Hà Nội

Đẩy mạnh hơn nữa truyền thông về phòng chống dịch bệnh

30-04-2014 15:02 | Thời sự
google news

SKĐS - Đó là phát biểu chỉ đạo của GS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến- Bộ trưởng Bộ Y tế tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch của Bộ Y tế diễn ra vào tối muộn ngày 29/4,

Đó là phát biểu chỉ đạo của GS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến- Bộ trưởng Bộ Y tế tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch của Bộ Y tế diễn ra vào tối muộn ngày 29/4.

Đồng thời Bộ trưởng cũng yêu cầu các đầu mối phòng chống dịch, trong đó có dịch sởi phải phân công cán bộ trực dịch 24/24h, chủ động trong công tác điều trị; đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông để cộng đồng cùng đồng hành, hợp tác với ngành y tế trong công tác phòng chống dịch bệnh nói chung, công tác tiêm chủng nói riêng. Bộ trưởng cũng cho biết thêm, mặc dù là ngày nghỉ lễ nhưng trong ngày 30/4, các đoàn công tác của lãnh đạo Bộ vẫn tiếp tục đi kiểm tra công tác phòng và điều trị bệnh sởi tại Hà Nội, Vĩnh Phúc. Cũng trong tối ngày 29/4, Bộ Y tế cũng đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình dịch sởi và các biện pháp phòng chống dịch đến ngày 29/4 của Bộ Y tế.

Số bệnh nhân sởi nhập viện mới đã giảm so với trước đó

Báo cáo tại cuộc họp, PGS.TS Trần Đắc Phu- Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, tính đến 20h ngày 29/4, trên phạm vi cả nước đã ghi nhận 25 trường hợp tử vong do sởi trong số 130 trường hợp tử vong có liên quan đến sởi. Trong đó có hai trường hợp tử vong ở Hà Nội ngày 25, 26/4 vừa được Bệnh viện Bạch Mai báo cáo bổ sung. Cũng trong ngày 29/4, trên cả nước ghi nhận thêm 33 trường hợp mới mắc sởi. Như vậy, tính từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 3.784 trường hợp mắc sởi xác định trong số gần 11.800 trường hợp sốt phát ban nghi sởi tại 61/63 tỉnh, thành phố. Trong ngày 29/4, không ghi nhận trường hợp tử vong có liên quan đến sởi.

Theo đánh giá của Cục Y tế Dự phòng, số bệnh nhân nhập viện mới trong một số ngày gần đây đã giảm hơn nhiều so với những ngày đầu tháng Tư, tuy nhiên số bệnh nhân đang điều trị giảm không rõ rệt, chủ yếu là những bệnh nhân nặng, điều trị dài ngày. Trong ngày 29/4, có 15 tỉnh, thành phố không ghi nhận trường hợp nghi sởi mới.

Chăm sóc bệnh nhân mắc sởi tại Bệnh viện NHi TW        Ảnh: T.M

Chăm sóc bệnh nhân mắc sởi tại Bệnh viện NHi TW Ảnh: T.M

Về tình hình điều trị, tại Bệnh viện Nhi Trung ương, hiện nay có 240 bệnh nhân đang điều trị sởi. Số bệnh nhân nghi sởi nhập viện mới trong ngày là 32 trường hợp.

Tại Bệnh viện Bạch Mai, số bệnh nhân đang điều trị sởi là 65 trường hợp, số bệnh nhân nghi sởi nhập viện trong ngày có 8 trường hợp.

Hiện nay, tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương có 85 bệnh nhân đang điều trị sởi, đáng lưu ý số bệnh nhân nghi sởi nhập viện trong ngày là 40 trường hợp.

Lo ngại bùng phát tay chân miệng

Theo ông Trần Đắc Phu, so với cùng kỳ 2013 số mắc tay chân miệng bốn tháng vừa qua giảm 20%, số tử vong giảm năm trường hợp. Song các tỉnh thành trọng điểm như TP.Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu... số mắc vẫn tăng, đáng chú ý như tỉnh Kon Tum số mắc tay chân miệng bốn tháng đầu năm đã tăng gần 70% so với cùng kỳ năm 2013, Bà Rịa - Vũng Tàu tăng gần 35%... Theo ông Phu, dịch tay chân miệng có chu kỳ năm tăng, năm giảm, năm 2013 là năm giảm so với năm trước đó, nguy cơ dịch sẽ lại tăng vào năm 2014. Đặc biệt giai đoạn tháng 3-5 và tháng 9-11, trong đó thời gian qua đã “nóng” dịch sởi thì tay chân miệng tạm lắng, nhưng nay sởi bớt “nóng”, có thể là tay chân miệng sẽ bùng phát. Tính đến ngày 28-4 cả nước ghi nhận trên 17.400 ca bệnh tay chân miệng.

Điều trị bệnh nhân bị tay chân miệng tại BV Nhi đồng 1- Tp Hồ Chí Minh

Điều trị bệnh nhân bị tay chân miệng tại BV Nhi đồng 1- Tp Hồ Chí Minh

Theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư), từ đầu năm 2014 đến nay có gần 100 bệnh nhân thủy đậu vào viện này. Thông thường, thủy đậu xuất hiện nhiều vào giai đoạn trước và sau Tết Nguyên đán (mùa xuân), nhưng dịch ở phía Bắc có thể đến muộn hơn phía Nam, nguy cơ có thể gia tăng trong tháng 5 tới.

Cảnh báo về hội chứng viêm đường hô hấp cấp

Trong một diễn biến khác, tại cuộc họp, ông Phu cho biết, trong chiều ngày 29/4, Cục Y tế dự phòng đã phải có công điện khẩn đề giám đốc sở y tế các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị kiểm dịch y tế tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ đối với người nhập cảnh vào Việt Nam tại tất cả các cửa khẩu, đặc biệt lưu ý các hành khách du lịch trở về từ các quốc gia có dịch bệnh và các quốc gia vùng Trung Đông. Các đơn vị trên cần chỉ đạo sử dụng máy theo dõi thân nhiệt từ xa tại cửa khẩu, nếu phát hiện trường hợp nào có biểu hiện sốt, viêm đường hô hấp cấp không rõ nguyên nhân, cần tổ chức khám, cách ly, lấy mẫu để xét nghiệm.

Quyết định này được đưa ra, sau khu Cục Y tế dự phòng nhận được thông báo của Tổ chức y tế thế giới cho biết từ tháng 9/2012 đến ngày 26/4/2014 trên thế giới đã ghi nhận 261 trường hợp nhiễm chủng virus mới Corona gây hội chứng viêm đường hô hấp cấp ở khu vực Trung Đông. Đã có 93 trường hợp tử vong tại 14 quốc gia thuộc khu vực Trung Đông, châu Âu, Bắc Phi và châu Á. Tổ chức y tế thế giới cũng nhận định trong thời gian tới có thể sẽ ghi nhận thêm trường hợp nhiễm mới MERS-CoV tại các quốc gia khác do có sự giao lưu về đi lại, du dịch với các quốc gia đang có bệnh. Đặc biệt, Malaysia và Philippines đã ghi nhận các trường hợp nhiễm MERS-CoV sau khi trở về từ khu vực Trung Đông.

Kết quả thực hiện kế hoạch tiêm vắc-xin sởi phòng chống dịch và tiêm vét vắc-xin sởi chung trên toàn quốc đến ngày 29/4 là 83%, tăng 5,6% so với ngày 28/4. Trong đó, khu vực miền Bắc có tỷ lệ tiêm vét vắc-xin sởi cao nhất là 94%, tiếp đến là khu vực miền Trung (87%), Tây Nguyên (84%) và miền Nam (69%). 12 tỉnh, thành phố đạt tỷ lệ tiêm vét vắc-xin sởi cao trên 95% là Quảng Nam, Bắc Ninh, Hà Nội, Phú Yên, Cần Thơ, Tiền Giang, Hải Dương, Cà Mau, Đắc Nông, Ninh Bình, Kon Tum, Hậu Giang. Có 8 tỉnh, thành phố còn lại đạt tỷ lệ tiêm vét vắc-xin sởi từ 60-70% là: Cao Bằng, Bình Thuận, An Giang, Thành phố Hồ Chí Minh, Điện Biên, Thái Nguyên, Bình Định, Bình Phước.

Thái Bình

 


Ý kiến của bạn