Đẩy mạnh công tác truyền thông trên các “mặt trận” phòng chống dịch sốt xuất huyết

19-08-2017 09:39 | Thời sự
google news

SKĐS - Đây là chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tại cuộc họp khẩn với Sở Y tế Hà Nội về phòng chống dịch sốt xuất huyết diễn ra tại Bộ Y tế cuối giờ chiều ngày 17/8.

Phun hóa chất diệt muỗi đã phát huy hiệu quả

Báo cáo tại cuộc họp, ông Hoàng Đức Hạnh - Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, 4 đoàn của Sở đã đi các bệnh viện kiểm tra. Bộ Y tế cử 6 đội phòng dịch xuống hỗ trợ Hà Nội diệt bọ gậy, phun hóa chất. Hà Nội ra quân diệt bọ gậy 3 đợt liên tục. 30 quận, huyện đã thành lập đội xung kích diệt bọ gậy với hơn 60.000 người. 4.600 tổ giám sát diệt bọ gậy. Trong 12-13 tiếp tục diệt bọ gậy. Kiểm tra 1,4 triệu dụng cụ chứa nước. 156/384 phường có quy mô phun diện rộng. Hà Nội đã nhận hỗ trợ của 22 địa phương 22 máy phun hóa chất, nâng con số máy phun hóa chất ôtô lên 25 máy, 180 máy phun đeo vai, 10 máy phun mù nóng, sử dụng 4.000 lít hóa chất. Việc phun hóa chất kết hợp phun ôtô chĩa vòi rồng vào trường học, chợ. Kết quả các ổ dịch 1.328/1.800 được khống chế. 80% ổ dịch chỉ có 2-3 bệnh nhân, cao nhất ổ dịch 30 bệnh nhân nhưng rất ít.

Sau khi phun muỗi thì tỉ lệ mật độ muỗi tại các khu vực phun đã giảm.
Về tình hình bệnh nhân ngoài cộng đồng, tuần trước là 3.447 bệnh nhân thì tuần này là 3.400 bệnh nhân.

Về tình hình bệnh nhân trong bệnh viện, theo thống kê ngày 14/8 là 3.087 bệnh nhân, ngày 15/8 là gần 2.680 bệnh nhân thì ngày 16/8 giảm được hơn 100 bệnh nhân, với con số hơn 2.558 bệnh nhân.

Khuyến cáo ổ muỗi, lăng quăng tại các thùng xốp trồng rau trên tầng thượng các hộ gia đình

Tại cuộc họp, TS. Trần Vũ Phong - Trưởng khoa Côn trùng và Động vật y học, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, kết quả giám sát tại 2 phường Định Công, quận Hoàng Mai có mật độ muỗi khá cao, 30 nhà chỉ có 1 nhà có ổ bọ gậy. Sau phun 2 tiếng, mật độ muỗi trở về 0. Tuy nhiên, ông Phong cũng lưu ý thông tin tại phường Vĩnh Hưng có những ổ bọ gậy khá đặc biệt tại những khay dưới tủ lạnh, đây là những vị trí khó phát hiện.

Đồng quan điểm, PGT.TS. Trần Thanh Dương - Viện trưởng Viện Sốt rét ký sinh trùng và côn trùng TW cũng cho biết, qua phun muỗi cho thấy mật độ muỗi giảm.Tuy nhiên, ông Dương cảnh báo tại cuộc họp về thực trạng nhiều hộ gia đình trồng rau tại tầng thượng có ổ lăng quăng trong các thùng xốp chứa nước trồng rau.

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Bộ trưởng cho hay, hiệu quả phun muỗi tại cộng đồng và gia đình đã làm cho mật độ muỗi giảm rõ rệt. Số ca bệnh có xu hướng giảm so với tuần trước. Như vậy có xu hướng giảm muỗi và giảm ca bệnh mắc. Tuy nhiên, để việc phòng chống dịch hiệu quả, yêu cầu công tác truyền thông đi trước 1 bước, tập trung tuyên truyền về ổ chứa muỗi, lăng quăng; Những dấu hiệu của bệnh và khi mắc bệnh thì điều trị thế nào... Do đó, Trung tâm Truyền thông của Hà Nội phải ngay lập tức xây dựng các video tuyên truyền để phát rộng rãi.

Tiếp đến, Bộ trưởng yêu cầu Viện Vệ sinh dịch tễ TW bắt một số loài muỗi để phân lập muỗi. Cục Y tế dự phòng và Viện Vệ sinh dịch tễ TW và Viện Sốt rét ký sinh trùng và côn trùng TW tăng cường tập huấn cho tuyến dưới về làm dịch tễ học thực địa. Về phía Hà Nội, lãnh đạo Sở yêu cầu ngay các khoa côn trùng của các đơn vị dự phòng phải thường xuyên tiến hành thống kê số lượng muỗi để làm dịch tễ học thực địa.

Về công tác phun muỗi, Bộ trưởng yêu cầu cần tiếp tục phun trên diện rộng ở bệnh viện, trường học, khu đất trống, công trường xây dựng...

Về công tác điều trị, lo ngại vào năm học mới tăng tỉ lệ trẻ nhỏ mắc bệnh, Bộ trưởng yêu cầu Cục Quản lý Khám chữa bệnh và BV Bệnh Nhiệt đới TW cần tổ chức tập huấn lại lần nữa về những vấn đề liên quan đến điều trị cả người lớn và trẻ em. Trong trường hợp cần thiết thì cho nhập viện và không để bệnh nhân nằm ghép nhằm tránh lây nhiễm chéo trong  bệnh viện. Không để bệnh nhân vào nằm truyền dịch rồi về. Tích cực tuyên truyền người dân tuyệt đối không tự ý truyền dịch tại nhà.

Trước đó, tối ngày 16/8, đoàn công tác của Bộ Y tế đã đi kiểm tra công tác điều trị dịch bệnh sốt xuất huyết tại Khoa Truyền nhiễm BV Bạch Mai, BV Bệnh Nhiệt đới TW và BV Thanh Nhàn. Tại các BV cơ bản không còn tình trạng nằm ghép giường bệnh trầm trọng. Riêng tại Khoa Truyền nhiễm của BV Bạch Mai có tình trạng ghép bệnh nhân vì hiện đang có 90 bệnh nhân đang điều trị, đa phần là bệnh nhân nặng, có dấu hiệu cảnh báo và thai phụ mắc sốt xuất huyết.


Thái Bình
Ý kiến của bạn