Đẩy mạnh hợp tác, xây dựng ASEAN tự cường và sáng tạo

13-11-2018 14:28 | Xã hội
google news

SKĐS - Nhận lời mời của Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, từ ngày 13-15/11/2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 33 và các Hội nghị cấp cao liên quan tại Singapore.

Trong khuôn khổ hội nghị, các nhà lãnh đạo ASEAN và các nước đối tác sẽ chia sẻ quan điểm chung trong nhiều vấn đề khu vực và quốc tế, đồng thời nhất trí hướng tới sự kết nối sâu rộng hơn vì hòa bình, thịnh vượng cho mỗi quốc gia, cũng như cho khu vực ASEAN.

Với chủ đề “ASEAN tự cường và sáng tạo”, hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 33 và các hội nghị cấp cao liên quan sẽ diễn ra tại Sinagpore trong các ngày 13-15/11, với sự tham dự của tất cả nhà lãnh đạo các nước ASEAN và các đối tác tham gia.

Trong 3 ngày làn việc, trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 33, sẽ diễn ra nhiều hội nghị quan trọng như Hội nghị cấp cao ASEAN 33, cấp cao ASEAN 3 (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc), cấp cao Đông Á (EAS), 7 Hội nghị cấp cao ASEAN 1 (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Ấn Độ, Australia, Nga). Cùng với đó, sẽ diễn ra Hội nghị cấp cao các nước tham gia Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) lần thứ 2.Trước đó (từ ngày 11-12/11/2018), sẽ diễn ra các cuộc họp trù bị cấp Bộ trưởng (Ngoại giao, Kinh tế và Hội đồng Điều phối), cấp Quan chức cao cấp ASEAN (SOM), Quan chức cao cấp Kinh tế ASEAN (SEOM) và Đại sứ (Ủy ban các Đại diện thường trú tại ASEAN).

Đáng chú ý, tại hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 33, Lãnh đạo các nước ASEAN sẽ tập trung thảo luận đẩy mạnh hợp tác và liên kết, xây dựng Cộng đồng ASEAN theo tinh thần chủ đề của năm 2018 “tự cường và sáng tạo” và định hướng cho ASEAN trong các năm tiếp theo.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và phu nhân dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 33.

Cụ thể, tại Hội nghị cấp cao với các đối tác, Lãnh đạo ASEAN và các nước đối tác sẽ thảo luận các biện pháp thúc đẩy hợp tác giữa các bên, trong đó có gia tăng hợp tác kinh tế, đầu tư, thương mại, phát triển cơ sở hạ tầng, tăng cường kết nối, hợp tác ứng phó với các biến động của kinh tế thế giới, thích ứng với Cách mạng công nghiệp 4.0; giải quyết thách thức toàn cầu như môi trường, biến đổi khí hậu.

Nhiều thành tựu quan trọng

Theo giới phân tích, nguyên nhân chính khiến ASEAN “tạo được sức hút” với sự hiện diện của nhiều nhà lãnh đạo như vậy là nhờ vai trò trung tâm của ASEAN ngày càng tăng, và đặc biệt là khu vực Châu Á-Thái Bình Dương ngày càng phát triển năng động, trở thành khu vực địa chính trị quan trọng đối với thế giới.

Kinh tế- thương mại là một ví dụ. Đến nay, ASEAN sắp kết thúc năm thứ 3 triển khai Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 và các Kế hoạch Tổng thể xây dựng 3 trụ cột Cộng đồng với nhiều kết quả tích cực và khả quan. Một số kết quả chính đạt được gồm: 239/290 (đạt 82%) dòng hành động hợp tác chính trị an ninh, 80/118 (đạt 68%) ưu tiên về hợp tác kinh tế và 100% các cam kết về hợp tác văn hóa xã hội đã và đang được triển khai. Tăng trưởng kinh tế dự kiến đạt 5,1% trong năm 2018 và 5,2% trong năm 2019.Phát biểu khai mạcHội nghị thượng đỉnh đầu tư và kinh doanh ASEAN (ABIS) 2018 ngày 12/11, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long nhấn mạnh ASEAN là điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư bởi đây là một khu vực sôi động với 630 triệu dân. ASEAN hiện là nền kinh tế lớn thứ 6 trên thế giới và được dự đoán sẽ đứng thứ 4 vào năm 2030 sau Mỹ, châu Âu và Trung Quốc.

Đáng chú ý, quan hệ đối ngoại của ASEAN tiếp tục được thúc đẩy thực chất với nhiều sáng kiến thiết thực nhằm hỗ trợ ASEAN xây dựng Cộng đồng, tập trung vào các lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực, kinh tế số, phát triển hạ tầng, chống khủng bố, an ninh mạng… Các nước tiếp tục khẳng định coi trọng và mong muốn tăng cường hợp tác với ASEAN; cam kết hỗ trợ ASEAN xây dựng Cộng đồng, ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN. Đến nay, 91 nước cử Đại sứ tại ASEAN và 53 Ủy ban ASEAN tại nước thứ ba được thành lập. ASEAN khẳng định tiếp tục phát huy vai trò trung tâm trong các cơ chế hợp tác khu vực do ASEAN khởi xướng và dẫn dắt, xây dựng mạng lưới quan hệ cân bằng, cùng có lợi với các đối tác, đóng góp định hình một cấu trúc khu vực rộng mở, minh bạch, dung nạp và dựa trên luật lệ. Năm 2018, ASEAN đã tổ chức cấp cao Kỷ niệm 25 năm quan hệ ASEAN-Ấn Độ (25/1/2018) và cấp cao đặc biệt ASEAN-Australia (17-18/3/2018); Nga đề xuất họp cấp cao ASEAN-Nga dịp này; Hàn Quốc thúc đẩy tổ chức cấp cao kỷ niệm 15 năm quan hệ đối tác ASEAN-Hàn Quốc tại Hàn Quốc vào 2019.

Về ưu tiên 2018, Chủ đề “ASEAN tự cường và sáng tạo” do Chủ tịch Singapore đề xuất, tất cả đã được cụ thể hóa qua: Tuyên bố Tầm nhìn Lãnh đạo ASEAN về một ASEAN tự cường và sáng tạo với các nội dung hợp tác nâng cao năng lực tự cường của ASEAN trước các tác động từ bên ngoài, củng cố vai trò trung tâm của ASEAN ở khu vực cũng như tận dụng hiệu quả các cơ hội do cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại; Tuyên bố Lãnh đạo ASEAN về Hợp tác An ninh Mạng; Triển khai xây dựng báo cáo đánh giá về mức độ sẵn sàng của ASEAN trước Cách mạng Công nghiệp 4.0; Xây dựng khuôn khổ Thành phố thông minh ASEAN, triển khai chương trình đào tạo Học viện pháp lý ASEAN nhằm thúc đẩy phát triển bền vững và góp phần xây dựng Cộng đồng ASEAN dựa trên luật lệ…

Trong khuôn khổ hội nghị, các nhà Lãnh đạo cũng sẽ trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, nhằm đóng góp cho việc duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực. Việt nam, một lần nữa với tư cách là thành viên tích cực, chủ động của ASEAN đã, đang và sẽ góp phần tích cực cùng các thành viên khác, xây dựng một ASEAN ngày càng ổn định, vững mạnh và phồn thịnh trong tương lai.


N.Minh
Ý kiến của bạn
Tags: