Dạy học môn tích hợp: Càng gỡ càng rối

27-10-2023 06:37 | Thời sự

SKĐS - Theo nhiều giáo viên, việc Bộ GD&ĐT đưa hướng dẫn gỡ rối dạy học tích hợp cho các trường nhưng thực tế cái gốc của vấn đề vẫn chưa được giải quyết.

Bộ GD&ĐT gỡ rối thế nào?

Dạy học tích hợp ở bậc THCS được coi là điểm mới trong chương trình giáo dục phổ thông 2018. Tuy nhiên, sau ba năm triển khai, giáo viên, hiệu trưởng nhiều nơi kêu vướng, khó. Chính lãnh đạo Bộ GD&ĐT cũng thừa nhận dạy học tích hợp là điểm nghẽn và mới đây có hướng dẫn tháo gỡ khó khăn cho các trường.

Cụ thể, đối với môn Khoa học tự nhiên, Bộ GD&ĐT yêu cầu, các trường phân công giáo viên bảo đảm sự phù hợp về chuyên môn được đào tạo với nội dung dạy học được phân công theo các mạch nội dung. Khi bố trí giáo viên dạy học từ 2 mạch nội dung hoặc toàn bộ chương trình môn học, phải thực hiện từng bước, bảo đảm yêu cầu về chuyên môn của giáo viên để bảo đảm chất lượng dạy học.

Đối với môn Lịch sử và Địa lý, theo hướng dẫn mới, các trường phân công giáo viên bảo đảm sự phù hợp giữa chuyên môn được đào tạo với nội dung dạy học được phân công (theo phân môn Lịch sử, phân môn Địa lý và các chủ đề liên môn).

Nên sớm đưa các môn học trở lại đơn môn rõ ràng như trước

Dạy học môn tích hợp: Càng gỡ càng rối - Ảnh 1.

Thầy Nguyễn Duy Khánh.

Trao đổi với PV báo Sức khỏe và Đời sống về vấn đề này, thầy Nguyễn Duy Khánh - giáo viên dạy môn Sinh học cấp THPT cho rằng, mặc dù Bộ GD&ĐT đã linh động ban hành hướng dẫn gỡ rối cho các trường liên quan đến với việc dạy tích hợp các môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý nhưng thực tế cái gốc của vấn đề ở đây chưa được giải quyết. Thứ nhất, liệu rằng việc dạy các môn tích hợp ở bậc THCS có thực sự đảm bảo và hiệu quả hay không. Thứ hai, các trường có đảm bảo về cơ sở vật chất, hạ tầng cũng như trình độ nhân sự của giáo viên để đảm bảo cho việc đó hay không, chưa kể việc thiết kế thời khóa biểu giảng dạy cho học sinh thế nào.

Theo thầy Khánh, mặc dù chủ trương dạy tích hợp là đúng đắn, xu hướng dạy tích hợp cũng khá phổ biến trên thế giới. Tuy nhiên, họ đi trước mình nhiều năm, nền giáo dục và nhận thức của họ rất khác, hiệu quả khi lên chương trình cũng như viết sách là rõ ràng. Nhưng ở ta thì hoàn toàn khác, các bộ sách tích hợp về Khoa tự nhiên hay tích hợp Lịch sử và Địa lý bản chất chỉ là cộng cơ học các môn. Ví dụ các môn Khoa học tự nhiên chỉ là môn Vật lý, Hóa học, Sinh học rời rạc, tách biệt, rất ít kiến thức giao nhau.

Giờ yêu cầu giáo viên đồng thời phải dạy cả ba môn, điều này là rất khó khăn bởi một thầy cô không thể có đủ năng lực chuyên môn, thời gian, sức lực cũng như kỹ năng để dạy như vậy, trong khi lương và chế độ đãi ngộ vẫn giữ nguyên. Hơn nữa, việc giáo viên phải đồng thời kham nhiều đơn vị kiến thức sẽ không sâu được một kiến thức nào, khó để trau dồi nâng cao cũng như sẽ không làm cho đơn môn của họ trở nên hay hơn, hấp dẫn hơn, có chiều sâu hơn, có tính vận dụng cao hơn. "Theo tôi, một giáo viên mà dạy cả ba môn chỉ là dạy "cưỡi ngựa xem hoa", dạy cho đủ chương trình  chứ hiệu quả học tập thật sự là không cao".

Hiện cấp 2 các em học sinh học tích hợp nhưng khi lên cấp 3 lại các em lại học phân môn như vậy không có tính liền mạch và thống nhất theo trục dọc từ dưới lên trên để đảm bảo giáo dục có tính kế thừa, các đơn vị kiến thức có tính kế thừa, nâng cấp và phát triển. "Theo tôi, để gỡ rối chuẩn nhất lúc này Bộ GD&ĐT nên sớm đưa các môn học trở lại đơn môn rõ ràng như trước, còn các bộ sách về tích hợp đang có hãy đưa vào bài học tham khảo hoặc những tiết học tự chọn theo bộ đề tham khảo", thầy Khánh phân tích.

Dạy học môn tích hợp: Càng gỡ càng rối - Ảnh 2.

Một tiết học của học sinh Trường THCS Nguyễn Công Trứ (Ba Đình, Hà Nội). Ảnh minh họa

Theo bà Văn Liên Na, Phó Hiệu trưởng Trường THCS - THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội), hướng dẫn mới đã tháo gỡ được những vướng mắc của các trường THCS. Tuy nhiên, các trường "linh hoạt xếp thời khóa biểu" cũng có nghĩa là phân môn nào khó, quay về giáo viên môn nào đứng lớp môn đó như cũ rồi từ từ tiến tới tích hợp.

Bà Na cho rằng, các môn tích hợp ở bậc THCS hiện còn nhiều bất cập khi sách giáo khoa tích hợp nhưng các phân môn vẫn do các chuyên gia viết tách rời ghép lại một cách cơ học. Chưa kể, đến thời điểm này, dạy học tích hợp nhưng kiểm tra đánh giá vẫn riêng rẽ kiến thức từng phân môn; chưa thiết kế được các dạng bài tập tích hợp để làm đề thi trong khi năm học 2024-2025 là lứa học sinh đầu tiên của bậc THCS thi vượt cấp theo chương trình GDPT 2018.

Bộ GD&ĐT hướng dẫn gỡ khó dạy các môn tích hợpBộ GD&ĐT hướng dẫn gỡ khó dạy các môn tích hợp

SKĐS - Sau nhiều ý kiến của giáo viên về việc gặp khó trong dạy học các môn tích hợp ở bậc THCS, Bộ GD&ĐT vừa có hướng dẫn gỡ khó cho các cơ sở giáo dục.

Đỗ Vi
Ý kiến của bạn