Đẩy mạnh phát triển bệnh án điện tử, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong khám, chữa bệnh

10-02-2025 10:51 | Y tế

SKĐS - Bộ Y tế luôn coi ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số là nhiệm vụ quan trọng và ưu tiên hàng đầu. Tạo lập hồ sơ sức khỏe điện tử đã có những kết quả tích cực; nhiều bệnh viện triển khai bệnh án điện tử, ứng dụng AI vào khám chữa bệnh, đăng ký khám trực tuyến...

Ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số - ưu tiên hàng đầu

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đã nhiều lần nhấn mạnh: Là một trong các lĩnh vực có tác động xã hội lớn, liên quan tới sức khỏe và người dân nên ngành Y tế rất cần ưu tiên triển khai chuyển đổi số.

Xác định đẩy mạnh chuyển đổi số là một chủ trương lớn, là hướng đi tất yếu để bảo đảm thích ứng với bối cảnh mới, năm 2023, Bộ Y tế đã ban hành Nghị quyết của Ban Cán sự Đảng về chuyển đổi số y tế đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trước đó, tháng 12/2020 Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số phê duyệt chương trình chuyển đổi số y tế đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Với quyết tâm, nỗ lực cùng với sự hỗ trợ, hợp tác của các Bộ ngành, các đối tác, thời gian qua, Bộ Y tế bước đầu đã triển khai các nhiệm vụ và mang lại một số kết quả như ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý khám bệnh, chữa bệnh và giám định thanh toán BHYT; khám, chữa bệnh từ xa, xây dựng nền tảng hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa, nền tảng hồ sơ sức khỏe điện tử; triển khai Sổ sức khỏe điện tử tích hợp trên hệ thống định danh quốc gia (VneID); triển khai quản lý hồ sơ bệnh án điện tử; ứng dụng AI trong khám chữa bệnh...

Đẩy mạnh phát triển bệnh án điện tử, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong khám, chữa bệnh
- Ảnh 1.

Bệnh viện Bạch Mai đã đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động khám chữa bệnh. Theo đó, từ ngày 15/11/2024, bệnh viện này đã trở thành bệnh viện hạng đặc biệt đầu tiên trực thuộc Bộ Y tế triển khai thành công bệnh án điện tử và chính thức thực hiện khám chữa bệnh "toàn trình" không dùng giấy tờ.

Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của Bộ Y tế có đầy đủ các chức năng theo Nghị định số 61/2018-NĐ-CP của Chính phủ ngày 23/4/2018 về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính. Bộ Y tế đã xây dựng, đưa vào sử dụng Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính Bộ Y tế; Duy trì Cổng công khai y tế, Cổng công khai giá các thiết bị y tế 100% các thông tin về giá thuốc, giá trang thiết bị y tế, giá vật tư y tế, giá sinh phẩm chẩn đoán, giá khám chữa bệnh, giá niêm yết, giá đấu thầu, thông tin về các sản phẩm đang lưu hành hoặc đã được thu hồi, kết quả xử lý thủ tục hành chính, những vi phạm trong quảng cáo… được công khai trên cổng.

Bộ Y tế cũng đã kết nối 55 dịch vụ công trực tuyến với Cổng thông tin một cửa quốc gia để thực hiện cơ chế một cửa quốc gia đối với các thủ tục hành chính liên quan đến xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh hàng hóa thuộc lĩnh vực y tế. Bộ Y tế đã hoàn thiện phiên bản di động của Cổng dịch vụ công trực tuyến Y tế (gồm bản chạy trên hệ điều hành Android và iOS), để người dân, doanh nghiệp có thể theo dõi việc xử lý, nộp bổ sung hồ sơ trên các thiết bị di động.

Có chuyên trang trên cổng thông tin điện tử, đường dây nóng để tiếp nhận, xử lý thắc mắc của người dân, doanh nghiệp; Có hệ thống giải quyết phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp.

Bộ Y tế đã triển khai kết nối, chia sẻ dữ liệu kết quả khám sức khỏe phục vụ cấp đổi giấy phép lái xe; giấy chứng sinh, giấy báo tử; sử dụng thẻ căn cước công dân khi khám chữa bệnh...

Đẩy mạnh thực hiện bệnh án điện tử, tiếp tục nghiên cứu áp dụng nhận dạng sinh trắc học khi đăng ký và trong quá trình khám, chữa bệnh

Bộ Y tế cũng đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý khám, chữa bệnh và giám định thanh toán BHYT; Kết nối liên thông giữa 63 Sở Y tế, 63 cơ quan BHXH Việt Nam, 99,5% cơ sở khám, chữa bệnh trên toàn quốc với hệ thống giám định của BHXH Việt Nam;

100% cơ sở khám chữa bệnh đã triển khai hệ thống thông tin bệnh viện (HIS); hầu hết cơ sở khám chữa bệnh đã triển khai phần mềm quản lý xét nghiệm LIS; nhiều bệnh viện sử dụng hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh y tế (PACS) không in phim nhằm tiết kiệm thời gian, chi phí, bảo vệ môi trường, tạo nguồn tài nguyên số bệnh viện; 100% các cơ sở khám, chữa bệnh sử dụng thẻ căn cước công dân gắn chíp khi đăng ký và trong quá trình khám bệnh, chữa bệnh;

Các cơ sở khám chữa bệnh tiếp tục nghiên cứu áp dụng nhận dạng sinh trắc học khi đăng ký và trong quá trình khám, chữa bệnh; hầu hết các cơ sở khám, chữa bệnh đã triển khai đăng ký khám bệnh từ xa; các bệnh viện tuyến trung ương, tuyến tỉnh đã triển khai phần mềm đăng ký khám bệnh trực tuyến; trả kết quả khám, chữa bệnh trực tuyến, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại cho người bệnh;

Bộ Y tế đã phối hợp với Bộ Công an, BHXH Việt Nam triển khai Sổ sức khỏe trên ứng dụng VneID, thí điểm giấy chuyển tuyến BHYT điện tử và giấy hẹn khám lại điện tử trên ứng dụng VNeID trước khi triển khai nhân rộng toàn quốc.

Bộ Y tế cũng cho hay, đến nay, có 125 cơ sở khám, chữa bệnh triển khai bệnh án điện tử không sử dụng bệnh án giấy. Đến nay, hầu hết các cơ sở khám, chữa bệnh đã triển khai tư vấn phòng bệnh từ xa, tư vấn khám, chữa bệnh từ xa và đào tạo chuyển giao kỹ thuật khám, chữa bệnh từ xa.

Cùng đó, Bộ Y tế đã triển khai kê đơn thuốc điện tử để quản lý kê đơn thuốc và bán thuốc theo đơn. Đến nay, có 63 Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, có trên 20.000 cơ sở khám chữa bệnh đã triển khai đơn thuốc điện tử và liên thông đơn thuốc với hệ thống đơn thuốc quốc gia.

Ngành y tế đã triển khai một số ứng dụng AI, chủ yếu trong việc hỗ trợ chẩn đoán, điều trị bệnh như triển khai thử nghiệm hệ thống hỗ trợ chẩn đoán, phác đồ điều trị 13 loại ung thư tại một số bệnh viện (Bệnh viên đa khoa tỉnh Phú Thọ, Bệnh viện K, …); hỗ trợ chẩn đoán COVID-19 sử dụng hình ảnh Xquang phổi trong và hỗ trợ đánh giá tiên lượng bệnh nhân phục vụ điều trị COVID-19; tầm soát bệnh glôcôm, tầm soát sớm bệnh lý đáy mắt; sàng lọc và phân loại bệnh võng mạc, đái tháo đường; sử dụng robot trong phẫu thuật.

Hiện có 4 hệ thống robot nổi bật trong y học hiện đại được ứng dụng là robot phẫu thuật nội soi DaVinci, robot phẫu thuật cột sống Renaissance, robot phẫu thuật khớp gối và khớp háng Makoplasty và rô bốt phẫu thuật thần kinh Rosa...

Đẩy mạnh phát triển, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong công tác y tế

Đẩy mạnh phát triển bệnh án điện tử, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong khám, chữa bệnh
- Ảnh 2.

Bệnh viện K ứng dụng robot trong điều trị ung thư.

Về kế hoạch thực hiện chuyển đổi số năm 2025, Bộ Y tế cho hay, tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức, hiểu biết cho người dân về sử dụng các dịch vụ y tế trên nền tảng số một cách an toàn, phù hợp...

Tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý tạo thuận lợi, khắc phục các điểm nghẽn về thể chế cho hoạt động chuyển đổi số y tế; rà soát, sửa đổi các quy định pháp lý về kết nối, khai thác dữ liệu, về bảo đảm an ninh, an toàn, bảo mật trong hoạt động y tế trên nền tảng số,...

Ngành y tế tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hạ tầng công nghệ phục vụ cho việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ y tế số; tăng cường tích hợp, kết nối giữa các đơn vị y tế và giữa ngành y tế với các bộ, ngành, địa phương để cung cấp dịch vụ y tế số đa tiện ích. Bên cạnh đó, ngành y tế tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an và các bộ, ngành liên quan đẩy nhanh tiến độ triển khai Đề án 06 của Thủ tướng Chính phủ, đem đến những kết quả cụ thể về ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong các sản phẩm, dịch vụ y tế phục vụ người dân.

Cùng đó, đẩy mạnh hợp tác quốc tế, nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo trong môi trường số; Đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và phòng bệnh, góp phần thực hiện thành công chương trình sức khỏe Việt Nam như tiếp tục xây dựng và triển khai sổ sức khỏe điện tử toàn dân; phát triển ứng dụng giám sát và dự báo các dịch bệnh thông qua công nghệ phân tích dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo; phát triển các ứng dụng thông minh có thể cung cấp dịch vụ theo dõi, trợ giúp chăm sóc sức khỏe người dân từ xa, kết nối trực tuyến giữa người bệnh, các thiết bị theo dõi sức khỏe và cán bộ y tế.

Đẩy mạnh phát triển, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong công tác y tế; Triển khai hệ thống phần mềm, bảo đảm khả năng kết nối liên thông, chia sẻ, tích hợp dữ liệu, đồng thời bảo đảm khả năng kết nối liên thông với tất cả các trang thiết bị hiện có trong cơ sở khám, chữa bệnh.

Xây dựng "bệnh viện thông minh" và tiếp tục triển khai hồ sơ bệnh án điện tử tại tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh tiến tới không sử dụng bệnh án giấy, thanh toán viện phí điện tử không dùng tiền mặt.

Triển khai tư vấn khám chữa bệnh từ xa; hệ thống quản lý đơn thuốc điện tử quốc gia tại tất cả cả cơ sở khám, chữa bệnh công lập và tư nhân trên cả nước.

Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong hỗ trợ chẩn đoán, hỗ trợ ra quyết định lâm sàng, hỗ trợ phẫu thuật...

Bộ Y tế đề xuất lập nhóm đối tác quốc tế về chuyển đổi số y tếBộ Y tế đề xuất lập nhóm đối tác quốc tế về chuyển đổi số y tế

SKĐS - Chuyển đổi số y tế với mục tiêu cuối cùng là hỗ trợ chăm sóc và nâng cao sức khỏe người dân thông qua hệ thống y tế bền vững, trong đó bảo đảm yếu tố chất lượng, tiếp cận và sử dụng dịch vụ y tế, giảm chi phí y tế và tăng khả năng tự chăm sóc sức khỏe của nhân dân...

Thái Bình
Ý kiến của bạn