Hà Nội

Day bấm huyệt chữa lạnh tay chân

SKĐS - Lạnh đầu chi y học hiện đại gọi là bệnh Raynaud. Sau đây là một số thủ pháp day bấm huyệt trị bệnh này.

Lạnh đầu chi y học hiện đại gọi là bệnh Raynaud. Người bệnh có biểu hiện co thắt từng cơn các mạch máu ở ngón tay hay ngón chân, có tính kịch phát. Bệnh chưa rõ căn nguyên và thường xảy ra ở phụ nữ. Một số nhà khoa học cho rằng do rối loạn hệ thần kinh trung ương điều khiển hoạt động của hệ thần kinh giao cảm, bị thiếu máu. Một số người khác lại cho rằng do rối loạn nội tiết.

5. Huyệt ủy trung và huyệt thừa sơn.

Các cơn co thắt thường có tính kịch phát khi gặp lạnh hay các kích động tâm lý. Lúc khởi đầu thường phát triển từ từ, chỉ xảy ra trong mùa lạnh khi ngâm tay trong nước lạnh; các ngón tay ngón chân trắng bệch sau có màu tím tái; các ngón tay lạnh, tê. Trong giai đoạn phục hồi, màu tím tái tan đi thay bằng màu đỏ tím, các ngón tay có cảm giác phỏng và đau nhức. Sau đây là một số thủ pháp day bấm huyệt trị bệnh này.

Vị trí huyệt

Hợp cốc: Khép ngón trỏ và ngón cái sát nhau, huyệt ở điểm cao nhất của cơ bắp ngón trỏ ngón cái.

Nội quan: Trên nếp gấp cổ tay 2 tấc, giữa cơ gan tay lớn và gan tay bé.

Khúc trì: Co khuỷu tay vào ngực, huyệt ở đầu lằn chỉ nếp gấp khuỷu, nơi bám của cơ ngửa dài, cơ quay 1, cơ ngửa ngắn khớp khuỷu.

Ủy trung: Ngay giữa lằn chỉ ngang nếp nhượng chân.

Túc tam lý: Úp lòng bàn tay vào giữa đầu gối, đầu ngón tay giữa chạm vào xương ống chân (xương chày), từ đó hơi dịch ra phía ngoài 1 ít là huyệt.

Thừa sơn: Ở giữa đường nối huyệt ủy trung và gót chân, dưới ủy trung 8 tấc, ngay chỗ lõm giữa 2 khe cơ sinh đôi ngoài và trong.

Cách thức tiến hành

Bước 1: Điểm huyệt chi trên: Người bệnh ngồi, người chữa dùng đầu ngón tay cái điểm các huyệt hợp cốc, nội quan, khúc trì, mỗi huyệt 1 phút. Người bệnh cảm giác đau và căng tại chỗ là được.

1. Huyệt hợp cốc

Bước 2: Điểm huyệt chi dưới: Người bệnh nằm sấp hoặc ngửa, người chữa đứng bên cạnh, dùng đầu ngón tay cái điểm các huyệt ủy trung, túc tam lý, thừa sơn, mỗi huyệt 1 phút.

Bước 3: Véo và bắt gió ở chi bị bệnh: Người chữa dùng ngón tay cái và ngón trỏ kẹp, bắt gió các gân và cơ các chi bị bệnh từ khuỷu tay đến đầu ngón tay hoặc từ đầu gối đến đầu ngón chân và từ ngoài vào trong. Tác động ở mức tối đa mà bệnh nhân chịu được. Lặp lại nhiều lần trong 3 phút.

Bước 4: Kéo ngón tay: Người bệnh nằm nghiêng, người chữa dùng ngón tay trỏ và ngón tay giữa làm cái kẹp, giữ 1 ngón tay hay 1 ngón chân của bệnh nhân ở gốc ngón. Sau đó vuốt, trượt nhanh ra đầu ngón. Lặp lại nhiều lần trong 1 phút.

2. Huyệt khúc trì.

Bước 5: Chà xát chi bị bệnh: Người bệnh nằm ngửa, người chữa đứng bên cạnh, dùng 2 bàn tay giữ lấy chi bị bệnh một cách đối xứng rồi làm động tác chà xát từ vai xuống đầu ngón tay hay từ đầu gối xuống đến đầu ngón chân. Thủ pháp cần phải nhanh, gọn và đều đặn. Lặp lại nhiều lần trong 5 phút.

3. Huyệt nội quan.

Người bệnh tự làm

Nhào và xoa chi bị bệnh: Người bệnh ngồi đặt lòng bàn tay này lên lòng bàn tay kia (hoặc lưng bàn tay) làm động tác nhào và xoa ngón tay hay bàn tay bị bệnh nhiều lần trong 5 phút. Lực tác động vừa phải, đủ sâu xuống các tổ chức dưới da và tạo ra được cảm giác ấm.

Vặn các ngón tay hay ngón chân bị bệnh: Người bệnh dùng ngón tay cái và 3 ngón kia làm thành cái kẹp giữ 1 ngón tay của bàn tay kia hay 1 ngón chân, làm động tác vặn qua vặn lại trái, phải, vừa vặn vừa kéo từ gốc ngón ra đầu ngón.

4. Huyệt túc tam lý.

Xoa bụng: Người bệnh nằm ngửa, hai chân co lại, xếp chồng 2 bàn tay, áp sát lên bụng, xoa quanh rốn từ phải sang trái. Lặp lại nhiều lần trong 5 phút.

Các thủ thuật trên nên làm mỗi ngày 1 lần. Trong mùa lạnh làm mỗi ngày 2 - 3 lần. Có thể làm giảm hoặc ngăn ngừa bệnh. Lực tác động phải thích hợp, tránh trầy xước da. Vào mùa lạnh nên tránh tiếp xúc nước lạnh. Luôn giữ cho chi bị bệnh được ấm.


Lương y Nguyễn Minh
Ý kiến của bạn