Ngày 24/10, Chi hội Điều dưỡng Bệnh viện 19-8 đã tổ chức Đại hội đại biểu khóa III (nhiệm kỳ 2024-2029) với nhiều tham luận thiết thực trong công tác điều dưỡng tại bệnh viện.
Tại Đại hội, các điều dưỡng đã cùng tham gia thảo luận với chủ đề Chuyển đổi số trong bệnh viện. Thông qua các báo cáo cho thấy chuyển đổi số được đánh giá là một trợ thủ đắc lực đối với toàn bộ nhân viên y tế, cũng như giúp người dân giảm bớt các thủ tục phiền hà khi đến bệnh viện. Trong các khối chuyên môn tại Bệnh viện 19-8, Cận lâm sàng đang là một trong những điểm đầu của ứng dụng chuyển đối số trong hoạt động y tế.
Nếu như 10 năm trước, các kết quả xét nghiệm của người bệnh được lưu lại bằng hồ sơ chép tay, sau đó dần chuyển sang nhập liệu, sao lưu các phần mềm văn phòng trên máy tính. Tuy nhiên, quá trình nhập thủ công dữ liệu khó tránh khỏi những sai sót khiến phần nào giảm đi sự tin cậy của kết quả. Hơn nữa không có hoặc có rất ít sự liên kết, cập nhật tức thời các kết quả xét nghiệm giữa các khoa cận lâm sàng và lâm sàng dẫn đến việc trả kết quả bằng nhân lực thủ công, thời gian thường kéo dài dẫn đến thời gian và công sức của các điều dưỡng viên cũng như bệnh nhân bị ảnh hưởng nhiều.
Cho đến những năm gần đây, bằng việc sử dụng phần mềm Quản lý thông tin xét nghiệm (LIS) và Quản lý người bệnh (HIS) đã cho thấy sự vượt trội toàn diện về mọi mặt. Chỉ bằng một thao tác quét mã code rất đơn giản là toàn bộ dữ liệu thông tin cần truy cập từ cả 2 phía lâm sàng và cận lâm sàng sẽ được liên kết, cập nhật đầy đủ, rõ ràng và chính xác. Các thông tin của người bệnh, chỉ định, can thiệp điều trị hay kết quả xét nghiệm... sẽ được lưu trữ toàn bộ tại máy chủ, đảm bảo an toàn dữ liệu và các chủ thể đều có thể truy vấn nhanh chóng, dễ dàng.
Bên cạnh đó, việc bệnh án điện tử được áp dụng, sẽ hướng tới bệnh viện "không giấy tờ". Các dữ liệu sẽ được tự động cập nhật thường xuyên, liên tục, giảm thiểu sự sai sót, tăng cường tính bảo mật và hơn cả là giải phóng sức lao động cho các bác sỹ, điều dưỡng để họ có thêm thời gian điều trị và chăm sóc người bệnh.
Ngoài ra, việc ứng dụng công nghệ thông tin còn hỗ trợ đắc lực cho công tác quản trị, quản lý, thống kê, báo cáo trở lên đơn giản, cập nhật và mang tính dự báo... để có những quyết sách, chính sách hiệu quả, phù hợp trong từng giai đoạn cụ thể của bệnh viện.
ThS.BSCKII Đặng Thị Hằng Thi (Phó trưởng khoa Phụ trách Phòng điều dưỡng, Bệnh viện 19-8) cho biết: "Điều dưỡng tham gia rất nhiều vào công tác khám chữa bệnh ngay từ bước thăm khám ban đầu cho đến chăm sóc người bệnh, hoàn thành hồ sơ bệnh án… Do vậy việc áp dụng bệnh án điện tử rất quan trọng vừa giúp giảm thiểu công việc hàng ngày vừa giúp nâng cao chất lượng công việc. Đây cũng là yếu tố góp phần nâng cao sự hài lòng của người bệnh".
Thông tin thêm về những điều "khó nói" trong công việc hàng ngày của điều dưỡng, ThS.BSCKII Đặng Thị Hằng Thi chia sẻ: Tại Bệnh viện 19-8 nói riêng và các bệnh viện khác nói chung đã có những vụ việc đáng tiếc khi nhân viên y tế bị hành hung. Nguyên nhân do người nhà bệnh nhân bức xúc dẫn đến những hành động không kiểm soát được hành vi.
Do vậy bệnh viện đã đề ra những biện pháp để hạn chế tình trạng này như bố trí lực lượng bảo vệ ở các khu vực thăm khám; tổ chức tập huấn cho nhân viên y tế để phòng/tránh những tình huống có thể xảy ra.
So với các ngành nghề khác, chế độ phụ cấp của lực lượng y tế nói chung và điều dưỡng nói riêng vẫn thấp, không phù hợp với tình hình kinh tế hiện tại. Hiện tại, Nhà nước và ngành Y tế đã có những đề xuất tăng phụ cấp để nhân viên y tế nói chung và điều dưỡng nói riêng được hưởng các chế độ phù hợp.
Sau khi đánh giá công tác nhiệm kỳ II, thảo luận các đề tài về chuyên môn, Đại hội đã bầu ủy viên Ban chấp hành và xây dựng mục tiêu, phương hướng trong nhiệm kỳ mới.
Xem thêm video được quan tâm:
Em bé thứ 4 được thông tim can thiệp bào thai chào đời khoẻ mạnh | SKĐS