Dây bát còn gọi mãng bát, bình bát… Tên Đông y là hồng qua, tên khoa học Cociniagrandis L., là loại dây leo thuộc họ bầu bí.
Theo Đông y, dây bát có vị ngọt, tính mát. Tác dụng thanh nhiệt, mát phế, thanh vị, nhuận táo, sinh tân dịch, giải độc. Thường dùng chữa miệng khô khát uống nước nhiều, cầu táo khó, tiểu buốt, tiểu gắt, bí tiểu, người nóng nổi mụn nhọt…
Dây bát.
Lá và đọt non bát cái thường được người dân hái làm rau ăn, nấu canh tôm, cua, tép…, bổ mát. Xin giới thiệu một số cách chữa bệnh bằng dây bát:
Chữa đái tháo đường: kinh nghiệm dân gian, bà con thường hái lá đọt non dây bát khoảng 100g nấu canh, tôm hoặc cua, cá… Tuần ăn vài lần. Có tài liệu cho rằng dùng lá, đọt non, hoa, quả nấu canh hoặc ăn sống, xay nước uống thường ngày có thể giảm 50% liều thuốc tây trị đái tháo đường týp II nhẹ.
Chữa đái tháo đường kèm táo bón: rau bát, rau sam, rau dền mỗi vị 50g nấu canh cua, ăn tuần vài lần.
Chữa miệng khô khát, uống nhiều vẫn khát (phế nhiệt): rau bát, rau ngót, rau đay mỗi vị 50g nấu canh trai đồng hoặc canh hến, ăn tuần vài lần.
Chữa da khô nổi mụn nhọt: rau bát, mồng tơi, rau dấp cá, mỗi thứ 100g, nấu canh cá rô ăn tuần vài lần.
Chữa trĩ đi ngoài ra máu: rau bát 50g, rau dấp cá 30g, hoa mào gà 5g, xơ mướp 5g, nấu nước uống ngày 3 lần.
Chữa đái tháo đường kèm có tăng huyết áp: dây bát, cỏ mần trầu, dền gai mỗi vị 50g tươi hoặc phơi khô sắc nước uống thường xuyên.
Dây bát là món ăn vị thuốc bổ mát có thể sử dụng cho mọi lứa tuổi, hầu như không có tác dụng phụ. Tuy nhiên, dây bát tính hàn không nên dùng cho người tỳ vị hư hàn, bị tiêu chảy, ngoại cảm phong hàn.