Đau vùng chậu mạn tính: Có thể là dấu hiệu bệnh nguy hiểm

01-12-2019 07:20 | Đời sống
google news

SKĐS - Nếu một phụ nữ bị đau ở vùng chậu trong khoảng 6 tháng trở lên có thể coi là đau vùng chậu mạn tính. Dấu hiệu này có thể là triệu chứng của một số bệnh nguy hiểm...

Đau vùng chậu (vùng dưới rốn và giữa hông) kéo dài từ 6 tháng trở lên được coi là đau vùng chậu mạn tính. Cơn đau có thể bất chợt đến và đi, đôi khi nó có thể xảy ra trong thời kỳ kinh nguyệt hoặc vào một số thời điểm nhất định như trước hoặc sau khi ăn, trong khi đi tiểu hoặc trong khi quan hệ tình dục. Điều quan trọng là nguyên nhân của cơn đau cần được xác định để có phương án điều trị thích hợp.

Lạc nội mạc tử cung

Lạc nội mạc tử cung có thể gây vô sinh do khả năng làm tổn thương vòi trứng và ống dẫn trứng, dẫn đến cản trở nhu động ống dẫn trứng và làm rối loạn sự phóng noãn. Triệu chứng phổ biến nhất của lạc nội mạc tử cung là đau vùng chậu mạn tính, đặc biệt là ngay trước và trong kỳ kinh nguyệt. Ngoài ra, các cơn đau cũng xảy ra khi quan hệ tình dục. Nếu xuất hiện ở bàng quang, phụ nữ thường cảm thấy đau khi đi tiểu. Bên cạnh đó, máu kinh ra nhiều bất thường cũng là một triệu chứng khác của lạc nội mạc tử cung.

Bệnh lý cơ xương khớp

Thường gặp trong các trường hợp căng cơ vùng bụng hay vùng lưng, thoát vị đĩa đệm. Ngoài triệu chứng đau bụng dưới, người bệnh kèm theo đau khi thay đổi tư thế, đôi lúc ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống, giới hạn các động tác của cơ thể.

Đau vùng chậu mạn tínhViêm bàng quang kẽ gây đau mạn tính vùng chậu.

Bệnh cơ tuyến tử cung

Bệnh cơ tuyến tử cung (Adenomyosis) là tình trạng mô tuyến của nội mạc tử cung hiện diện bên trong cơ của thành tử cung. Bình thường biểu mô tuyến chỉ có ở lớp nội mạc tử cung, có chu kỳ phát triển và thoái triển theo chu kỳ hormon sinh dục nữ, tạo ra hiện tượng kinh nguyệt. Trong một số trường hợp, khi mô tuyến này lạc vào trong cơ tử cung sẽ tạo ra tình trạng bệnh lý bất thường với triệu chứng phổ biến nhất là đau bụng dưới theo chu kỳ kinh nguyệt. Bệnh cơ tuyến tử cung không phải là lạc nội mạc tử cung (endometriosis), cũng không phải là u xơ, u cơ tử cung (myoma).

Viêm bàng quang kẽ

Viêm mô kẽ bàng quang là một tình trạng viêm bàng quang mạn tính. Nguyên nhân do nhiễm trùng, nhiễm nấm, quan hệ tình dục không an toàn. Người bệnh đau bụng dưới không điển hình, kèm theo triệu chứng rối loạn đi tiểu, nước tiểu có mùi hôi. Phụ nữ ở độ tuổi 30- 40 có nguy cơ mắc bệnh này cao hơn. Các triệu chứng khác bao gồm đau và khó chịu khi đi tiểu hoặc trong khi quan hệ tình dục.

Nhiễm trùng đường tiết niệu

Phụ nữ dễ bị nhiễm trùng tiểu hơn nam giới. Các triệu chứng của nhiễm trùng đường tiết niệu bao gồm: Đau và nóng rát khi đi tiểu; Cảm giác tức ở khung chậu dưới; Thường xuyên đi tiểu; Nước tiểu đục, đôi khi có sự hiện diện của máu; Đau lưng dưới; Nước tiểu có mùi hôi.

Bệnh viêm vùng chậu

Viêm vùng chậu mạn tính thường là hậu quả của ứ dịch vòi trứng, nang vòi trứng - buồng trứng hay dính vùng chậu. Các triệu chứng có thể có là: Đau khi quan hệ tình dục; Đau vùng chậu hoặc đau bụng ở một khu vực cụ thể hoặc lan rộng hơn; Dịch âm đạo có kết cấu, màu sắc hoặc mùi khác thường; Thường xuyên mót tiểu kèm với đau; Co thắt cơ nghiêm trọng hơn trong kỳ kinh nguyệt; Mệt mỏi, buồn nôn và sốt.

Hội chứng tắc nghẽn vùng chậu

Các tĩnh mạch trong khung chậu bị chèn ép và giãn do máu bị chặn gây ra các triệu chứng sau: Đau ở vùng xương chậu trở nên trầm trọng hơn khi đứng hoặc ngồi; Cơn đau bắt đầu trước chu kỳ kinh nguyệt vài ngày; Đau giảm bớt khi nằm; Đau lan từ phần dưới thắt lưng xuống chân; Đau khi giao hợp.

Hội chứng ruột kích thích

Đây là một rối loạn đường tiêu hóa và chức năng mạn tính gây đau bụng, tiêu chảy, co thắt và đầy hơi. Các triệu chứng khác là táo bón, đầy hơi, không tự chủ và đau thường giảm sau khi đã đi đại tiện.

Cơ vùng chậu yếu

Khi dây chằng và cơ vùng chậu yếu, dẫn đến các cơ quan như bàng quang, tử cung hoặc trực tràng dễ bị di chuyển khỏi vị trí bình thường và sa vào âm đạo. Các triệu chứng của tình trạng này bao gồm vấn đề với nhu động ruột, đau khi giao hợp, đau ở vùng thắt lưng, cảm giác có thứ gì đó sa ra khỏi âm đạo và rò rỉ khi bạn đi tiểu.

Điều trị

Mục tiêu chính của điều trị là giảm các triệu chứng bệnh nhân gặp phải và cải thiện chất lượng cuộc sống của họ. Do đó tùy theo nguyên nhân gây đau ở vùng chậu mà bác sĩ có thể kê đơn thuốc như thuốc giảm đau, liệu pháp hormone, kháng sinh hay thuốc chống trầm cảm...; Các phương pháp trị liệu như vật lý trị liệu, kích thích tủy sống, tiêm điểm kích hoạt và tâm lý trị liệu để đối phó với cơn đau và các triệu chứng kèm theo khác của tình trạng này.

Phẫu thuật cũng có thể được chỉ định để khắc phục vấn đề dựa trên nguyên nhân cơ bản của tình trạng người bệnh.


BS. Nguyễn Anh Thư
Ý kiến của bạn