Đẩy mạnh dự phòng dịch bệnh bằng vắc xin

18-04-2018 19:56 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh và tình trạng nhiều gia đình bỏ tiêm vắc xin cho trẻ, các chuyên gia y tế nhấn mạnh người dân cần chủ động phòng chống dịch bệnh bằng cách tuân thủ các khuyến cáo của ngành y tế, trong đó có việc tiêm phòng vắc xin.

Bỏ tiêm chủng, dịch bệnh bùng phát

Mới đây nhất tại cuộc hội thảo truyền thông về vấn đề vắc xin do Bộ Y tế tổ chức, PGS.TS Trần Đắc Phu- Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế đã cho rằng tâm lý hoang mang, lo lắng của nhiều gia đình về tính an toàn, hiệu quả của vắc xin… nên đã không tiêm vắc xin phòng bệnh cho con em mình. Chính thực tế này đã khiến cho nhiều trẻ bị mắc những bệnh nguy hiểm mà việc tiêm chủng vắc xin có thể phòng ngừa.

Tại Bệnh viện Nhi TW, PGS. TS Trần Minh Điển- Phó Giám đốc Bệnh viện thông tin ,từ đầu năm đến nay có gần 40 trẻ mắc ho gà, khoảng 50 trẻ mắc sởi vào viện, nhiều cháu mắc ho gà gặp tình trạng tăng áp lực động mạch phổi rất nguy hiểm tới tính mạng.

Thống kê của Dự án tiêm chủng mở rộng quốc gia cũng cho biết số trường hợp mắc ho gà năm 2017 tăng so với 2016, cao nhất là tại Hà Nội, Quảng Ninh, Yên Bái, Đắk Lắk, Hải Dương, TP.HCM và đã có 2 trẻ tử vong… Những trường hợp bệnh biến chứng nặng là do một phần chủ quan của phụ huynh, chưa cho con đi tiêm ngừa đúng lịch.

Cũng trao đổi thêm về vấn đề vắc xin, thời gian gần đây trên một số trang mạng xã hội của cá nhân đưa ra những thông tin cho rằng tiêm vắc xin ngừa ung thư cổ tử cung gây ra nhiều tác dụng phụ nghiêm trọng, đã làm dư luận hoang mang. Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Trần Đắc Phu cho hay, năm ngoái ông tham dự một hội nghị mang tính chất quốc tế về vấn đề vắc xin, các chuyên gia y tế dự phòng đều nhấn mạnh đến vai trò của vắc xin nói chung và vắc xin này đối với phòng chống dịch bệnh.

Các chuyên gia y tế khuyến cáo việc tiêm vắc xin sẽ giúp trẻ phòng chống được nhiều dịch bệnh

Theo báo cáo mới nhất được cập nhật vào tháng 06/2017 của WHO đã cho thấy tín hiệu tích cực khi các quốc gia đưa vắc xin phòng HPV vào chương trình tiêm chủng đã báo cáo giảm 50% tỷ lệ mắc tổn thương tiền ung thư cổ tử cung ở phụ nữ trẻ. Điển hình như ở Úc, tỷ lệ phụ nữ dưới 24 tuổi nhiễm vi rút HPV (nguyên nhân gây ra 99,9% trường hợp ung thư cổ tử cung) đã giảm từ 22,7% xuống còn 1,1% trong 10 năm (2005 - 2015). Ngược lại, cũng trong giai đoạn này, tỷ lệ tử vong do bệnh này ở Nhật Bản đã tăng 5,9%, sau khi dừng khuyến cáo tiêm vắc xin ngừa HPV.

GS. TS. Nguyễn Trần Hiển - Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Y học Dự phòng Việt Nam cũng nhấn mạnh: Vắc xin HPV có hiệu quả gần 100% trong phòng ngừa các tổn thương tiền ung thư cổ tư cung và ung thư cổ tử cung gây ra bởi hai chủng HPV 16,18 cũng như mụn cóc sinh dục, các tổn thương ung thư hoặc tiền ung thư cơ quan sinh dục khác bao gồm ung thư âm hộ, âm đạo, dương vật và hậu môn… Vắc xin HPV đã được chứng minh có độ an toàn và hiệu quả cao qua các nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng cũng như thực tế sử dụng ở nhiều nước trên thế giới trong hơn 15 năm qua..

Chia sẻ thêm về tính an toàn của vắc xin HPV, PGS. TS. BS. Cao Hữu Nghĩa - Trưởng khoa xét nghiệm lâm sàng Viện Pasteur TP.HCM cho biết: Trong suốt 10 năm qua đã có hơn 1 triệu liều được sử dụng tại Việt Nam. Thực tế trên khắp 63 tỉnh thành đã không ghi nhận bất kỳ ca nào có tác dụng phụ nghiêm trọng hoặc có liên quan đến hội chứng Guillain-Barret, hội chứng rối loạn đông máu, cũng như những hội chứng sản phụ khoa khác…

Các vắc xin nhập khẩu vào Việt Nam đều phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt của Việt Nam

Các chuyên gia y tế nhấn mạnh việc sản xuất vắc xin và tiêm vắc xin phòng bệnh là một thành tựu y học lớn nhất của loài người. Để có một chế phẩm vắc xin mới đưa vào đời sống phải trải qua nhiều bước nghiên cứu, sản xuất phòng thí nghiệm, sản xuất công nghiệp, kiểm tra, thẩm định, đánh giá chất lượng nghiêm ngặt. Thời gian cho các giai đoạn đoạn thường là từ 5 - 10 năm, trong đó, một nửa thời gian dành cho các bước thử nghiệm lâm sàng.

Trước khi thực hiện thử nghiệm lâm sàng trên người, vắc xin phải được chứng minh là an toàn và hiệu quả trong các nghiên cứu tiền lâm sàng trên động vật, đồng thời phải có xác nhận an toàn của cơ quan kiểm định thuốc quốc gia. Giai đoạn thử nghiệm lâm sàng được trải qua 3 giai đoạn. Kết quả thử nghiệm của giai đoạn trước phải đảm bảo tính an toàn trong giới hạn cho phép mới được tiến hành sang giai đoạn thử nghiệm tiếp theo.

Các vắc xin nhập khẩu vào Việt Nam đều phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt của Việt Nam. Các vắc xin này phải thực hiện các thủ tục để đăng ký lưu hành bao gồm các thử nghiệm cần thiết và đảm bảo đạt được các tiêu chuẩn theo quy định của Việt Nam và của Tổ chức Y tế Thế giới. Từng lô vắc xin khi nhập vào Việt Nam đều phải được Viện Kiểm định quốc gia Vắc xin và Sinh phẩm y tế và các đơn vị được cấp phép kiểm định và đạt tiêu chuẩn về an toàn trước khi đưa vào sử dụng.

GS.TS Nguyễn Trần Hiển cũng nêu rõ: Vắc xin nói chung và vắc xin HPV nói riêng là “vũ khí” hiệu quả giúp con người chống lại bệnh tật. Trong trường hợp người dân còn băn khoăn với việc tiêm chủng vắc xin cần tham vấn ý kiến của những người làm công tác chuyên môn để có lời khuyên chính xác nhất về tiêm vắc xin phòng bệnh.


Nguyễn Hoàng
Ý kiến của bạn