BS Đỗ Quốc Tiệp, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Quảng Bình cho biết, nhằm tăng tỷ lệ phát hiện và thu nhận điều trị lao trong cộng đồng tại các xã biên giới, đơn vị tiếp tục đẩy mạnh thực hiện công tác khám phát hiện chủ động.
"Hiện tỷ lệ bệnh nhân mắc lao và bệnh phổi tại cộng đồng chưa được phát hiện còn cao nên nguy cơ lây lan rất lớn. Công tác khám sàng lọc sẽ chủ động phát hiện các trường hợp mắc lao và đưa ra phương án điều trị kịp thời, qua đó hạn chế tối đa sự lây lan trong cộng đồng", BS Tiệp chia sẻ.
Được biết, Quảng Bình là 1 trong 6 tỉnh được ưu tiên để triển khai chương trình khám sàng lọc bệnh lao, lao tiềm ẩn tại cộng đồng dân cư các xã biên giới thuộc Chương trình chống lao Quốc gia. Trong năm 2024, chương trình triển khai khám sàng lọc tại 9 xã biên giới. Chương trình ưu tiên cho các đối tượng ở các xã biên giới, vùng sâu vùng xa có hoàn cảnh khó khăn, không được tiếp cận với các dịch vụ y tế.
Theo báo cáo của CDC Quảng Bình, năm 2024 đơn vị triển khai chương trình khám phát hiện lao tại các xã miền núi, biên giới Thượng Hóa, Hóa Sơn, Dân Hóa, Trọng Hóa thuộc huyện Minh Hóa; xã Kim Thủy, Lâm Thủy huyện Lệ Thủy; xã Thanh Hóa (Tuyên Hóa); Thượng Trạch (Bố Trạch) và Trường Sơn (Quảng Ninh). Ước tính có khoảng 8.000 người dân thuộc nhóm đối tượng nguy cơ cao tại các khu vực này được khám sàng lọc lao.
Để triển khai chiến dịch hiệu quả, CDC phối hợp cùng Trung tâm Y tế các huyện hướng dẫn các Trạm Y tế trên địa bàn điều tra và lập danh sách đối tượng nghi mắc lao và nhóm nguy cơ cao. Những trường hợp này bao gồm nhóm người di, nhập cư, thành viên trong gia đình của nhóm dân di biến động, người tiếp xúc hộ gia đình bệnh nhân lao phổi tại các khu vực biên giới… Cùng với đó, tuyên truyền, tư vấn cho người dân về đợt khám sàng lọc phát hiện bệnh lao.
Tại điểm khám sàng lọc, người dân sẽ được chụp X-quang phổi, các trường hợp bất thường nghi mắc các bệnh về lao và bệnh phổi được khám, lấy mẫu xét nghiệm đờm bằng phương pháp Gene Xpert và hội chẩn để đưa ra kết luận. Với các trường hợp phát hiện mắc lao, cán bộ y tế sẽ tư vấn phương án điều trị kịp thời cho người dân. Cùng với việc khám, cán bộ y tế sẽ tư vấn cho người dân nhận biết các dấu hiệu, cách phát hiện và phòng chống lao tại cộng đồng.
Để tiến tới hoàn thành các mục tiêu giai đoạn 2021 - 2025, thời gian tới, ngành Y tế Quảng Bình tiếp tục đẩy mạnh công tác khám sàng lọc nhằm phát hiện chủ động bệnh nhân mắc lao tại cộng đồng, tăng cường vai trò của hệ thống y tế cơ sở. Các đơn vị sẽ tập trung vào các nhóm nguy cơ cao nhằm tăng cường phát hiện tối đa các bệnh nhân lao có trong cộng đồng, đưa vào điều trị sớm, nhằm cắt đứt nguồn lây, giảm nhanh dịch tễ bệnh lao.
Lãnh đạo Sở Y tế Quảng Bình cho biết, công tác chống lao, đặc biệt ngăn chặn và quản lý bệnh lao kháng đa thuốc là rất quan trọng. Chương trình chống lao tại Quảng Bình trong thời gian qua đã mang lại hiệu quả cao.
Theo CDC Quảng Bình, để ngăn chặn sự lây lan của bệnh lao, ngoài sự vào cuộc của ngành y tế, người dân cần tích cực nâng cao nhận thức, tham gia vào các hoạt động phòng, chống bệnh lao. Cùng với đó cần có sự tham gia, hỗ trợ của các cấp, các ngành, các lãnh đạo, tổ chức xã hội, tổ chức quốc tế... trên tất cả các lĩnh vực để công tác phòng, chống bệnh lao đạt hiệu quả cao nhất.