Dấu xưa còn lại chút này

21-08-2011 8:24 AM | Xã hội

Năm 1813, vua Gia Long sai Nguyễn Văn Thành đắp đài Điện Hải và bảo An Hải (đài bên tả, bảo bên hữu cửa biển Đà Nẵng) để kiểm soát tàu thuyền ra vào, trấn giữ và tăng cường phòng thủ ở vùng cửa biển. Đến năm Minh Mạng thứ 4 (1823),

Theo các chuyên gia, nếu không kể Cố đô Huế thì thành Ðiện Hải (Ðà Nẵng) là di tích duy nhất về thành lũy kháng chiến chống Pháp còn lại ở miền Trung. Tháng 7/2008, khi chuẩn bị kỷ niệm 150 năm ngày Ðà Nẵng chống Pháp, trong lúc đào đất khôi phục di tích lịch sử thành Ðiện Hải, đơn vị thi công đã phát hiện một khẩu súng thần công ở độ sâu khoảng 2m, gần tượng danh tướng Nguyễn Tri Phương. Trước đó, đã bốn lần lực lượng công nhân đã khai quật được súng thần công và các hiện vật của quan quân triều Nguyễn trong những ngày đầu kháng Pháp như: sợi xích sắt bịt đồng, quả đạn bằng sắt… Những khẩu thần công này được xác định có niên đại từ thời Thiệu Trị thứ 7 (1874). Cùng với Nghĩa trủng Hoà Vang thì những khẩu thần công và những đoạn tường thành hiếm hoi còn sót lại của thành Ðiện Hải là chứng tích của một thời kỳ lịch sử đầy bi tráng mà ông cha ta đã dùng để đối đầu với “tàu đồng đạn sắt” của 150 năm về trước.

Chứng tích về những năm tháng hào hùng

Năm 1813, vua Gia Long sai Nguyễn Văn Thành đắp đài Điện Hải và bảo An Hải (đài bên tả, bảo bên hữu cửa biển Đà Nẵng) để kiểm soát tàu thuyền ra vào, trấn giữ và tăng cường phòng thủ ở vùng cửa biển. Đến năm Minh Mạng thứ 4 (1823), đài Điện Hải được dời về phía Nam (di tích hiện nay) do Phó đô thống chế Tả dinh quân thần sách Nguyễn Văn Trí chỉ huy 500 dân phu xây dựng. Đài được xây bằng gạch kiên cố, cao 12m, có 1 kỳ đài, 7 đại bác. Năm Minh Mạng thứ 15 (1835) đài được đổi tên là thành. Năm Thiệu Trị thứ 7 (1847), thành được xây dựng mới với chu vi lớn hơn: 139 trượng (556m), theo kiểu hình Vauban do kỹ sư Olivier Puymanuel người Pháp thiết kế; thành hình vuông có 4 góc lồi, cao 1 trượng 2 thước (gần 5m), hào sâu 7 thước (gần 3m), có 30 pháo đài và 30 súng đại bác. Thành có hai cửa, một cửa hướng Đông (nhìn xuống sông Hàn) và cửa chính phía Nam. Trong thành có hành cung, kỳ đài, nơi chứa lương thực, đạn dược, thuốc súng...

Năm 1840, khi Hồng Kông rơi vào tay người Anh, sau chuyến thị sát của Tham tri bộ công Nguyễn Công Trứ, hải lực phòng thủ của Đà Nẵng được tăng cường: mỗi tàu lớn đủ 100 lính thủy binh, 10 súng điểu thương, 10 đại bác và 15 ngọn giáo. Ngoài ra vua Minh Mạng còn cho tăng cường thêm 5 chiếc thuyền hạng lớn bọc đồng, 5 chiếc thuyền hạng vừa (theo sử sách thì 2 thành Điện Hải và An Hải được tăng cường hơn 600 quân trong năm 1840). Vua còn cử Tham tri bộ lễ Nguyễn Tri Phương vào làm Tuần vũ Nam Ngãi để trông coi việc phòng thủ Đà Nẵng. Đà Nẵng trở thành một đầu mối giao thông, một trung tâm quân sự, chính trị của triều Nguyễn và hải cảng Đà Nẵng là một mắt xích trọng yếu trong chiến lược phòng thủ mặt biển của triều đình Huế.

Chiều ngày 31/8/1858, mượn cớ vua Tự Đức sát hại và ngược đãi các giáo sĩ để xâm chiếm nước ta, liên quân Pháp - Tây Ban Nha với nhiều chiến hạm trang bị vũ khí tối tân và trên 2.000 quân lính dưới quyền chỉ huy của Rigault de Genouilly đã tiến đến cửa Hàn. Pháp đánh Đà Nẵng. Thành Điện Hải, An Hải nằm trong mục tiêu pháo kích, bị đại bác của địch ở các chiến hạm bắn phá. Đến chiều ngày 1/9/1858, Pháp đã chiếm giữ bán đảo Sơn Trà và thành An Hải, còn thành Điện Hải bị hư hại một phần nhưng quân ta vẫn làm chủ. Sáng 2/9/1858, quân Pháp-Tây Ban Nha đồng loạt nã pháo tấn công thành Điện Hải làm sập một góc thành. Sau nửa giờ chống trả quyết liệt, quân ta buộc phải rút lui vì thành bị hư hại nặng. Quân trong thành dùng vũ khí thô sơ, đại bác là loại gây tiếng nổ lớn và sát thương, quân lính chủ yếu dùng giáo dài, một số ít được trang bị súng điểu thương giống như súng kíp, không chống nổi vũ khí tối tân của địch.

Khi Thống chế Lê Đình Lý dẫn 2.000 quân tiếp viện từ Huế vào Đà Nẵng thì thành Điện Hải, An Hải đã mất. Ông chống địch ở làng Cẩm Lệ nhưng rồi hy sinh ở đây. Vua Tự Đức liền cử Nguyễn Tri Phương đang làm Kinh lược sứ ở lục tỉnh về làm Thống chế quân vụ Quảng Nam. Sau khi xây đồn Liên Trì, Nguyễn Tri Phương cho đắp một lũy đất chạy từ thành Điện Hải bao quanh các đồn Hải Châu, Phước Ninh, Thạc Gián, bên ngoài lũy là những hố sâu đào theo kiểu chữ phẩm, cắm đầy chông tre vót nhọn, phía sau lũy có quân mai phục, sẵn sàng chiến đấu. Dưới quyền chỉ huy của Thống chế Nguyễn Tri Phương, phòng tuyến Đà Nẵng được giữ vững, địch không thể mở rộng thêm vùng chiếm đóng.

R.d. Genouilly sau khi chiếm được thành Gia Định trở ra Đà Nẵng, ngày 20/4/1859 cho quân đổ bộ lên tả ngạn sông Hàn, tấn công dữ dội thành Điện Hải. Quân ta dưới sự chỉ huy của Thống chế Nguyễn Tri Phương anh dũng chiến đấu nhưng hoả lực của địch quá mạnh, buộc phải rút lui. Quân địch chiếm thành Điện Hải, đặt tại đây 5 khẩu đại bác 30 ly để làm bàn đạp đánh chiếm các phòng tuyến của ta. Ba năm đánh Đà Nẵng (từ 1858-1860), với tinh thần chiến đấu dũng cảm của quân dân ta, thực dân Pháp chẳng những đã không thực hiện được kế sách “đánh nhanh thắng nhanh” chiếm Đà Nẵng nhằm mở đường ra Huế mà còn bị hao tổn lực lượng, quân lính phần chết trận, phần chết dịch rất nhiều, cuối cùng phải rút khỏi Đà Nẵng ngày 23/3/1860.

Ngày nay Đà Nẵng vẫn còn những câu hò âm hưởng man mác buồn: Tai nghe súng nổ cái đùng/Tàu Tây vừa đến Vũng Thùng bậu (bạn) ơi. Suốt 3 năm ròng rã đánh thành Điện Hải, liên quân Pháp - Tây Ban Nha dù tàu to, súng lớn vẫn đành phải rút chạy và để lại một nghĩa địa (người dân quen gọi nghĩa địa Pháp - Y Pha Nho) nay đối diện với cổng cảng Tiên Sa. Nhưng nghĩa quân cũng hy sinh hơn 2.500 người, được mai táng tại hai Nghĩa trủng Hòa Vang và Nghĩa trủng Phước Ninh (Đà Nẵng).

Theo các chuyên gia, nếu không kể Cố đô Huế thì thành Điện Hải là di tích duy nhất về thành lũy kháng chiến chống Pháp còn sót lại ở miền Trung. Sự kiên gan của nghĩa quân nhà Nguyễn dưới sự chỉ huy của tướng Nguyễn Tri Phương tại thành Điện Hải đã góp phần buộc thực dân Pháp phải từ bỏ ý đồ chiến thuật “đánh nhanh thắng nhanh” và phải chuyển sang đánh lâu dài với nhiều khó khăn, tốn kém và tổn thất, mà chúng gọi là “sự chinh phục bằng những gói nhỏ”.

 Hai đoạn tường thành còn lại của thành Điện Hải.

Gìn giữ cho mai sau

Ngày nay, tại Đà Nẵng còn lưu giữ các di tích liên quan đến cuộc chiến giữ nước vẻ vang này như Đồi hài cốt, thành Điện Hải, Nghĩa trủng Hòa Vang, Nghĩa trủng Phước Ninh (chỉ còn 2 ngôi mộ và bia tưởng niệm). Nghĩa trủng Hòa Vang tại phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ được coi là di tích trọn vẹn nhất, còn những thông tin đáng lưu ý nhất dù đã được di dời nhiều lần trong thế kỷ trước.

Đây là nghĩa trủng được quy tập và xây dựng vào năm “Tự Đức thứ 19, tháng Năm, ngày tốt” tại Trủng Bò. Năm 1940, Pháp xây dựng sân bay phải di dời ra vườn ông Bá (Khuê Trung). Năm 1962, sân bay Đà Nẵng mở rộng lại phải di dời lần nữa về địa điểm hiện nay, cạnh nhà thờ tiền hiền làng Khuê Trung. Theo lời kể của những bậc cao niên, từ những ngôi mộ bằng đất, nhân dân Hòa Cường, Khuê Trung đã vận động đóng góp công của để xây lại bằng xi măng và trích 2 mẫu ruộng công lo cúng tế hằng năm... Hiện ở Nghĩa trủng Hòa Vang vẫn còn lại hai câu đối: Người xưa đã xa rồi, nay dựng tượng đài mà vẫn bàn đến đời của họ và nghĩ đến con người thời ấy/ Tổ quốc thiêng liêng với những chí sĩ anh hùng thời ấy, noi dấu đời trước để chấp cánh cho đời sau.

Hiện thành Điện Hải được trùng tu, khôi phục hai bờ thành còn khá nguyên vẹn, phục dựng 4 tháp canh đặt bốn góc và hai cổng thành phía Đông và Nam, làm lại bờ hào để trồng các loại hoa sen, súng. Thành phố đã duyệt kinh phí 5,4 tỉ đồng khôi phục lại những dấu tích còn lại của thành Điện Hải và xây dựng mới Bảo tàng Đà Nẵng phía trong khuôn viên thành nhằm phục vụ người dân và sẽ là một điểm tham quan chính của thành phố. Đây sẽ là nơi giới thiệu lịch sử hình thành nên đất và người Đà Nẵng, hệ thống phòng thủ ở Đà Nẵng buổi đầu chống Pháp, góp phần giáo dục các thế hệ niềm tự hào về truyền thống đi đầu đánh giặc ngoại xâm của Đà Nẵng.

Tượng đài của tướng quân Nguyễn Tri Phương đã được dựng tại đây để ghi nhớ một giai đoạn lịch sử hào hùng của thành phố nay vẫn uy nghi giữa sân bên trong thành. Nhiều năm nay thành Điện Hải nằm lọt thỏm giữa khu dân cư, xung quanh có những tòa nhà lớn che khuất, nhưng nay nó đã được trả lại một bộ mặt mới, khang trang và đẹp đẽ hơn. Với những khẩu thần công cùng một số vật dụng khai quật được trong quá trình trùng tu, một bảo tàng ngoài trời tái hiện lại một giai đoạn hào hùng trong lịch sử dân tộc cũng sẽ được phục dựng. Quá khứ sẽ không bị lãng quên một khi nó vẫn hoà trong dòng chảy của cuộc sống đương đại.          

  Bài và ảnh:Hà An


Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn
BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ: HOẠT ĐỘNG CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH THÔNG TIN Y TẾ 63 TỈNH, THÀNH