Báo cáo của Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) cho biết, năm 2014 các hoạt động tuyên truyền về công tác DS-KHHGĐ thuộc chương trình phối hợp với các Bộ, ban, ngành, đoàn thể đã hoàn thành 100% kế hoạch được giao, đạt được mục tiêu cơ bản của chiến lược dân số, kế hoạch hóa gia đình Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020. 100% các đơn vị đã tổ chức đào tạo, tập huấn cho các đối tượng về nâng cao kiến thức, kỹ năng tư vấn, truyền thông chuyển đổi hành vi về dân số, kế hoạch hóa gia đình. Truyền thông tại cộng đồng được thể hiện dưới nhiều hình thức phong phú như: sinh hoạt chuyên đề, lồng ghép nội dung sinh hoạt thường kỳ, sân khấu hóa, kịch hóa các nội dung tuyên truyền… Các mô hình truyền thông chuyển đổi hành vi thông qua các câu lạc bộ lồng ghép nội dung DS-KHHGĐ với nội dung của các đơn vị triển khai thu hút được đông đảo công nhân, nông dân, các cặp vợ chồng, vị thành niên, thanh niên tham gia. Các hoạt động truyền thông đã đáp ứng được yêu cầu tuyên truyền, vận động đối tượng thực hiện chiến lược DS- KHHGĐ.
Tuy nhiên, công tác truyền thông về dân số vẫn còn một số hạn chế như còn một số cấp ủy, chính quyền địa phương vùng sâu, vùng xa thiếu sự quan tâm, chưa thật sự nhập cuộc với công tác DS-KHHGĐ. Các địa phương còn tồn tại quá nhiều phong tục tập quán nặng nề, tư tưởng trọng nam khinh nữ, phải có con trai nối dõi, làm trụ cột trong gia đình, dòng họ… làm ảnh hưởng đến công tác DS-KHHGĐ.
Hơn nữa trong quá trình truyền thông và xây dựng, nhân rộng mô hình truyền thông còn chưa huy động, phát huy hết vai trò tình nguyện của tuổi trẻ nên hoạt động thiếu tính bền vững. Các mô hình thí điểm sau khi kết thúc sự hỗ trợ về nguồn lực, tuy cố gắng tích cực đổi mới phương thức hoạt động để duy trì, phát triển, nhân rộng nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu trong giai đoạn hiện nay cũng như nhu cầu ngày càng cao của các đối tượng thanh niên; khả năng thu hút, tập hợp đông đảo thanh niên của một số mô hình còn hạn chế.
Để đẩy mạnh công tác truyền thông dân số, kế hoạch hóa gia đình, năm 2015 sẽ tiếp tục tăng cường thực hiện các hoạt động vận động, truyền thông giáo dục chuyển đổi hành vi về dân số, kế hoạch hóa gia đình nhằm tăng cường sự tham gia và tạo sự đồng thuận của toàn xã hội đối với các vấn đề dân số, kế hoạch hóa gia đình, tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, thái độ, hành vi của các nhóm đối tượng, góp phần nâng cao chất lượng dân số, giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, phát huy lợi thế cơ cấu dân số vàng và duy trì mức sinh thấp hợp lý…
Một số nội dung trọng tâm
Nâng cao chất lượng dân số: Truyền thông về lợi ích của sàng lọc trước sinh và sơ sinh, địa điểm cung cấp dịch vụ, lợi ích của khám sức khỏe tiền hôn nhân, chăm sóc SKSS vị thành niên và thanh niên. Truyền thông đề án sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh; mô hình phát huy vai trò và chăm sóc sức khỏe người cao tuổi dựa vào cộng đồng; mô hình tư vấn, chăm sóc sức khỏe đồng bào các dân tộc thiểu số.
Kiểm soát tỷ số giới tính khi sinh: Truyền thông về thực trạng giới tính khi sinh tại địa phương; nguyên nhân và hệ lụy của mất cân bằng giới tính khi sinh. Tuyên truyền việc thực thi và hoàn thiện hệ thống pháp luật về các nội dung liên quan đến giới tính khi sinh. Tuyên truyền khuyến khích hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái trong học tập, chăm sóc SKSS, phát triển sản xuất. Nâng cao nhận thức cho các nhóm đối tượng về bình đẳng giới, phê phán những hủ tục lạc hậu trọng nam hơn nữ, những hành vi bạo lực trong gia đình, nêu gương những gia đình, dòng họ tạo mọi điều kiện cho con gái học tập, vươn lên trong cuộc sống… Truyền thông các đề án, mô hình giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh.
Phát huy lợi thế cơ cấu dân số vàng và già hóa dân số: Cung cấp cho lãnh đạo Đảng, chính quyền địa phương các thông tin, số liệu về dân số trong độ tuổi lao động tại địa phương, tình hình di biến động dân cư, dự báo số lượng bước vào tuổi lao động cho năm tiếp theo, số người bước vào tuổi 60 trên tổng dân số địa phương giúp cho việc hoạch định chính sách, xây dựng qui hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội.
Điều chỉnh tốc độ gia tăng dân số hợp lý: Đối với tỉnh chưa đạt mức sinh thay thế, tiếp tục các nội dung, thông điệp tuyên truyền về giảm sinh nhằm đạt mức sinh thay thế bình quân trong toàn tỉnh, truyền thông về lợi ích của KHHGĐ, các biện pháp tránh thai và tác hại của phá thai, thực hiện hiệu quả KHHGĐ. Đối với những tỉnh đã đạt mức sinh thay thế hoặc dưới mức sinh thay thế, tập trung truyền thông nâng cao chất lượng dân số, giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi dựa vào cộng đồng…