Chính vì vậy, việc nâng cao nhận thức cho người dân để nhận biết và phòng tránh sốt rét là rất quan trọng.
Gia tăng ca mắc sốt rét
Tại một số địa phương, nhất là vùng núi khu vực Tây Nguyên, tình trạng sốt rét vẫn gia tăng. Chỉ tính riêng tỉnh Gia Lai, từ đầu năm 2018 ghi nhận 260 ca mắc sốt rét. So với cùng kỳ năm 2017, số ca mắc bệnh tăng gấp đôi. Theo ông Rơ Mah Huân - Giám đốc Trung tâm Phòng chống sốt rét Ký sinh trùng Côn trùng tỉnh Gia Lai, những năm qua, công tác phòng-chống bệnh sốt rét đạt một số kết quả rất tích cực. Tuy nhiên, Gia Lai vẫn là địa phương có tỷ lệ mắc sốt rét cao trong khu vực Tây Nguyên. Các địa phương trọng điểm về sốt rét trên địa bàn tỉnh là các huyện: Krông Pa, La Grai, Chư Prông, Đức Cơ… Theo ông Nguyễn Văn Thể - cán bộ chuyên trách sốt rét thuộc Trung tâm Y tế huyện Krông Pa: Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện Krông Pa ghi nhận 73 ca mắc sốt rét. Trong khi đó, tại huyện Đức Cơ đã ghi nhận 35 ca. Cũng theo ông Rơ Mah Huân, khó khăn trong công tác phòng chống sốt rét là một bộ phận người dân thiếu kiến thức phòng bệnh, vẫn còn thói quen đi rừng, ngủ rẫy dài ngày, không nằm màn và tình hình di dân tự do khó kiểm soát. Lực lượng mỏng, cán bộ y tế tuyến cơ sở phải kiêm nhiệm nhiều việc nên kết quả phòng, chống sốt rét tại một số địa phương chưa đảm bảo yêu cầu đề ra, tỷ lệ bệnh nhân mắc bệnh ở tuyến cơ sở còn cao.
Tuyên truyền cho người dân về các biện pháp phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm tại buôn Tul B, xã Ea Wer (Đăk Lăk).
Nhận biết sốt rét
Để chẩn đoán bệnh sốt rét, trước hết, người ta dựa vào yếu tố dịch tễ, nghĩa là đối tượng có sống ở trong vùng sốt rét hoặc vào vùng sốt rét lưu hành trong vòng 1 tháng hoặc có tiền sử sốt rét 2 năm gần đây. Đồng thời, dựa vào các biểu hiện: Có thể có cơn sốt điển hình của bệnh sốt rét qua 3 giai đoạn: rét run - sốt nóng - ra mồ hôi; hoặc cũng có người có cơn sốt không điển hình như: sốt không thành cơn: ớn lạnh, gai rét (hay gặp ở trẻ nhỏ và người sống lâu năm ở vùng sốt rét lưu hành); hoặc có người lại sốt liên tục hoặc dao động trong 5 - 7 ngày. Về mức độ, bệnh sốt rét bao gồm các thể như: Sốt rét thường; Sốt rét ác tính và Ký sinh trùng lạnh (nghĩa là hiện tại không sốt và không có sốt trong vòng 7 ngày gần đây). Khi nghi ngờ bị bệnh sốt rét, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xét nghiệm máu tìm ký sinh trùng sốt rét và điều trị kịp thời.
Về điều trị
Điều trị bệnh sốt rét: Có 3 nhóm đối tượng được điều trị hoặc cấp thuốc tự điều trị; đó là:
- Điều trị người bệnh sốt rét (bao gồm bệnh nhân xác định và bệnh nhân nghi ngờ sốt rét);
- Điều trị mở rộng (bao gồm điều trị cho những trường hợp sốt nhưng chỉ áp dụng ở các vùng đang có dịch). Trung tâm y tế dự phòng tỉnh là cơ quan quyết định đối tượng và phạm vi điều trị mở rộng;
- Cấp thuốc tự điều trị: cán bộ y tế từ tuyến xã trở lên mới được cấp thuốc tự điều trị cho các đối tượng đi vào vùng sốt rét lưu hành nặng trên 1 tuần (khách du lịch, người đi rừng, ngủ rẫy, người qua lại biên giới vùng sốt rét lưu hành) và phải hướng dẫn cho họ cách chẩn đoán, tự điều trị, theo dõi sau khi trở về.
Thuốc điều trị sốt rét được cấp miễn phí.
Phòng, chống muỗi truyền bệnh là biện pháp hữu hiệu nhất
Bệnh sốt rét vẫn diễn biến phức tạp và khó dự báo tại một số địa phương trên do có sự di dân rất lớn, nhận thức của người dân về phòng, chống sốt rét còn hạn chế. Đặc biệt, sốt rét kháng thuốc có nguy cơ lan rộng, thậm chí cả quần thể muỗi cũng đã kháng lại hóa chất. Vì vậy, Bộ Y tế khuyến cáo, hiện nay, chưa có vắc-xin phòng ngừa sốt rét, do đó, việc phòng, chống muỗi truyền bệnh vẫn được xem là biện pháp hữu hiệu nhất. Ở các vùng có bệnh sốt rét lưu hành, người dân cần chú ý thực hiện một số biện pháp nhằm ngăn cản sự tiếp xúc giữa muỗi.
Hãy cố gắng tránh xa những khu vực ẩm thấp vì có thể là nơi sinh sôi của muỗi. Bạn cũng không nên đi ra ngoài thường xuyên vào buổi tối. Nên tránh mặc quần áo tối màu vì những màu này có thể thu hút muỗi.
Những người đi làm ở vùng rừng núi cần mang theo màn để ngủ, trước khi đi, nên đến cơ sở y tế để được cấp thuốc uống phòng và khi trở về từ vùng rừng núi nên đến cơ sở y tế để được khám, xét nghiệm, nếu có bị sốt rét sẽ được điều trị kịp thời.
Ngoài ra, người dân cũng có thể làm cửa lưới, mành rèm chống muỗi ở các cửa sổ để giảm tối đa sự xâm nhập của muỗi vào nhà. Điều quan trọng nhất, hữu hiệu nhất để phòng chống sốt rét hiện nay là người dân phải ngủ màn, màn phải được tẩm hóa chất và phun hóa chất diệt muỗi…
Bôi kem chống muỗi chứa tinh dầu sả có thể giúp bạn không bị muỗi cắn. Bạn cũng có thể nhỏ một vài giọt tinh dầu sả vào nước lau nhà để đuổi muỗi hiệu quả.
Khi thấy các triệu chứng của bệnh sốt rét như rét run, sốt nóng, sau đó vã mồ hôi hoặc cảm thấy ớn lạnh, gai rét, người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Bên cạnh đó, những người đi làm rẫy ở những vùng có sốt rét lưu hành, trước khi đi, cần đến trạm y tế để được hướng dẫn các biện pháp phòng bệnh, cấp thuốc dự phòng và khi trở về, cần đến cơ sở y tế để được khám, xét nghiệm, nếu không may bị sốt rét sẽ được điều trị kịp thời.