Trao đổi với phóng viên Báo Sức khoẻ và Đời sống, anh N.H.Q (phường Trúc Bạch, quận Ba Đình, Hà Nội) cho biết, hàng ngày anh Q vẫn đi từ nhà sang huyện Gia Lâm làm việc. Chiều ngày 30/7, khi đi từ Cầu Đuống rẽ phải xuống đường Gia Thượng (phường Thượng Thanh, quận Long Biên) thì bất ngờ bị một chiếc diều khá to liệng xuống đường và vướng vào mặt trước xe ô tô. Khi xuống xe anh Q. tá hoả phát hiện một đoạn dây diều (loại dây amiang) cứa sâu từ mặt ca-lăng qua đèn gầm sang cả mép cản bên phụ.
"Nếu là diều nhỏ thì không bàn tới, nhưng những người chơi tại đây đều chơi loại diều sáo ngoại cỡ, dùng dây cước loại to để thả diều. May mắn là tôi đi ô tô, chứ nếu di chuyển bằng xe máy thì không biết hậu quả sẽ như thế nào", anh Q. nói.
Theo anh Q. thời điểm xe vướng dây diều, người dân quanh đó đều nhìn thấy nhưng không thấy chủ diều xuất hiện. "Để khắc phục hậu quả, tôi đã phải bỏ ra số tiền là 12 triệu đồng bao gồm mua đèn hàng 'bãi' thay thế hết 9 triệu đồng, vá cản và sơn lại hết 3 triệu đồng.
Đen đủi là xe của tôi vừa hết bảo hiểm 1 tháng chưa kịp mua mới nên tôi phải tự bỏ tiền túi đi sửa xe. Riêng cụm đèn bên phụ hãng báo thay mới hết 19 triệu đồng, buộc tôi phải tìm nguồn hàng bên ngoài để giảm chi phí", anh Q. than thở.
Anh Q. thắc mắc rằng việc thả diều ven đường tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn cho người và phương tiện qua lại rất lớn, và anh là nạn nhân điển hình nhất. Lâu nay anh vẫn thường đi lại thường xuyên trên đường Gia Thượng, thấy nhiều người thả diều tại khu vực này mà không thấy chính quyền địa phương có biện pháp gì can thiệp để bảo đảm an toàn cho người tham gia giao thông.
Liên quan đến vụ việc trên, bà Trần Thị Thanh Hồng - Phó chủ tịch UBND phường Thượng Thanh, quận Long Biên cho biết, sau khi nắm bắt được thông tin, phường đã cho các đơn vị nghiệp vụ vào cuộc xác minh, xử lý. Đồng thời bố trí lực lượng chức năng kiểm tra, ngăn chặn không cho người dân thả diều ở khu vực bãi đất trống (nơi xảy ra sự việc nêu trên).
Đây không phải là vụ tai nạn đầu tiên mà nguyên nhân là do thả diều trong khu dân cư. Trước đó, vào tối ngày 24/7/2022, anh N.Đ khi đang di chuyển từ Phủ Tây Hồ về phía Thụy Khuê thì bất ngờ bị sợi dây diều siết mạnh ngang cổ khiến xe máy đổ nhào, trượt một đoạn, còn da ở cổ bị rách một vệt dài.
Do đang đi với tốc độ khoảng 40km/h nên anh bị dây diều siết mạnh vào cổ, cảm giác da rách sâu, đồng thời xe cũng đổ nhào sang trái, trượt dài một đoạn, anh N.Đ cho biết.
Tương tự, chị Đ.L.H (sống ở quận Tây Hồ, Hà Nội) cho biết đã từng bị dây diều cứa ngang cổ khi đi qua đoạn đường gần khu vực cây cô đơn (thuộc bãi cỏ Phủ Tây Hồ, phường Quảng An, quận Tây Hồ, Hà Nội).
Chị H cho biết, khi chị đang đi xe máy thì thấy loáng thoáng sợi dây cước chắn ngang mặt. Sau đó, một bạn thiếu niên tầm 14-15 tuổi đã đưa tay thả diều lên nhưng phần cổ chị vẫn bị dây diều cứa vào da.
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Văn Đoàn (Hệ thống luật sư X) cho biết, việc thả diều trở nên phổ biến vào dịp hè. Tuy nhiên, đứng trước quá trình đô thị hóa, việc thiếu không gian vui chơi, giải trí khiến tình trạng thả diều tại các khu đô thị, nội đô ở Hà Nội và TPHCM gia tăng, kéo theo nhiều nguy hiểm và những hệ lụy khôn lường.
Thả diều từ một thú vui dân dã, nay có nguy cơ trở thành mối đe dọa thường trực đối với người dân, ảnh hưởng đường lưới điện. Theo quy định hiện hành, tùy vào mức độ thiệt hại, thì hành vi thả diều sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính, thậm chí còn bị khởi tố hình sự.
Theo đó, hành vi thả diều nếu gây tổn hại cho người khác thì theo điểm d, khoản 1, điều 7 của Nghị định 144/2021/NĐ-CP sẽ bị xử phạt từ 300.000-500.000 VNĐ.
Hành vi thả diều, bóng bay, các loại đồ chơi có thể bay ở khu vực cấm, khu vực mục tiêu được bảo vệ thì theo điểm d, khoản 2, điều 7 của Nghị định 144/2021/NĐ-CP, hành vi này sẽ bị xử phạt hành chinh từ 1.000.000 - 2.000.000 VNĐ
Mức xử phạt vi phạm hành chính mới nhất đối với hành vi thả diều gây chập điện theo quy định tại Điều 15 Nghị định 134/2013/NĐ-CP và khoản 18 Điều 2 Nghị định 17/2022/NĐ-CP là 5.000.000-10.000.000 VNĐ.
Trường hợp nếu hành vi thả diều gây ra thiệt hại thì tùy vào tính chất, mức độ thiệt hại có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 138 Bộ luật Hình sự 2015 về Tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác.
Hành vi thả diều gây chập điện nếu vi phạm quy định về an toàn vận hành công trình điện có thể bị xử lí theo điều 314 -Tội vi phạm quy định về an toàn vận hành công trình điện (Bộ luật Hình sự 2015).
Để tránh những sự việc đáng tiếc xảy ra, luật sư cũng khuyến cáo, người dân nên lựa chọn thả diều ở những nơi có không gian an toàn cho bản thân và những người xung quanh và không bị cấm. Có thể chọn những bãi đất rộng, những khoảng trống lớn, những nơi ít người qua lại, nơi không có dây diện hay nhà cao tầng, không gần hệ thống giao thông, đường xá…
Bên cạnh đó, cần tăng cường sự phối hợp giữa cơ quan chuyên môn. Trong đó, đẩy mạnh việc tuyên truyền các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác quản lý về các vật thể bay, các đồ chơi có thể bay như diều, flycam, máy bay đồ chơi bay được… đặc biệt là tuyên truyền giáo dục, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức của người dân đến việc sử dụng các đồ chơi, vật dụng có thể bay nói chung và việc thả diều nói riêng.
Xem thêm video được quan tâm:
Kinh hoàng hiện trường vụ chồng cũ gây thương tích cho vợ và con trai