Trước tình trạng trên, trẻ nhanh chóng được thở máy và chuyển từ khoa Sản lên khoa Hồi sức sơ sinh. Tại đây trẻ nhanh chóng các y bác sĩ cho thuốc chống nhiễm trùng, làm các xét nghiệm cần thiết và CT Scan ngực.
Kết quả trên CT Scan cho thấy có 1 kén dạng khí rất to kích thước 8x6x7cm ở thùy dưới phổi phải, đẩy lệch làm xẹp gần như hoàn toàn các thùy phổi khác và có hiện tượng tràn khí màng phổi phải. Trẻ có biểu hiện tím tái, ngừng tim. Các bác sỹ nhanh chóng cấp cứu ngừng tuần hoàn hô hấp cho trẻ, chọc hút khí màng phổi, dẫn lưu khí màng phổi hút liên tục. Trẻ được hồi sức, dùng kháng sinh, thở máy cao tần, sử dụng thuốc vận mạch, truyền máu. Khoa Hồi sức sơ sinh kết hợp với bác sỹ chuyên khoa Ngoại nhanh chóng hội chẩn và quyết định mổ cấp cứu cắt bỏ một phần thùy phổi chứa kén khí này. Sau phẫu thuật trẻ ổn định.
Kết quả giải phẫu bệnh lý khối kén cho biết đây là 1 bệnh bất thường dạng nang tuyến bẩm sinh ở trẻ em gọi tắt là CCAM. ThS. BS Lê Trọng Thông- Phó trưởng khoa Ngoại tổng hợp Bệnh viện Sản nhi Nghệ An, phẫu thuật viên chính ca mổ, cho biết: Nang phổi bẩm sinh là bệnh lý dị dạng đường thở do sự phát triển bất thường của mầm khí phế quản trong bào thai, tạo nên những nang trong lồng ngực hoặc trong phổi, tùy kích thước của nang có thể gây khó thở ở trẻ mới sinh. Cấu trúc nang có thể dạng đặc hoặc lỏng. Tỉ lệ mắc bệnh lý bẩm sinh này chiếm 1/5000 trẻ sinh ra và xuất hiện ở trẻ nam nhiều hơn trẻ nữ.
Hình ảnh nang bất thường ở phổi phải trên trẻ sơ sinh
Triệu chứng bệnh giống với các bệnh lý hô hấp khác như: ho khò khè, khó thở, sốt… do đó rất dễ bị bỏ quên. Bệnh thường chỉ được phát hiện khi trẻ bị viêm phổi tái đi tái lại nhiều lần và phát hiện nhờ chụp X-quang phổi, chẩn đoán xác định bằng chụp cắt lớp điện toán (CT scan) .Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có thể gây ra biến chứng như áp-xe phổi (khi bội nhiễm), tràn khí màng phổi (khi nang khí vỡ), thậm chí nặng nề hơn nữa là tử vong. Phẫu thuật cắt bỏ thùy phổi hay một phần thùy phổi chứa khối bất thường là phương pháp điều trị triệt để hiện nay để tránh hiện tượng viêm phổi tái đi tái lại và chuyển thành u ác tính về sau cho bé.
Dị dạng nang phổi bẩm sinh có thể được phát hiện sớm trong thời kỳ bào thai nhờ kỹ thuật siêu âm hoặc MRI, phát hiện được trước tuần thứ 20. Do đó, trong giai đoạn trước sinh, người mẹ cần khám và siêu âm định kỳ để phát hiện sớm các bệnh lý ở phổi nói chung và bệnh nang phổi bẩm sinh nói riêng, từ đó có phương án điều trị ngay sau sinh. Khi phát hiện con mình có các triệu chứng ho, khò khè kéo dài, viêm phổi thường xuyên tái phát cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế có chuyên môn cao để bác sỹ kiểm tra và chỉ định điều trị kịp thời.
ThS. BS Thông cũng cho biết thêm, đây là bệnh có thể điều trị được và kết quả sau điều trị là rất tốt; do đó, các bà mẹ mang thai trẻ bị CCAM không nên quá lo lắng mà nên theo dõi và quản lý thai kì chặt chẽ tại bệnh viện.