Ngày Tết, ngoài váy mời, giày đẹp cho con, mẹ đừng quên dạy con những lời chúc ý nghĩa ngày xuân nhé!
Trong truyền thống đạo đức của người Phương Đông, chữ Hiếu là nhân đức hàng đầu. Từ thuở mới cắp sách tới trường, bài học đầu tiên của ông cha ta luôn là: Công cha như núi Thái Sơn / Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra / Một lòng thờ mẹ kính cha / Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con. Sự hiện diện của mỗi người trên cõi đời này không phải là một sự xuất hiện ngẫu nhiên mà là mắt xích của một chuỗi dài những mối liên hệ yêu thương từ bậc tổ tiên, ông bà, cha mẹ và giờ đây là các con… Người ta thường nói: chim có tổ, nước có nguồn, con người có tổ tiên là vậy. Vì thế mà các con luôn phải tỏ lòng biết ơn về công đức sinh thành, dưỡng dục của các bậc tiền nhân.
Và Tết này là một dịp để bày tỏ lòng hiếu nghĩa tới tổ tiên, ông bà. Ngoài lời cảm ơn, các con cần có những hành động cụ thể để tri ân ông bà như: bóp vai cho ông bà, rót nước, lấy tăm cho ông bà hay giúp đỡ ông bà khi cần thiết.
Miệng xinh chúc Tết
Người Việt ta luôn quan niệm rằng, ngày đầu năm nếu nhận được những lời chúc tốt lành, cả năm sẽ may mắn. Vì thế nên ngày đầu năm mỗi khi đi chúc Tết, sau lời chào hỏi người ta thường dành những lời chúc tốt đẹp dành cho nhau. Và tuỳ vào từng độ tuổi mà con có những lời chúc phù hợp. Với ông bà, có thể đó là câu chúc: “con chúc ông bà khỏe mạnh, sống lâu trăm tuổi”. Với người trung niên như cô chú, có thể là: “Con chúc cô (chú) sức khỏe dồi dào, làm ăn phát lộc phát tài”. Với những người làm nghề buôn bán thì lời chúc “buôn may bán đắt” là phù hợp và vui vẻ hai bên.
Khi nói lời chúc Tết, con nên nhìn thẳng vào mắt người được chúc với thái độ cung kính, lễ phép. Và ngược lại, khi con được nhận lại lời chúc từ người khác, con cũng nên tỏ thái độ vui mừng kèm lời cảm ơn chân thành. Nếu người lớn bắt tay, ôm hôn con thật tình cảm, con cũng nên đáp trả lại bằng khuôn mặt rạng rỡ. Và nhớ, dù đến nhà ai hay gặp người lớn ở đâu, các con cũng nên chủ động là người chào hỏi trước.
Cung kính nhận lì xì
Những chiếc phong bao lì xì màu đỏ hay tiền mừng tuổi có ý nghĩa như một món lộc trừ tai họa, mang lại may mắn mà người tặng thiện ý dành cho con. Vì thế nên khi nhận được những chiếc phong bao, con phải thật lòng cảm ơn người tặng bằng thái độ lễ phép: hai tay đón nhận phong bao và nói lời cảm ơn. Hãy cất bao lì xì vào túi áo chứ đừng mở trước mặt người tặng và không bình luận về số tiền mừng tuổi làm phật lòng người tặng. Như vậy con mới phải phép và nhận về cho mình những lộc may mắn.
Trân trọng khi tặng quà
Năm mới cũng là cơ hội tốt để con tặng quà cho người thân. Quà tặng đơn giản có thể là một tấm thiệp hay một bức tranh tặng ông bà, cha mẹ hay bạn bè. Và khi tặng quà, con nhớ phải tỏ lòng chân thành với người nhận.
Giữ im lặng khi nhà có khách
Khi có khách đến chơi nhà, các con hãy ngồi ngoan và giữ yên lặng trong khi cha mẹ trò chuyện. Con cũng có thể giúp cha mẹ mời khách bánh kẹo, hoa quả. Nếu có các em bé khác đến nhà thì con nên cho các bé chơi chung món đồ chơi hoặc nhường cho em. TRánh những cãi vã, tranh giành khiến ngày đầu Xuân không được vui con yêu nhé.
Đừng tự ý “xông đất” sáng mùng 1 Tết
Người Việt ta luôn quan niệm rằng, ngày mùng Một, ngày đầu tiên của một năm, nếu mọi việc diễn ra suôn sẻ, may mắn thì cả năm sẽ được tốt lành, thuận lợi. Người khách đến thăm nhà đầu tiên trong một năm cũng vì thế mà rất quan trọng. Bởi vậy, các chủ nhà thường tìm người nào vui vẻ, hoạt bát, đạo đức và làm ăn phát tài (nhiều người còn chọn người hợp tuổi với gia chủ) trong bà con, láng giềng để nhờ sang xông đất. Và tin tưởng rằng nhờ người xông đất này gia đạo mình sẽ may mắn trong suốt năm tới. Vì thế nên con hãy đừng bao giờ tự ý đi chúc Tết hoặc tự do sang nhà ai đó vào sáng mùng Một nếu không được gia chủ mời.
Trẻ con thường vui quá hóa quên. Khi nhận được tiền lì xì, có bé vui nên quên luôn việc cảm ơn, còn có bé vì bản tính e ngại, sợ đám đông đã không thể mở miệng ra cảm ơn người tặng lì xì. Để tạo không khí vui vẻ, không quá áp lực cho bé yêu, bạn nên làm gương cho con bằng cách chủ động cảm ơn người khác với thái độ trân trọng, vui tươi. Nhắc con cảm ơn người khác khi được tặng quà, được khen để bé có phản xạ. Giải thích việc cảm ơn của bé sẽ có ý nghĩa với người tặng như thế nào. Từ đó, bé sẽ dần hiểu lời cảm ơn một việc hoàn toàn tự nguyện, và vui vẻ.