Hà Nội

Day huyệt chữa đau răng

25-11-2009 08:05 | Y học cổ truyền
google news

Hàm răng giúp chúng ta ăn uống được bình thường nhằm cung cấp năng lượng cho các hoạt động và tu bổ cho các cơ quan của cơ thể.

Hàm răng giúp chúng ta ăn uống được bình thường nhằm cung cấp năng lượng cho các hoạt động và tu bổ cho các cơ quan của cơ thể. Song, qua nhiều năm hàm răng đã bị hao mòn và suy yếu. Vì vậy việc bảo vệ giữ gìn hàm răng đảm bảo chức năng tiêu hoá là vấn đề cần được quan tâm. Ngoài phương pháp chữa trị của bác sĩ nha khoa, YHCT cũng có các phương pháp hỗ trợ điều trị. Sau đây xin giới thiệu phương pháp day bấm huyệt giúp giảm đau răng và làm răng chắc khỏe, bạn đọc có thể tham khảo áp dụng.

Gõ răng: Trước hết, gõ răng cửa phía trên, dưới; sau gõ răng bên phải, bên trái. Khi gõ, ngậm hai hàm răng lại, gõ vừa phải, mỗi lần gõ 30 - 50 lần.

Day huyệt hạ quan: dùng ngón tay giữa áp vào huyệt hạ quan. Ban đầu dùng một ngón tay, sau có thể dùng hai ngón tay (ngón trỏ và ngón giữa) đồng thời day vào huyệt hạ quan, mỗi bên 50 lần.

Day huyệt giáp xa: Dùng ngón tay giữa ấn vào huyệt giáp xa, mỗi bên day 50 lần.

Bấm huyệt hợp cốc: Dùng ngón tay cái bấm vào huyệt hợp cốc mỗi bên 10 lần.

Day huyệt thái khê: Dùng ngón cái day huyệt thái khê mỗi bên khoảng 100 lần.

Chú ý:

- Để đạt được hiệu quả giảm đau tốt nhất, cần tiến hành thủ thuật đúng phương pháp với một lực tương đối mạnh (đương nhiên là người bệnh phải chịu được), có thể tiến hành vài ba lần, mỗi lần cách nhau chừng vài giờ.

Vị trí huyệt:

- Hạ quan: Khi ngậm miệng lại, huyệt ở chỗ lõm phía trước tai, dưới xương gò má.

- Giáp xa: Cắn chặt răng lại, huyệt ở trước góc hàm và ở trên bờ dưới xương hàm dưới một khoát ngón tay, đè vào chỗ trũng có cảm giác ê tức.

- Hợp cốc: Khép chặt hai ngón tay cái và ngón tay trỏ, huyệt nằm ở điểm cao nhất của khối cơ nổi lên giữa hai xương bàn tay 1 và 2.

- Thái khê: Tại trung điểm giữa đường nối bờ sau mắt cá trong và mép trong gân gót, khe giữa gân gót chân ở phía sau.

Lương y Đình Thuấn


Ý kiến của bạn