Đẩy mạnh cải thiện điều kiện lao động và kiểm soát rủi ro về ATVSLĐ tại nơi làm việc

21-04-2020 21:17 | Xã hội
google news

SKĐS - Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) năm 2020 sẽ diễn ra từ ngày 1 đến ngày 31/5/2020 trên phạm vi toàn quốc. Chủ đề của Tháng hành động năm nay là “Đẩy mạnh cải thiện điều kiện lao động và kiểm soát các nguy cơ rủi ro về ATVSLĐ tại nơi làm việc”.

Mục đích của Tháng hành động nhằm thúc đẩy các chương trình, hoạt động cụ thể để phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, cải thiện điều kiện lao động trong các cơ sở, DN và nâng cao ý thức, nhận thức cho người sử dụng lao động và người lao động trong việc thực hiện Luật ATVSLĐ.

Ảnh minh họa.

Tuy nhiên, hiện nay, tình hình dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, do đó, để đảm bảo an toàn, sức khỏe của người lao động, nhân dân, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã đưa ra 2 phương án để triển khai.

Theo đó, nếu tình hình dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát và công bố hết dịch tại địa phương thì xem xét phối hợp tổ chức một số hoạt động như sau: phối hợp tổ chức Lễ hưởng ứng Tháng hành động về ATVSLĐ và Tháng công nhân năm 2020; phối hợp hoặc phân công đi thăm hỏi, động viên, tặng quà các nạn nhân và gia đình nạn nhân bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, công nhân lao động nghèo, có hoàn cảnh khó khăn. Bên cạnh đó tăng cường phối hợp liên ngành trong các hoạt động thông tin, tuyên truyền, huấn luyện và công tác phòng chống dịch COVID-19.

Đồng thời phối kết hợp trong các hoạt động giám sát, tư vấn, đối thoại việc chấp hành pháp luật về lao động, ATVSLĐ tại các doanh nghiệp, chăm lo, bảo đảm quyền lợi của người lao động.

Trong trường hợp tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, nghiêm trọng thì dừng việc tổ chức các lễ mít tinh hưởng ứng, các hội nghị, hội thảo tập trung đông người chuyển sang tổ chức các hoạt động hưởng ứng của bộ, ngành, tỉnh, thành phố thông qua phát động trên đài phát thanh và truyền hình của tỉnh, thành phố hoặc họp trực tuyến; tăng cường truyền thông, ứng dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội, truyền thanh nội bộ để thông tin, tuyên truyền tới các doanh nghiệp, người lao động tại địa phương.

Theo nhận định của nhiều chuyên gia lao động, tại nơi làm việc luôn tồn tại các yếu tố nguy hiểm, có hại đến sức khỏe và tính mạng của người lao động. Chẳng hạn như các vật văng bắn, các bộ phận truyền, chuyển động của máy, thiết bị, bị điện giật, bị bỏng, các yếu tố vi khí hậu xấu, tiếng ồn, rung, hóa chất độc hại, vi sinh vật có hại… Các yếu tố này có thể tác động gây bệnh cho người lao động hoặc gây ra thương tích, tử vong cho người lao động nếu chúng ta không có biện pháp kiểm soát, ngăn ngừa hiệu quả.

Trong những năm qua, việc lựa chọn chủ đề phòng ngừa và kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, có hại tại nơi làm việc cho Tháng hành động ATVSLĐ quốc gia và tổ chức thành công đã góp phần tích cực vào việc phòng ngừa và hạn chế đến mức thấp nhất các sự cố, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp xảy ra.


Đỗ Vi
Ý kiến của bạn