Đẩy mạnh công tác phòng, chống HIV/AIDS trong các nhóm quần thể nguy cơ cao

08-09-2023 12:20 | Xã hội

SKĐS - Tích cực đẩy mạnh công tác phòng, chống HIV/AIDS trong các nhóm quần thể nguy cơ cao… là một trong những hoạt động cần chú trọng trong Kế hoạch bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân năm 2024 do Bộ Y tế ban hành mới đây…

Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế, tính đến hết tháng 6/2023, cả nước có 228.497 người nhiễm HIV hiện đang còn sống, 113.253 người nhiễm HIV đã tử vong. Xét nghiệm phát hiện mới 6.790 trường hợp, tử vong 681 trường hợp. Trong số người mới phát hiện nhiễm HIV: 72,1% lây nhiễm qua đường quan hệ tình dục không an toàn, 81,2% là nam giới, chủ yếu tập trung ở lứa tuổi 16-39 tuổi. 38% là nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM). Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long chiếm 40,8%.

Hiện công tác xét nghiệm sàng lọc HIV đã bao phủ 100% tuyến huyện với hơn 1.300 cơ sở và xét nghiệm khẳng định HIV đã bao phủ 100% tỉnh/thành phố với 231 phòng xét nghiệm HIV được phép khẳng định các trường hợp HIV dương tính tại 63 tỉnh, thành phố.

Xét nghiệm khẳng định HIV đã được mở rộng xuống tuyến huyện, với 97 phòng xét nghiệm khẳng định, xét nghiệm nhiễm mới đã được triển khai tại 33 tỉnh/thành phố trên cả nước.

Đẩy mạnh công tác phòng, chống HIV/AIDS trong các nhóm quần thể nguy cơ cao - Ảnh 1.

Lây nhiễm HIV trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) tăng cao trong những năm gần đây.

Chương trình Methadone đang điều trị cho 51.049 bệnh nhân, tại 343 cơ sở điều trị; điều trị kháng virus HIV cho 173.455 bệnh nhân HIV/AIDS, tại 490 cơ sở điều trị, trên 63 tỉnh/thành phố; điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) tại 242 cơ sở (nhà nước và tư nhân) tại 29 tỉnh, thành phố.

Năm 2023, ngành y tế sẽ tiếp tục tháo gỡ khó khăn và đẩy mạnh tiến độ triển khai điều trị đồng nhiễm HIV/VGC trên toàn quốc; hướng dẫn, hỗ trợ kỹ thuật các đơn vị thực hiện xét nghiệm tải lượng virus, điều trị HIV/AIDS trong bối cảnh dịch COVID-19.

Tích cực đẩy mạnh công tác phòng, chống HIV/AIDS trong các nhóm quần thể nguy cơ cao như: Cộng đồng nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM), trẻ tuổi, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và các địa bàn ở vùng núi sâu, vùng xa, biên giới.

Trong năm 2024, theo Kế hoạch, công tác phòng chống HIV/AIDS cần tập trung:

- Đa dạng hóa dịch vụ tư vấn và xét nghiệm HIV, mở rộng điều trị ARV tại các tỉnh, thành phố; nâng cao chất lượng điều trị, bảo đảm ít nhất 95% bệnh nhân điều trị ARV có tải lượng virus dưới ngưỡng phát hiện; mở rộng cung cấp thuốc ARV và xét nghiệm tải lượng HIV qua bảo hiểm y tế, điều phối thuốc ARV các nguồn đảm bảo bệnh nhân được nhận thuốc điều trị liên tục và không bị gián đoạn điều trị và đẩy mạnh các hoạt động phát hiện tích cực bệnh lao và điều trị lao tiềm ẩn cho người nhiễm HIV.

- Thiết lập hệ thống giám sát ca bệnh từ khi xác định nhiễm HIV cho đến tham gia điều trị, chuyển đổi cơ sở điều trị, chất lượng điều trị, tuân thủ điều trị cho đến tận khi người nhiễm HIV tử vong; tiếp tục duy trì hoạt động giám sát trọng điểm HIV, STI và giám sát hành vi lây nhiễm HIV phù hợp; áp dụng kỹ thuật chẩn đoán mới nhiễm trong giám sát trọng điểm để đánh giá và ước tính nguy cơ lây nhiễm HIV trong các nhóm có hành vi nguy cơ cao, đặc biệt là nhóm MSM.

- Tiếp tục triển khai các hoạt động can thiệp dự phòng lây truyền HIV, viêm gan B và giang mai từ mẹ sang con… 

Tìm ca nhiễm HIV mới, Bình Dương tăng cường truyền thông nhóm nhỏ, bám sát cộng đồng MSMTìm ca nhiễm HIV mới, Bình Dương tăng cường truyền thông nhóm nhỏ, bám sát cộng đồng MSM

SKĐS – Khi dịch HIV tăng lên trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM), tìm ca nhiễm mới HIV trong nhóm đích là rất quan trọng… trong can thiệp dự phòng và đáp ứng với HIV/AIDS.

Mời độc giả xem thêm video chuyên gia trả lời về HIV:


Bạn Hỏi - Chuyên Gia Trả Lời: Tất Tần Tật Về HIV/AIDS



Dương Sơn
Ý kiến của bạn