Đau vú trong chu kỳ kinh nguyệt có đáng lo?

09-06-2022 07:53 | Sức khỏe sinh sản
google news

SKĐS - Đau vú, căng tức vú là một trong những biểu hiện thường gặp ở phụ nữ trong chu kỳ kinh nguyệt. Tình trạng này gây khó chịu và lo lắng cho nhiều chị em. Vậy nguyên nhân gây đau vú là gì và nó có nguy hiểm không?

1. Nguyên nhân gây đau vú trong chu kỳ kinh nguyệt

Trong chu kỳ kinh nguyệt, cơ thể người phụ nữ trải qua những thay đổi về mức độ hormone, đau bụng kinh và đau vú.

Bạn có thể bị chuột rút ở bụng, đau vú hoặc căng tức vú liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt. Loại đau vú này được gọi là đau vú theo chu kỳ, nó đến và đi cùng với chu kỳ kinh nguyệt hoặc khi phản ứng với thuốc tránh thai.

Đối với phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, mỗi tháng hệ thống sinh sản chuẩn bị cho khả năng mang thai. Nồng độ estrogen tăng đến một điểm cụ thể, sau đó tuyến yên báo hiệu sản xuất hormone, kích thích rụng trứng. Nếu trứng không được thụ tinh, niêm mạc tử cung sẽ bị rụng trong thời kỳ kinh nguyệt.

Ngay trước kỳ kinh, khi mức progesterone bắt đầu giảm, cơn đau hoặc căng tức vú có thể tăng lên cho đến khi kỳ kinh bắt đầu. Khi chu kỳ kinh nguyệt kết thúc, cơn đau vú thường sẽ giảm dần.

Những thay đổi về nồng độ hormone này ảnh hưởng rất nhiều đến cơn đau vú theo chu kỳ.

Khi đau vú theo chu kỳ, cơn đau có xu hướng ở cả hai bên vú. Với chứng đau vú không theo chu kỳ, cơn đau thường là một bên vú.

BS Nguyễn Xuân
https://suckhoedoisong.vn/nguyen-nhan...

2. Những yếu tố có thể gây đau vú

Một số phụ nữ dễ bị đau vú theo chu kỳ hơn những người khác. Có một số yếu tố có thể ảnh hưởng đến cơn đau vú bao gồm:

Chuẩn bị cho con bú: Bầu vú có thể tạo sữa để nuôi dưỡng em bé vào cuối thai kỳ đủ tháng. Các thùy và ống dẫn sữa phản ứng với sự thay đổi nội tiết tố hàng tháng bằng cách sưng lên, có thể gây đau vú.

Nhạy cảm do áp lực: Ngực to lên trong chu kỳ kinh nguyệt có thể đè lên các cấu trúc khác bên trong vú, chẳng hạn như u nang, u xơ (khối u không phải ung thư), dây thần kinh, dây chằng và cơ. Các cấu trúc bên dưới có thể ảnh hưởng đến cơn đau vú theo chu kỳ.

Mang thai: Đau vú là tình trạng phổ biến khi mang thai. Khi mang thai làm gián đoạn chu kỳ hàng tháng bình thường, ngực sẽ đáp ứng với mức progesterone duy trì bằng cách trưởng thành hoàn toàn trong chín tháng tiếp theo. Đau và căng vú là kết quả phổ biến.

Mất cân bằng nội tiết tố: Nghiên cứu cho thấy, một số người bị đau vú theo chu kỳ có ít progesterone và nhiều estrogen hơn trong nửa sau của chu kỳ kinh nguyệt. Các nghiên cứu khác cũng phát hiện ra rằng đau vú có thể do mức độ cao bất thường của prolactin, một loại hormone ảnh hưởng đến quá trình tiết sữa (sản xuất sữa).

Tiền mãn kinh: Phụ nữ tiền mãn kinh có thể bị đau vú theo chu kỳ một cách đều đặn. Thông thường, tình trạng khó chịu ở vú xảy ra trước kỳ kinh nguyệt. Bạn có thể cảm thấy vú đau nhức, nặng, mềm, đầy, sưng lên…

Hội chứng tiền kinh nguyệt: Đau vú thường là một trong những biểu hiện của hội chứng tiền kinh nguyệt. Các triệu chứng của hội chứng tiền kinh nguyệt cũng bao gồm mệt mỏi, khó chịu và mức độ hormone bất thường.

Cảm giác khó chịu thường bắt đầu một vài ngày trước khi kỳ kinh của bạn bắt đầu và có thể tiếp tục cho đến khi kỳ kinh của bạn kết thúc, tuy nhiên mức độ giảm dần.

Thuốc tránh thai: Các hormone trong thuốc tránh thai có thể ảnh hưởng đến vú theo những cách khác nhau. Đôi khi, chúng có thể gây ra đau và căng vú.

Đau vú trong chu kỳ kinh nguyệt có đáng lo? - Ảnh 4.

Những thay đổi về nồng độ hormone ảnh hưởng đến cơn đau vú theo chu kỳ kinh nguyệt.

3. Đau vú có nguy hiểm không, khi nào cần đi khám?

Theo các chuyên gia về sức khỏe sinh sản, đau vú theo chu kỳ kinh nguyệt có thể kéo dài trong một tuần hoặc lâu hơn, từ khi rụng trứng cho đến khi bắt đầu hành kinh. Khi chu kỳ kinh nguyệt kết thúc, cơn đau vú thường sẽ giảm dần.

Bạn có thể giảm cảm giác khó chịu bằng cách chườm ấm, mặc áo ngực vừa vặn để nâng đỡ ngực…

Đau vú theo chu kỳ có thể được coi là bình thường. Tuy nhiên, bạn cần đi khám nếu như có những biểu hiện sau:

- Cơn đau vú trở nên nghiêm trọng làm ảnh hưởng đến sinh hoạt.

- Da trên vú đỏ và có cảm giác ấm khi chạm vào. Đây có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng da ở vú.

- Bạn phát hiện thấy có xuất hiện cục u mới trên hoặc trong vú của mình.

- Cơn đau vú kết hợp với sự thay đổi da, tiết dịch ở núm vú hoặc những thay đổi khác ở núm vú…

Khi có những dấu hiệu trên, bạn nên đi khám bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán chính xác và can thiệp kịp thời nếu những bất thường ở vú có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.

Đau vú trong chu kỳ kinh nguyệt có đáng lo? - Ảnh 5.

Bạn cần đi khám khi bị đau vú kèm theo những bất thường khác ở vú.

Chu kỳ kinh nguyệt nói lên điều gì về sức khỏe của phụ nữ?Chu kỳ kinh nguyệt nói lên điều gì về sức khỏe của phụ nữ?

SKĐS - Chu kỳ kinh nguyệt có thể cho phụ nữ biết nhiều điều về sức khỏe. Khoảng thời gian đều đặn giữa tuổi dậy thì và mãn kinh có nghĩa là cơ thể đang hoạt động bình thường.

Xem thêm video đang được quan tâm

WHO Cảnh Báo: Virus Đậu Mùa Khỉ Có Thể Đã m Thầm Lây Lan Rộng | SKĐS


Vân Anh
Ý kiến của bạn