Chứng khó tiêu chức năng hay còn gọi là chứng khó tiêu không có loét là dùng để mô tả một hội chứng có đau hoặc đầy tức khó chịu ở vùng thượng vị mà không có tổn thương của các cơ quan nội tạng trong cơ thể. Theo nghiên cứu, bệnh rất hay gặp, có tới 25% dân số mắc bệnh, tuy nhiên chỉ có một số ít trong những người này đi khám bệnh.
Ở nước ta, nhiều người thấy có các biểu hiện khó chịu nên tự mua thuốc loét dạ dày tá tràng để điều trị. Trong khi đó chứng khó tiêu chức năng có thể không dùng thuốc thì các triệu chứng vẫn giảm đi từng đợt rồi sau đó lại xuất hiện.
1. Nguyên nhân và yếu tố dẫn đến chứng khó tiêu chức năng
Người ta ghi nhận có nhiều yếu tố dẫn đến chứng khó tiêu chức năng trong đó thường thấy do các thói quen ăn uống không tốt, chẳng hạn như nhai không kỹ trước khi nuốt, ăn đêm và ăn quá nhanh, ăn nhiều tinh bột, lạm dụng chất béo, gia vị, ăn quá nhanh.
Lạm dụng các chất kích thích như: rượu, cà phê, thuốc lá, do nuốt nhiều không khí (trong và giữa các bữa ăn) cũng có thể dẫn đến tình trạng này.
Các rối loạn co bóp dạ dày tá tràng cũng dễ xảy ra, theo nghiên cứu có khoảng 30-50% những người bị bệnh quá trình tống thức ăn từ dạ dày xuống ruột của họ bị chậm lại, do thiếu mật giúp tiêu hóa chất béo...
Ngoài ra, các yếu tố về tâm lý xã hội như stress, căng thẳng, lo âu trong cuộc sống cũng làm cho nhiều người mắc bệnh, nhất là trong điều kiện áp lực cuộc sống hiện nay cũng gây ra tình trạng khó tiêu chức năng.
Tuy nhiên, đầy bụng khó tiêu còn là triệu chứng của các bệnh hệ tiêu hóa (như viêm loét dạ dày tá tràng, trào ngược dạ dày thực quản, ung thư dạ dày...); các bệnh rối loạn chuyển hóa (đái tháo đường, cường giáp); do nhiễm vi khuẩn H.Pylori hay do dùng thuốc chữa bệnh... vì vậy, người bệnh không tự chẩn đoán được.
2. Nhận biết chứng khó tiêu chức năng
Bệnh cảnh của chứng khó tiêu chức năng có thể biểu hiện các triệu chứng giống như có loét dạ dày tá tàng, người bệnh có các biểu hiện như: đau vùng thượng vị, đau khi đói, đau giảm đi khi ăn vào, đau có thể xuất hiện vào ban đêm làm bệnh nhân phải tỉnh giấc, đau có thể xuất hiện vào một thời điểm nhất định trong ngày.
Một số người bệnh biểu hiện bằng triệu chứng rối loạn co bóp như: bệnh nhân cảm giác ăn nhanh no, sau khi ăn thấy bụng tức nặng, có thể có buồn nôn hoặc nôn oẹ, ợ hơi, đầy chướng ở vùng thượng vị, các triệu chứng tăng lên sau khi ăn làm người bệnh ngại ăn uống.
Như vậy, để chẩn đoán chứng khó tiêu chức năng, tùy từng trường hợp cụ thể mà các bác sĩ có chỉ định phù hợp. Có thể sử dụng xét nghiệm công thức máu và xét nghiệm sinh hóa máu, siêu âm, nội soi dạ dày tá tràng. Các triệu chứng kéo dài 3 tháng gần nhất và xuất hiện ít nhất 6 tháng trước thời điểm chẩn đoán.
Tóm lại: Hiện nay vẫn chưa xác định được nguyên nhân của chứng khó tiêu chức năng nên điều trị chủ yếu là điều trị triệu chứng. Nếu người bệnh có vấn đề về thần kinh thì được khuyến cáo chữa trị các rối loạn thần kinh trước.
Chế độ ăn uống trong chứng khó tiêu rất quan trọng, nhiều người đã cải thiện đáng kể tình hình khi thay đổi một chế độ ăn thích hợp, chẳng hạn: hạn chế ăn thức ăn nhiều mỡ (chất mỡ gây nặng thêm tình trạng chậm làm trống dạ dày), ăn ít và chia ra nhiều bữa nhỏ, ăn uống đúng bữa. Thay vì ăn 3 bữa chính thì chia ra 5 - 6 bữa nhỏ, các nhóm thuốc giảm tiết acid dạ dày cũng được sử dụng cho bệnh nhân và nhiều trường hợp có kết quả tốt. Điều quan trọng người bệnh tuyệt đối không được tự ý sử dụng thuốc khi chưa có chỉ định.
Mời độc giả xem thêm video:
5 loại trái cây gây tăng cân nhanh hơn thịt mỡ