Những kiến thức về bệnh giúp mọi người hiểu rõ về chứng bệnh này và các biện pháp phòng ngừa.
Nhận biết huyết áp thấp
Người bị huyết áp thấp có chỉ số huyết áp tâm thu dưới 90mmHg và huyết áp tâm trương dưới 60mmHg, hoặc giảm hơn 20mmHg so với chỉ số huyết áp bình thường trước đó.
Khác với bệnh tăng huyết áp, chỉ số huyết áp là cơ sở quyết định cho chẩn đoán bệnh. Với bệnh huyết áp thấp, chỉ số chỉ có tính chất tham khảo, triệu chứng được quan tâm nhiều hơn.
Bệnh nhân huyết áp thấp thường có những biểu hiện: mệt mỏi, lả người và rất muốn được nghỉ ngơi, hoa mắt chóng mặt, khó tập trung và dễ nổi cáu, có cảm giác buồn nôn, nặng hơn có thể ngất xỉu.
Bên cạnh đó, bệnh nhân có thể suy giảm khả năng tình dục; da nhăn và khô, kèm theo rụng tóc; vã mồ hôi nhưng vẫn cảm thấy lạnh; thở dốc, nói như hụt hơi nhất là sau khi leo lên cầu thang hay làm việc nặng, khi thay đổi tư thế có thể choáng váng, xây xẩm mặt mày...
Có hai loại huyết áp thấp là huyết áp thấp tiên phát và huyết áp thấp thứ phát.
Huyết áp thấp tiên phát: Là những trường hợp có thể trạng đặc biệt từ nhỏ đến lớn huyết áp vẫn thấp mà không hề có triệu chứng hoặc biến chứng ở bộ phận nào trong cơ thể, chỉ khi gắng sức thì thấy chóng mệt.
Huyết áp thấp thứ phát: Là huyết áp bình thường nhưng sau đó huyết áp bị tụt dần xuống tới mức được coi là huyết áp thấp. Thường gặp ở những người suy nhược kéo dài, mắc các bệnh thiểu năng tuần hoàn não, lao, nhiễm khuẩn, nhiễm độc kéo dài, thiếu máu kéo dài, bệnh nội tiết suy tuyến thượng thận, suy tuyến giáp mạn tính.
Luyện tập thể dục đều đặn giúp đẩy lùi chứng huyết áp thấp.
Nguy cơ khi bị huyết áp thấp
Huyết áp hạ quá thấp có thể làm nhịp tim nhanh, gây choáng, ngất. Một điều ít ai biết, huyết áp thấp cũng là nguyên nhân gây tai biến mạch máu não chiếm tỷ lệ 10-15% giống như tăng huyết áp; 30% số người nhồi máu não và 25% số người nhồi máu cơ tim là do huyết áp thấp.
Huyết áp càng thấp bị mất trí nhớ càng cao. Huyết áp tâm trương dưới 70mmHg thì rất có khả năng bị chứng mất trí nhớ. Đặc biệt, huyết áp giảm 10mmHg thì nguy cơ bị mất trí tăng 20%. Và những người có mức huyết áp thấp kéo dài liên tục trong hai năm có khả năng bị mất trí nhớ cao gấp hai lần.
Nguyên nhân gây huyết áp thấp
Nhiều nguyên nhân gây huyết áp thấp, có thể chỉ ra các yếu tố cơ bản như:
Do suy giảm hoạt động của tuyến giáp: Khi cơ thể bị thiếu hụt hàm lượng hormon của tuyến giáp sẽ dẫn tới nguy cơ mắc chứng huyết áp thấp kèm theo các triệu chứng hoa mắt chóng mặt, rụng tóc.
Do giảm đường huyết: Nếu hàm lượng đường trong máu giảm xuống dưới mức 2.5mmol/l, bạn có thể sẽ phải chịu đựng cảm giác mệt mỏi, run rẩy và vã mồ hôi.
Nhịp tim chậm: Nếu nhịp tim dưới 60 nhịp/phút sẽ không đủ lượng máu và ôxy lưu thông trong cơ thể. Đây là một lý do dẫn tới bệnh huyết áp thấp.
Hàm lượng hemoglobin thấp: Với người khỏe mạnh, ở nam giới, hàm lượng này ở mức 13,5-17,5g/dl, còn ở nữ giới là 11,5-15,5g/dl. Khi hàm lượng hemoglobin thấp (tức là dưới mức 9g/dl) sẽ khiến cho lượng ôxy vận chuyển tới não và tim bị suy giảm, có thể làm cho cơ thể choáng váng, hoa mắt, chóng mặt.
Ngoài ra còn một số nguyên nhân khác gây huyết áp thấp như:
Sự rối loạn chức năng vỏ não của trung khu thần kinh vận mạch; sự suy giảm chức năng của các cơ quan như tim, thận, hệ tiêu hóa hoặc do hệ thống thần kinh tự động của cơ thể không tự điều chỉnh được dẫn đến tụt huyết áp tư thế.
Cũng có thể do mắc một số bệnh mạn tính gây thiếu máu hoặc kém dinh dưỡng kéo dài như: viêm loét dạ dày tá tràng, viêm đại tràng mạn, suy giáp, suy thượng thận, lao...
Tất cả những nguyên nhân đó gây suy giảm áp lực bơm máu và thể tích máu dẫn đến tình trạng huyết áp thấp.
Cuộc sống căng thẳng, môi trường sống và làm việc ô nhiễm, khuynh hướng lạm dụng hóa chất trong bảo quản thực phẩm... đã làm cho bệnh huyết áp thấp ngày càng gia tăng. Đặc biệt, huyết áp thấp dễ xảy ra ở người bệnh tim mạch, béo phì, tiểu đường.
Biện pháp đẩy lùi huyết áp
Thay đổi tư thế đúng: Khi ngủ máu tập trung vào gan, phổi, lách, nên gây ra tình trạng thiếu máu não tạm thời. Vì vậy, khi thức dậy cần nằm thêm một lúc, làm vài động tác khởi động đơn giản rồi mới ngồi dậy; để chân trên giường, sau đó mới từ từ thả chân xuống; ngồi một lúc rồi mới đứng lên. Trong sinh hoạt hàng ngày cũng cần tránh thay đổi tư thế đột ngột, nên thở sâu vài phút trước khi đứng lên để tăng cường lưu thông máu đến các bộ phận của cơ thể.
Khi có dấu hiệu hoa mắt, chóng mặt, mệt mỏi, cần nằm nghỉ ngơi ở tư thế đầu thấp để tăng lượng máu lên não. Nên tránh trèo cao, ra nắng gắt hoặc để bị lạnh đột ngột, nhất là lúc đêm khuya. Cần thận trọng khi xông hơi, tắm nước nóng để tránh nguy cơ tụt huyết áp do mất nước, giãn mạch.
Luyện tập thể dục đều đặn, phù hợp với sức khỏe và độ tuổi hàng ngày giúp duy trì lưu thông máu trong cơ thể nên giảm chứng huyết áp thấp.
Ăn nhiều bữa nhỏ: Người bệnh huyết áp thấp nên ăn những bữa nhỏ nhiều lần hơn trong ngày có thể giúp ngăn ngừa tụt huyết áp thay vì ăn những bữa ăn lớn thịnh soạn.
Bổ sung thêm muối cho bữa ăn: Người bình thường nên ăn nhạt, tuy nhiên đối với người huyết áp thấp ăn nhạt không phải là lựa chọn tốt cho sức khỏe. Vì vậy, những người bị huyết áp thấp nên cân nhắc tăng lượng muối ăn trong ngày để giúp làm tăng huyết áp.
Uống nước: Uống nhiều nước có thể giúp tăng thể tích máu, làm giảm một trong những nguyên nhân tiềm tàng gây huyết áp thấp. Ngoài ra uống nước cũng giúp tránh mất nước.
Tránh đồ uống có cồn: Nồng độ cồn trong rượu có thể làm huyết áp càng giảm thấp hơn nữa, vì vậy những người có huyết áp thấp nên tránh uống rượu quá mức.