các cơ sở y tế nâng cao kỹ thuật, năng lực cho cán bộ trực tiếp tham gia quá trình sàng lọc.

Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình Hà Nội đã tổ chức đào tạo kỹ thuật sàng lọc khiếm thính cho cán bộ y tế tại trung tâm y tế, bệnh viện trên địa bàn thành phố; đào tạo cán bộ kỹ thuật siêu âm chẩn đoán sàng lọc tim bẩm sinh cho bác sĩ tại trung tâm y tế, bệnh viện trên địa bàn thành phố; xây dựng kế hoạch tập huấn kỹ thuật lấy mẫu máu gót chân trẻ sơ sinh cho cán bộ y tế tại trung tâm y tế, bệnh viện trên địa bàn thành phố.

Tại 30/30 quận/huyện/ thị xã đều triển khai thực hiện các hoạt động sàng lọc trước sinh và sơ sinh; đẩy mạnh công tác truyền thông tại cộng đồng, tư vấn vận động đối tượng; phối hợp các đơn vị y tế trên địa bàn triển khai thực hiện kỹ thuật siêu âm sàng lọc trước sinh; lấy mẫu máu xét nghiệm sàng lọc sơ sinh.

Mới đây Trung tâm Y tế quận Nam Từ Liêm, Ban chỉ đạo công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình các phường đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực cho các gia đình có con nhỏ như: các buổi tư vấn, tuyên truyền về sàng lọc trước sinh, sàng lọc sơ sinh, sàng lọc khiếm thính cho đối tượng là phụ nữ có thai, người nhà của các trẻ từ 0-60 tháng tuổi; tuyên truyền nâng cao nhận thức về khám sàng lọc khiếm thính, vai trò và hiệu quả của phát hiện và điều trị sớm khiếm thính trẻ em cho phụ huynh học sinh các trường mầm non trên địa bàn quận...

Cùng đó, Trung tâm Y tế quận Nam Từ Liêm, Ban chỉ đạo công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình các phường và Ban Giám hiệu các Trường mầm non trên địa bàn quận tổ chức khám khiếm thính cho trẻ em từ 18-24 tháng. Hoạt động này nhằm mục đích phát hiện sớm trẻ có dấu hiệu nghi ngờ, từ đó thông báo cho gia đình để trẻ được thăm khám chuyên sâu và có kế hoạch can thiệp sớm giúp trẻ cải thiện khả năng thính lực, phát triển các kỹ năng ngôn ngữ và học tập, giao tiếp, hòa nhập cộng đồng, giảm gánh nặng cho bản thân, gia đình và xã hội...

Tiến tới mở rộng tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh

Để nâng cao chất lượng sàng lọc trước sinh và sơ sinh, các bệnh viện trên địa bàn thành phố đều triển khai thực hiện ứng dụng các phương pháp sàng lọc trước sinh. Sàng lọc trước sinh nhằm phát hiện sớm những thai kì bị dị tật bẩm sinh (DTBS) nặng, bệnh lý gen hoặc những trẻ giảm thiểu trí tuệ: Hội chứng Down, Trisomy 13, Trisomy 18, bệnh Thalassemia…

Từ đó, các bác sĩ tư vấn cho thai phụ và gia đình hướng xử trí tốt nhất. Việc chẩn đoán sớm những khuyết tật có thể sửa chữa được sau sinh như sứt môi, hở hàm ếch, chân tay khoèo… giúp chuẩn bị tâm lý tốt hơn cho các cặp vợ chồng.

Đẩy mạnh tầm soát, phát hiện một số tật, bệnh bẩm sinh qua sàng lọc, chẩn đoán trước sinh, sơ sinh - Ảnh 2.

Khám sàng lọc khiếm thính cho trẻ

Thống kê nửa đầu năm 2022, tỷ lệ sàng lọc trước sinh của Hà Nội đạt 83,43%; tỷ lệ sàng lọc sơ sinh đạt 85,19%; tư vấn sàng lọc trước sinh và sơ sinh là 231 lượt (trong đó tư vấn cho 42 thai phụ có nguy cơ cao, 186 trẻ nghi ngờ dương tính thiếu men G6PD, 3 ca nghi ngờ suy giáp trạng bẩm sinh)...

Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động nâng cao chất lượng dân số, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đinh Hà Nội tiếp tục tham mưu UBND phê duyệt Đề án mở rộng Tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh trên địa bàn thành phố đến năm 2030.

Tại Nghị quyết số 21-NQ/TƯ về công tác dân số trong tình hình mới, đặt ra mục tiêu đến năm 2030, có 70% số phụ nữ mang thai được tầm soát ít nhất 4 loại bệnh bẩm sinh và 90% số trẻ sơ sinh được tầm soát ít nhất 5 bệnh bẩm sinh phổ biến nhất.

Sáng 15/12: Theo dõi sát sự xuất hiện biến thể mới của COVID-19; đẩy nhanh tiêm vaccine mũi 3 và 4, tiêm cho trẻ
Sáng 15/12: Theo dõi sát sự xuất hiện biến thể mới của COVID-19; đẩy nhanh tiêm vaccine mũi 3 và 4, tiêm cho trẻ

SKĐS - Theo thống kê của Bộ Y tế số ca mắc COVID-19 mới mấy ngày gần đây có dấu hiệu giảm nhẹ, bệnh nhân nặng dao động từ 50-70 ca đang thở oxy, thở máy; Bộ Y tế yêu cầu các cơ quan chuyên môn tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình dịch, nhất là sự xuất hiện của các biến thể mới của COVID-19.


Thái Bình
Ý kiến của bạn