1. Đau vùng chậu biểu hiện như thế nào?
Khung chậu là khu vực của cơ thể bên dưới bụng. Có nhiều cơ quan và cấu trúc khác nhau trong khung chậu, bao gồm mạch máu, dây thần kinh, cấu trúc sinh sản, cấu trúc bàng quang và tiết niệu, ruột và trực tràng.
Đau vùng chậu thường được mô tả là cảm giác đau âm ỉ, đau hoặc đè ép ở vùng bụng dưới rốn. Cơn đau có thể liên tục, hoặc có thể xuất hiện trong một thời gian ngắn rồi khỏi và có thể kèm theo một số triệu chứng khác như: ra máu âm đạo bất thường, tiết dịch âm đạo, đau lưng, mệt mỏi…
Đau vùng chậu có thể ảnh hưởng đến cả phụ nữ và nam giới và có thể liên quan đến bất kỳ cấu trúc nào trong khoang bụng. Ở phụ nữ, nó thường liên quan đến cơ quan sinh sản nữ (chẳng hạn như lạc nội mạc tử cung hoặc thai ngoài tử cung). Ngoài ra, nó cũng có thể liên quan đến thận, bàng quang hoặc đường tiêu hóa.
2. Nguyên nhân gây đau vùng chậu ở phụ nữ
Một số nguyên nhân gây đau vùng chậu phổ biến có liên quan đến cơ quan sinh sản ở phụ nữ, bao gồm:
2.1. Đau bụng kinh
Đau bụng kinh là nguyên nhân phổ biến gây đau vùng chậu. Cơn đau bụng kinh thường xuất hiện trước khi bắt đầu kỳ kinh, do tử cung co lại và bong ra lớp niêm mạc. Cảm giác đau có thể tương tự như co thắt cơ hoặc đau nhói.
2.2. Do rụng trứng
Khi một người rụng trứng, buồng trứng sẽ giải phóng một quả trứng và một số chất lỏng khác. Sau đó, trứng sẽ đi xuống ống dẫn trứng và vào tử cung. Chất lỏng do buồng trứng tiết ra cũng có thể xâm nhập vào khoang bụng và xương chậu, có thể gây kích ứng, gây đau vùng chậu.
Cảm giác khó chịu có thể kéo dài vài phút hoặc vài giờ, và nó có thể chuyển đổi bên của cơ thể, tùy thuộc vào buồng trứng đã giải phóng trứng. Cơn đau là tạm thời và không cần điều trị cụ thể.
2.3. Các bệnh lây truyền qua đường tình dục
Đau vùng chậu có thể cho thấy sự hiện diện của các bệnh lây truyền của đường tình dục như bệnh lậu hoặc chlamydia.
Cùng với đau vùng chậu, các triệu chứng khác của bệnh lây truyền qua đường tình dục có thể kèm theo các triệu chứng khác như: đi tiểu đau, chảy máu giữa kỳ kinh và thay đổi dịch tiết âm đạo.
2.4. Viêm vùng chậu
Viêm vùng chậu là một bệnh nhiễm trùng trong tử cung có thể làm tổn thương các mô xung quanh. Viêm vùng chậu có thể phát sinh nếu vi khuẩn từ âm đạo hoặc cổ tử cung xâm nhập vào dạ con (tử cung).
Nguyên nhân gây viêm vùng chậu thường do biến chứng của bệnh lây truyền qua đường tình dục như bệnh lậu hoặc chlamydia. Phụ nữ có thể gặp các triệu chứng khác cùng với đau vùng chậu, bao gồm ra máu và tiết dịch âm đạo bất thường.
Căn bệnh này cũng khiến người bệnh gặp khó khăn khi mang thai và có thể làm tăng nguy cơ vô sinh ở phụ nữ. Do đó cần được điều trị sớm.
2.5. Dính vùng chậu
Dính vùng chậu là mô sẹo có thể hình thành do nhiễm trùng cũ, lạc nội mạc tử cung, phẫu thuật trước đó hoặc các vấn đề khác trong khu vực. Dính vùng chậu có thể dẫn đến đau vùng chậu mạn tính ở một số phụ nữ và chúng có thể gây ra các triệu chứng khác, tùy thuộc vào vị trí mô sẹo xuất hiện.
2.6. Lạc nội mạc tử cung
Lạc nội mạc tử cung có thể gây đau vùng chậu mạn tính, kéo dài ở một số phụ nữ. Khi kỳ kinh bắt đầu, các mô bên ngoài tử cung sẽ phản ứng với những thay đổi nội tiết tố, có thể gây chảy máu và viêm nhiễm vùng chậu.
Biểu hiện lâm sàng của lạc nội mạc tử cung điển hình là đau bụng trước kỳ kinh nguyệt, thậm chí kéo dài cho đến nửa sau của chu kỳ kinh nguyệt.
Tuy nhiên cũng có nhiều trường hợp, triệu chứng không rõ ràng, có thể chỉ có biểu hiện đau vùng chậu lắt nhắt, đau lưng hoặc đau khi quan hệ tình dục, đầy hơi, chướng bụng, tiêu chảy, ra nhiều máu kinh…
Lạc nội mạc tử cung có thể gây khó khăn cho việc thụ thai và dẫn đến vô sinh. Vì vậy, khi có dấu hiệu đau bụng phụ nữ cần đi khám và điều trị kịp thời để tránh ảnh hưởng xấu đến chức năng sinh sản.
2.7. Mang thai ngoài tử cung
Mang thai ngoài tử cung xảy ra khi phôi thai tự làm tổ ở bất kỳ vị trí nào bên ngoài tử cung và phát triển. Đây là trường hợp cấp cứu cần được được xử trí sớm. Nếu để muộn quá, khối thai ngoài tử cung có thể bị vỡ, máu chảy ồ ạt sẽ dẫn đến các biến chứng nguy hiểm, thậm chí tử vong.
Dấu hiệu thai ngoài tử cung thường có biểu hiện: đau bụng âm ỉ ở một bên vùng bụng dưới rốn, chảy máu âm đạo, chậm kinh, thử nước tiểu cho thấy dấu hiệu có thai, thậm chí có thể gặp các dấu hiệu ốm nghén…
Nếu có cơn đau dữ dội, da xanh xao và cảm giác mệt lả người hay ngất xỉu là dấu hiệu khối thai bị vỡ, có thể gây chảy máu nhiều trong ổ bụng, rất nguy hiểm nếu không được cấp cứu kịp thời.
2.8. U nang buồng trứng
Ở giai đoạn đầu, u nang buồng trứng tiến triển rất âm thầm. Khi bệnh phát triển nặng lên, chị em sẽ thấy xuất hiện những cơn đau ở lưng, bụng, đau vùng xương chậu, đau khi quan hệ tình dục, rối loạn kinh nguyệt…
Khi khối u nang buồng trứng to dần lên sẽ chèn ép lên các cơ quan khác, gây ra cảm giác khó chịu trong tử cung, buồng trứng, với các biểu hiện như đau tức bụng, đau mỏi vùng xương chậu.
U nang buồng trứng không quá nguy hiểm, nhưng nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời thì có thể phát triển rất nhanh, cản trở sự phát triển của các nang trứng tiếp theo, thậm chí chèn ép vào các cơ quan khác. Nguy hiểm nhất là khối u nang buồng trứng có thể bị xoắn, vỡ gây xuất huyết, nhiễm trùng buồng trứng, vô sinh…
2.9. U xơ tử cung
U xơ tử cung là khối u vùng chậu phổ biến, hầu hết là lành tính. Tuy nhiên, không phải tất cả phụ nữ bị u xơ tử cung đều có triệu chứng. Ở một số chị em, các triệu chứng có thể bao gồm: đau âm ỉ ở vùng bụng dưới, kinh nguyệt ra nhiều, đầy hơi, đau khi đại tiện, tiểu tiện hoặc khi quan hệ tình dục…
Tuy lành tính nhưng u xơ tử cung nếu không được phát hiện sớm sẽ phát triển với kích thước lớn, gây nhiều biến chứng. Vì vậy người bệnh nên đi khám và điều trị sớm khi có dấu hiệu mắc u xơ tử cung.
Xem thêm video đang được quan tâm
Tự ý sử dụng thuốc điều trị béo phì có hại không?