Yếu sinh lý là tình trạng không ham muốn về tình dục, thường gặp ở tuổi 40 trở lên, không chỉ nam giới mà cả nữ giới. Bệnh này cần phối hợp nhiều phương pháp điều trị như thuốc uống, dược thiện, châm cứu, xoa bóp...
Từ lâu y học cổ truyền đã biết sử dụng một số huyệt có công năng ích khí, trợ dương, bổ thận, điều hòa ngũ tạng phòng trị nhược dương, chữa yếu sinh lý. Mỗi ngày có thể thực hiện một vài lần bằng cách day ấn huyệt, cứu ấm để hỗ trợ phòng trị nhược dương cho cả nam và nữ rất hiệu quả, không có tác dụng phụ.
Dũng tuyền: chỗ lõm dưới bàn chân, 2/5 trước và 3/5 sau đường nối đầu ngón chân 2 và gót chân. Tác dụng: nâng cao phục hồi chính khí, giáng âm hỏa, định thần chí.
Day ấn huyệt Dũng tuyền.
Quan nguyên: trên đường giữa bụng, dưới rốn 3 tấc. Tác dụng: bổ thận, bổ khí, hồi dương, ôn điều huyết thất.
Khí hải: trên đường giữa bụng, đưới rốn 1,5 tấc. Tác dụng: điều khí, ích nguyên, bổ thận, hòa vinh huyết, ôn hạ tiêu.
Thận du: dưới mỏm ngang đốt sống thắt lưng L2 đo ngang ra 1,5 tấc. Tác dụng: ích thủy, tráng hỏa, điều thận khí, kiện gân cốt.
Mệnh môn: dưới mỏm ngang đốt sống thắt lưng L2. Tác dụng: bổ nguyên, bổ thận, cố tinh.
Thái khê: chỗ lõm giữa bờ sau mắt cá chân với gân gót. Tác dụng: tư thận, tráng dương, kiện gân cốt.
Day ấn huyệt Thái khê.
Ngoài huyệt cơ bản trên có thể gia giảm thêm một số huyệt để tăng tác dụng điều trị:
Nếu mỗi khi quan hệ không thấy khoái cảm do “tâm khí hư”: thêm huyệt có tác dụng định tâm an thần như tâm du, nội quan, thần môn…
- Tâm du: dưới gai sống lưng 5, đo ngang ra 1,5 tấc.
- Nội quan: trên cổ tay 2 tấc, dưới huyệt gian sử 1 tấc, giữa khe gân cơ gan tay lớn và bé.
- Thần môn: phía xương trụ, nằm trên lằn chỉ cổ tay, nơi chỗ lõm sát bờ ngoài gân cơ trụ trước và góc ngoài bờ trên xương trụ.
Dương vật khó cương do “can khí hư”: thêm huyệt tác dụng ích can khí, dưỡng huyết như can du, cách du, khúc tuyền.
- Can du: dưới gai sống lưng 9, đo ngang ra 1,5 tấc.
- Cách du: dưới gai đốt sống lưng 7, đo ngang ra 1,5 tấc.
- Khúc tuyền: ở đầu trong nếp gấp nhượng chân, nơi khe giữa của bờ trước gân cơ bán mạc và cơ thẳng trong.
Ăn kém, cơ nhẽo do “tỳ khí hư”: thêm huyệt tác dụng ôn bổ tỳ vị như tỳ du, túc tam lý, trung quản.
- Tỳ du: dưới gai sống lưng 11, đo ngang ra 1,5 tấc.
- Túc tam lý: úp lòng bàn tay vào giữa đầu gối, đầu ngón tay giữa chạm vào xương ống chân (xương chầy), từ đó hơi xịch ra phía ngoài một ít là huyệt.
- Trung quản: lỗ rốn thẳng lên 4 tấc hoặc lấy ở điểm giữa của đoạn thẳng nối rốn và đường gặp nhau của 2 bờ sườn.
Nếu khi quan hệ thở nhanh, ho vã mồ hôi do “phế khí hư: thêm huyệt có tác dụng bổ phế khí như phế du, chiên trung.
- Phế du: Dưới gai đốt sống lưng 3, đo ngang ra 1,5 tấc.
- Chiên trung: ở điểm gặp nhau của đường dọc giữa xương ức với đường ngang qua 2 đầu núm vú (nam) hoặc ngang qua bờ trên 2 khớp xương ức thứ 5 (nữ).
Khi quan hệ xuất tinh sớm do “thận khí hư”: thêm huyệt có tác dụng ôn bổ thận khí như chí thất, âm cốc.
- Chí thất: Dưới gai sống thắt lưng 2, ngang ra 3 tấc.
- Âm cốc: Ngồi thõng chân hoặc hơi co gối để nổi gân lên, huyệt ở đầu trong nếp gấp nhượng chân, sau lồi cầu trong xương chày.