Tăng cường phát triển dược liệu dân tộc
Nghị quyết 20-NQ/TW về Tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân trong tình hình mới yêu cầu đẩy mạnh phát triển ngành dược liệu dân tộc. Trong đó, đẩy mạnh nghiên cứu, kiểm nghiệm, chứng minh tác dụng của các phương thức chẩn trị, điều trị không dùng thuốc, các bài thuốc, vị thuốc y học cổ truyền. Có chính sách đặc thù trong phát triển dược liệu, nhất là các dược liệu quý hiếm. Đẩy mạnh phòng, chống buôn lậu, sản xuất kinh doanh thuốc, thực phẩm chức năng giả, kém chất lượng. Kiểm soát chặt chẽ thực phẩm chức năng và hàng hoá có nguy cơ gây hại cho sức khỏe. Tăng cường kiểm soát chất lượng dược liệu ngoại nhập; giảm dần sự phụ thuộc vào nguồn dược liệu của nước ngoài.
Cần phát triển ngành dược liệu dân tộc.
Trước đó, phát biểu khai mạc Hội nghị toàn quốc của Chính phủ về phát triển dược liệu Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh đến tiềm năng to lớn phát triển dược liệu ở Việt Nam, đặc biệt là dược liệu quý hiếm. Từ phát triển dược liệu, có thể tìm ra giá trị gia tăng để nâng cao mức sống của người dân.
Cần có đặc thù để phát triển ngành dược
Cũng tại hội nghị này, Thủ tướng cho rằng phải có những chính sách đặc thù để phát triển ngành dược, cây dược liệu, công nghiệp dược liệu Việt Nam, đồng thời giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với một số bộ liên quan để hình thành cơ chế này. Cần hình thành các trung tâm dược liệu ở miền Bắc, Trung, Nam và Tây Nguyên để tập trung nghiên cứu, quảng bá rộng rãi lĩnh vực dược liệu, y học cổ truyền. Bộ Y tế chủ trì xây dựng Chương trình khoa học công nghệ trọng điểm về dược liệu, trong đó chú trọng việc bảo tồn nguồn gene và phát triển dược liệu quý, hiếm, đặc hữu; có chính sách hỗ trợ phát hiện, đăng ký, công nhận sở hữu trí tuệ và thương mại hóa các bài thuốc cổ truyền; lựa chọn một số sản phẩm từ dược liệu đặc hữu, quý, hiếm có giá trị kinh tế cao để đầu tư phát triển, coi là sản phẩm quốc gia hoặc được áp dụng các cơ chế hỗ trợ, ưu đãi như đối với sản phẩm quốc gia.
Cần có đặc thù để phát triển ngành dược
Thủ tướng cũng giao nhiệm vụ cho các ngành nghiên cứu đề xuất tăng cường liên kết theo mô hình 5 nhà và thực hiện chính sách liên kết vùng trong sản xuất dược liệu. Bộ Y tế và Hội Dược liệu Việt Nam chọn 100 cây dược liệu quý trong số 5.000 loại dược liệu mà Việt Nam có để trồng, chế biến. Đi liền với đó là thúc đẩy vùng chuyên canh quy mô lớn để áp dụng quy trình quản lý chất lượng tiên tiến, công nghệ cao.
Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và PTNT phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế trong việc công nhận giống cây dược liệu, bảo đảm chất lượng giống; khẩn trương ban hành các quy trình chuẩn trong nuôi trồng dược liệu. Các địa phương, đặc biệt là các tỉnh trọng điểm, cần xây dựng quy hoạch, kế hoạch để triển khai kịp thời các đề án, dự án trong quy hoạch; bố trí diện tích phù hợp để nuôi trồng, đặc biệt chú trọng đến các loại dược liệu thế mạnh của địa phương. Tạo mọi điều kiện thuận lợi, trước mắt là về thủ tục hành chính và có chính sách hỗ trợ cần thiết đối với các dự án phát triển nuôi trồng dược liệu.
Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác quản lý, giám sát chặt chẽ việc xuất, nhập khẩu, phân phối, lưu thông dược liệu, ngăn chặn nạn buôn bán dược liệu trái phép và gian lận thương mại trong kinh doanh dược liệu; tăng cường thông tin, tuyên truyền về việc sử dụng dược liệu, y dược cổ truyền trong phòng bệnh, chữa bệnh.
Với các chính sách và giải pháp phù hợp, ngành dược liệu Việt Nam sẽ phát triển mạnh mẽ, hình thành nhiều vùng dược liệu có chất lượng cao, đóng góp cho sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân và phát triển kinh tế- xã hội.