Hà Nội

Đẩy mạnh các giải pháp phòng, chống HIV/AIDS phù hợp với giai đoạn mới

05-12-2020 15:10 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Chiến lược Quốc gia Chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành. Vậy tại sao phải ban hành Chiến lược này và điểm mới của Chiến lược là gì?... TS Nguyễn Hoàng Long, cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về vấn đề này.

Sự cần thiết phải ban hành Chiến lược

TS Nguyễn Hoàng Long cho biết, tình hình dịch HIV/AIDS còn diễn biến phức tạp: Số người nhiễm HIV phát hiện mới hàng năm ở mức cao với khoảng 8.000-10.000 trường hợp/năm, số tử vong khoảng 2.000 trường hợp/năm; các yếu tố nguy cơ và hình thái lây truyền HIV thay đổi theo hướng phức tạp, các nhóm đối tượng lây nhiễm HIV đa dạng hơn, tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm người quan hệ tình dục đồng giới nam đang có xu hướng gia tăng nhanh và khó kiểm soát. Sự kỳ thị phân biệt đối xử với người nhiễm HIV vẫn còn phổ biến: Tình trạng phân biệt đối xử với người nhiễm HIV vẫn còn khá phổ biến ở cả cộng đồng, nơi học tập, nơi làm việc, tại các cơ sở y tế... Do đó, người có nguy cơ cao e ngại trong tiếp cận sớm với các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS. Nguồn lực chưa bảo đảm đủ điều kiện thực hiện các biện pháp phòng, chống HIV/AIDS: Trước đây, Việt Nam được nhiều các tổ chức quốc tế, các nước phát triển hỗ trợ nguồn lực và kỹ thuật cho phòng, chống HIV/AIDS. Gần đây, Việt Nam chỉ còn 2 nhà tài trợ chính phòng chống HIV/AIDS đó là PEPFAR và Quỹ Toàn cầu, quy mô hỗ trợ của 2 nhà tài trợ này cũng giảm nhiều so với giai đoạn trước. Bảo hiểm y tế đã bắt đầu tham gia chi trả chi phí điều trị HIV/AIDS, nhưng kinh phí cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, đặc biệt là các hoạt động can thiệp giảm hại và dự phòng lây nhiễm HIV gặp nhiều khó khăn.

TS. Nguyễn Hoàng Long, cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS. Ảnh Trần Minh

Vì vậy, việc xây dựng Chiến lược mới là yêu cầu cần thiết để bảo đảm cụ thể hóa đầy đủ, kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng về công tác phòng, chống HIV/AIDS. Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân đã đặt ra mục tiêu vào năm 2030 Việt Nam về cơ bản chấm dứt dịch bệnh AIDS. Do đó, để đạt được mục tiêu này thông qua việc đưa tỷ lệ người nhiễm HIV xuống dưới 1.000 ca mỗi năm vào năm 2030 thì cần phải điều chỉnh, đề xuất và đẩy mạnh các giải pháp phòng, chống HIV/AIDS phù hợp giai đoạn mới.

Xây dựng Chiến lược quốc gia phù hợp bối cảnh mới, khẳng định sự cam kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế hướng đến chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030. Chiến lược Quốc gia cũng là một trong những điều kiện quan trọng để huy động sự hỗ trợ tài chính và kỹ thuật của cộng đồng quốc tế.

11 nhóm giải pháp thực hiện phù hợp với tình hình mới

TS Nguyễn Hoàng Long chỉ rõ, Chiến lược Quốc gia Chấm dứt dịch bệnh AIDS đến năm 2030 có sự kế thừa các nội dung của Chiến lược Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn 2030, đồng thời cập nhật, bổ sung những nội dung mới phù hợp với tình hình hiện nay và giai đoạn 2021-2030.

11 nhóm giải pháp

1. Nhóm giải pháp về chính trị và xã hội

2. Nhóm các giải pháp về pháp luật, chế độ chính sách

3. Nhóm giải pháp về dự phòng lây nhiễm HIV.
4. Nhóm giải pháp về tư vấn xét nghiệm HIV.
5. Nhóm giải pháp về điều trị, chăm sóc người nhiễm HIV.
6. Nhóm giải pháp về giám sát dịch HIV/AIDS, theo dõi, đánh giá và nghiên cứu khoa học.
7. Ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phòng, chống HIV/AIDS.
8. Nhóm giải pháp về bảo đảm tài chính.
9. Nhóm giải pháp về nguồn nhân lực.
10. Nhóm giải pháp về cung ứng.
11. Nhóm giải pháp về hợp tác quốc tế

Để triển khai Chiến lược thành công, chúng ta đưa ra 11 giải pháp thực hiện. Các giải pháp được điều chỉnh và bổ sung cho phù hợp bối cảnh hiện nay và khắc phục một số khó khăn, tồn tại của giai đoạn trước gồm:

Đẩy mạnh các biện pháp giảm kỳ thị phân biệt đối xử ngay trong các cơ sở y tế, nhấn mạnh vấn đề đảm bảo bình đẳng cho người nhiễm HIV giữa các vùng miền.

Tăng cường các biện pháp điều trị nghiện trong can thiệp giảm hại; triển khai biện pháp mới dự phòng trước phơi nhiễm HIV cho người có nguy cơ cao (PrEP).

Bổ sung các loại hình xét nghiệm HIV dựa vào cộng đồng, tự xét nghiệm, xét nghiệm cho bạn tình, bạn chích của người nhiễm HIV để tăng cường phát hiện mới người nhiễm HIV.

Mở rộng điều trị ARV, điều trị ngay cho người nhiễm HIV, điều trị trong ngày, cấp phát thuốc nhiều tháng, điều trị đồng nhiễm lao, viêm gan, STI, đảm bảo chất lượng điều trị HIV/AIDS...

Bổ sung biện pháp giám sát dịch HIV/AIDS dựa vào ca bệnh, theo dõi liên tục người nhiễm từ khi xét nghiệm chẩn đoán đến khi người nhiễm được điều trị ổn định và tử vong (nếu xảy ra), xác định các ca nhiễm mới để phân vùng các đối tượng, khu vực đang có nguy cơ lây nhiễm cao để đưa ra các đáp ứng y tế công cộng kịp thời.

Các giải pháp đảm bảo nguồn lực cho phòng, chống HIV/AIDS chủ yếu là tăng cường huy động nguồn lực trong nước khi các nguồn viện trợ cắt giảm, ngân sách trung ương, ngân sách địa phương, BHYT và các nguồn xã hội hóa.

Mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030 được định nghĩa là, số ca nhiễm HIV mới được phát hiện <1.000 người/năm và tỷ lệ tử vong liên quan đến HIV/AIDS <1,0/100.000 dân. HIV/AIDS không còn là mối ngại về sức khỏe của cộng đồng. Để hướng đến mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS, trước hết cần thực hiện mục tiêu 95-95-95 vào năm 2025, tức là 95% người nhiễm HIV biết được tình trạng HIV, 95% người biết tình trạng HIV được điều trị ARV, 95% người nhiễm HIV được điều trị ARV có tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế.


Xuân Thủy
Ý kiến của bạn