Hà Nội

Đẩy mạnh nuôi trồng các loại cây dược liệu gắn với xây dựng các vùng sản xuất tập trung

23-09-2023 05:22 | Thời sự

SKĐS - Những năm gần đây nhiều địa phương của tỉnh Hà Giang đã đẩy mạnh nuôi trồng, phát triển các loại cây dược liệu, xây dựng các vùng sản xuất tập trung gắn với công cuộc xóa đói giảm nghèo bền vững.

Với thế mạnh về điều kiện tự nhiên, đất đai và khí hậu, Hà Giang có một nguồn tài nguyên cây thuốc phong phú. Toàn tỉnh hiện có trên 1.560 loài dược liệu, thuộc 824 chi, 202 họ; chiếm hơn 39% số loại dược liệu của cả nước; 51 loài cây thuốc quý, hiếm nằm trong sách đỏ Việt Nam; 97 loài nằm trong diện bảo tồn cấp quốc gia.

Theo các kết quả điều tra thổ nhưỡng, Hà Giang có 9 nhóm đất canh tác, đặc biệt là nhóm đất đen xám ở vùng Quản Bạ đều rất thích hợp cho canh tác nông nghiệp và cây dược liệu. Ngoài ra, do địa hình bị chia cắt đã tạo ra nhiều tiểu vùng khí hậu nên nguồn gene về cây dược liệu của Hà Giang cũng rất đa dạng, phong phú. Ngoài lợi thế về mặt điều kiện tự nhiên, Hà Giang còn là nơi sinh sống của 19 dân tộc; mỗi dân tộc đều có vốn tri thức bản địa về kỹ thuật trồng, chăm sóc, nhân giống, chế biến và sử dụng dược liệu địa phương, đặc biệt là dân tộc Dao đỏ cũng là một lợi thế cho sự phát triển của dược liệu Hà Giang…

Đẩy mạnh nuôi trồng các loại cây dược liệu gắn với xây dựng các vùng sản xuất tập trung - Ảnh 1.

Những năm gần đây nhiều địa phương của tỉnh Hà Giang đã tập trung đẩy mạnh phát triển trồng cây dược liệu, xây dựng các vùng sản xuất tập trung gắn với công cuộc xóa đói giảm nghèo bền vững.

Với lợi thế khí hậu mát mẻ, Đồng Văn có nguồn dược liệu tự nhiên rất đa dạng và phong phú, như: Thảo quả, Hà thủ ô, Đỗ trọng. Ngoài ra, còn thích hợp trồng các loại cây: Đương quy, Đan sâm, Bạch chỉ, Ý dĩ… Xác định đây là loại cây có giá trị kinh tế cao, trong những năm gần đây, cấp ủy, chính quyền địa phương đã và đang có nhiều hoạt động nhằm bảo tồn và phát triển mở rộng diện tích trồng cây dược liệu, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, giảm nghèo nhanh và bền vững trên địa bàn.

Thời gian gần đây, với định hướng và các chính sách mạnh mẽ trong việc xác định phát triển dược liệu của tỉnh đã tạo thuận lợi và thu hút nhiều doanh nghiệp và người dân tham gia sản xuất, chế biến dược liệu với quy mô, sản lượng ngày càng lớn.

 Việc trồng, chế biến cây dược liệu tại các huyện vùng cao núi đá của tỉnh Hà Giang đang từng bước giúp đồng bào chuyển đổi cây trồng, giảm nghèo hiệu quả và bảo tồn nguồn gene dược liệu quý.

Tại huyện cao nguyên đá Đồng Văn, việc trồng, phát triển cây dược liệu được huyện xác định là một trong những cây chủ lực và là hướng đi mới trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phù hợp với tiềm năng thế mạnh của huyện cũng như xu hướng phát triển của xã hội. Nếu thực hiện tốt, sẽ đáp ứng được nhu cầu du khách đến tham quan du lịch tại Công viên Địa chất toàn cầu - Cao nguyên đá Đồng Văn, đem lại lợi nhuận cao và làm tăng tính ổn định, bền vững hệ sinh thái rừng, lại không ảnh hưởng đến quỹ đất của cây trồng khác. Tuy nhiên, việc mở rộng diện tích trồng cây dược liệu không dễ, vì đòi hỏi người dân phải có sự đầu tư lớn, hình thành được sự liên kết, kế hoạch phát triển các loại cây dược liệu gắn với tiêu thụ sản phẩm…

 Hiện nay, cây dược liệu được trồng chủ yếu ở các xã: Phố Cáo, Phố Là, Má Lé, Sủng Là, Sảng Tủng, thị trấn Phố Bảng... Dù mới phát triển mạnh mấy năm gần đây, nhưng hiệu quả mang lại khá rõ nét. Cây dược liệu trồng ở nơi không khí trong lành lại không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nên hoạt tính được đánh giá rất cao, an toàn và cho giá trị lớn, nâng cao thu nhập cho người nông dân.

Để khuyến khích, tạo điều kiện tốt nhất cho các tổ chức, cá nhân tham gia trồng cây dược liệu, trong thời gian tới, huyện tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả quy hoạch phát triển cây dược liệu, ưu tiên phát triển các loài dược liệu đã trồng phù hợp với điều kiện tự nhiên, có giá trị kinh tế cao và có thị trường tiêu thụ ổn định. Tạo môi trường thuận lợi thu hút các doanh nghiệp dược liệu đầu tư phát triển bền vững vùng nguyên liệu trên cơ sở liên kết chặt chẽ sản xuất, chế biến, tiêu thụ gắn liền với xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý.

Đẩy mạnh nuôi trồng các loại cây dược liệu gắn với xây dựng các vùng sản xuất tập trung - Ảnh 2.

Bảo tồn nguồn gen dược liệu quý được người Dao ở Quản Bạ quan tâm, gìn giữ Ảnh: Báo Lao động

Tai huyện Quản Bạ, cây dược liệu đã trở thành một cây chủ lực trong phát triển kinh tế xã hội và xoá đói giảm nghèo của địa phương. Để phát triển ổn định và bền vững huyện đã có những đề án cụ thể. Trước hết, với một giống dược liệu mới phải đưa vào khảo nghiệm, đánh giá, xác định phù hợp mới trồng diện rộng. Sau nữa là khuyến khích các doanh nghiệp tham giá đầu tư để hình thành chuỗi giá trị cao. Hiện nay, các sản phẩm dược liệu tại Quản Bạ được cung cấp ra thị trường cơ bản đều đã có tem, nhãn mác và chất lượng ổn định

Được biết, cây dược liệu hiện đã có mặt tại 6 huyện 30a của tỉnh Hà Giang, diện tích hơn 8.000ha đã góp phần quan trọng trong công tác xoá đói giảm nghèo và bảo tồn nguồn gene dược liệu quý.

Nam Anh
Ý kiến của bạn