Tê tay - một triệu chứng rất thường gặp
Theo Đông y, “Phong là khởi đầu trăm bệnh”. phong có tính: “Thiện hành” ý chỉ phong có tính di chuyển, không cố định. Vì vậy trên lâm sàng người bệnh thường có nhiều triệu chứng tùy theo từng thể bệnh, trong đó biểu hiện như đau mỏi vai gáy, tê bì chân tay và những chứng trạng khác.
Theo y học hiện đại, tê tay có thể do làm việc quá sức hoặc cơ thể thiếu vitamin. Mặt khác, nếu như bạn thường xuyên bị tê tay đó có thể là triệu chứng của một số bệnh lý nhất định. Tê tay có thể là dấu hiệu của bệnh thoát vị đĩa đệm cột sống cổ.
Tê tay có thể là dấu hiệu của thoái hóa cột sống, có thể là dấu hiệu của viêm khớp dạng thấp tác động trực tiếp đến dây thần kinh gây ra cảm giác tê tay.
Ngoài những bệnh lý kể trên, một số căn bệnh khác cũng có thể gây nên tê tay. Trong đó, có thể kể đến bệnh: viêm đa rễ thần kinh, hẹp ống sống, chứng rối loạn chuyển hóa, tiểu đường, xơ vữa động mạch…
Xác định huyệt thập tuyên trong điều trị tê tay
Thập tuyên là huyệt vị nằm ở đỉnh cao nhất 10 đầu ngón tay, cách đầu móng tay 2mm. Là nơi tập trung nhiều đầu dây thần kinh, do vậy khi tác động đến huyệt vị có tác dụng kích thích điều hòa thăng giáng của các đường kinh; giúp thông kinh hoạt lạc, hoạt huyết hóa ứ, điều hoà kinh khí giảm triệu chứng tê tay.
Dưới vị trí huyệt là đầu đốt cuối của các xương ngón tay. Da vùng huyệt này được chi phối bởi tiết đoạn thần kinh C6, C7, C8 và D1. Vị trí huyệt thập tuyên có công dụng hạ sốt, chủ trị chứng sốt cao, bất tỉnh, say nắng, tê đầu ngón tay.
Để điều trị tê tay có hiệu quả: Dùng đầu ngón tay cái lần lượt bấm và day ấn với lực vừa phải ở huyệt vị.
Thực hiện day ấn huyệt lần lượt ở mỗi ngón tay trong khoảng 30 giây.
Ngoài ra, phối huyệt thập tuyên với huyệt đại chùy và huyệt nhĩ tiêm có tác dụng hạ sốt, trị liệu chứng trúng thử - say nắng (Châm cứu học Thượng Hải).
Phối huyệt thập tuyên cùng huyệt dũng tuyền, huyệt đại lăng, huyệt hợp cốc và huyệt tứ hoa điều trị ngũ tâm phiền nhiệt (Châm cứu Đại Thành).
Phối huyệt thập tuyên với huyệt du phủ, huyệt đản trung, huyệt hợp cốc, huyệt khuyết bồn, huyệt phù đột, huyệt thiên đột, huyệt thiên song, trung phủ để điều trị trị bướu cổ (Châm cứu Đại Toàn).