Đau vú sau khi kỳ kinh nguyệt có nguy hiểm không?

05-04-2025 07:35 | Sức khỏe sinh sản
google news

SKĐS - Nhiều phụ nữ thấy vú đau trong những ngày trước kỳ kinh nguyệt và cơn đau thường biến mất ngay sau khi kỳ kinh bắt đầu. Tuy nhiên, một số phụ nữ thấy cơn đau vẫn tiếp diễn ngay cả sau khi kỳ kinh đã kết thúc.

Đau vú sau kỳ kinh nguyệt là tình trạng đau, căng tức hoặc khó chịu ở một hoặc cả hai bên vú sau khi kỳ kinh nguyệt đã kết thúc. Mức độ đau khác nhau ở mỗi người, từ nhẹ đến dữ dội và có thể kèm theo cảm giác sưng hoặc nặng ở vú.

Việc xác định nguyên nhân gây đau vú sau kỳ kinh nguyệt là quan trọng để có hướng xử lý phù hợp.

1. Đau vú theo chu kỳ kinh nguyệt và không theo chu kỳ kinh nguyệt

Đau vú sau khi kỳ kinh nguyệt có nguy hiểm không?- Ảnh 1.

Đau vú là một vấn đề phổ biến ở phụ nữ có thể gây khó chịu và lo lắng.

Đau vú (đau ngực) là một vấn đề phổ biến ở phụ nữ có thể gây khó chịu và lo lắng. Có hai loại đau vú chung là đau theo chu kỳ kinh nguyệt và đau không theo chu kỳ kinh nguyệt.

Đau vú theo chu kỳ xảy ra theo các khoảng thời gian đều đặn và liên quan đến những thay đổi về hormone xảy ra trong suốt chu kỳ kinh nguyệt.

Nồng độ estrogen tăng lên vào nửa sau của chu kỳ kinh nguyệt. Sự gia tăng này có thể kích thích mô vú, gây đau và sưng. Nồng độ estrogen cũng đạt đỉnh vào giữa nửa đầu của chu kỳ kinh nguyệt, trước khi rụng trứng. Điều này có thể gây ra đau ngực theo chu kỳ, trở nên tồi tệ hơn sau kỳ kinh.

Đau vú theo chu kỳ là loại đau ngực phổ biến nhất ở phụ nữ tiền mãn kinh. Đau vú thường là theo chu kỳ nếu:

  • Xuất hiện vào cùng một thời điểm mỗi tháng;
  • Ảnh hưởng đến cả hai bên vú;
  • Khiến vú có cảm giác lồi lõm hơn.

Đau vú không theo chu kỳ không liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt, do đó không liên quan đến bất kỳ kiểu đau cụ thể nào. Đau có thể liên tục hoặc không liên tục và thường chỉ ảnh hưởng đến một bên vú.

2. Nguyên nhân đau vú theo chu kỳ kinh nguyệt và không theo chu kỳ kinh nguyệt

Đau vú theo chu kỳ kinh nguyệt đôi khi có thể gây đau vú sau khi kết thúc kỳ kinh. Đây có thể là kết quả của mức estrogen đạt đỉnh trong nửa đầu của chu kỳ kinh nguyệt. Tuy nhiên, đau vú sau khi kết thúc kỳ kinh xảy ra vì nhiều lý do khác:

Mang thai

Mang thai kích hoạt những thay đổi về hormone có thể khiến ngực bị sưng và nhạy cảm. Phụ nữ có thể không biết rằng đang mang thai, đặc biệt là nếu nhầm lẫn giữa việc ra máu báo thai sớm hoặc chảy máu do làm tổ với kỳ kinh. Những loại chảy máu này thường gặp trong giai đoạn đầu của thai kỳ.

Một số triệu chứng có thể khác của thai kỳ sớm bao gồm:

  • Buồn nôn hoặc nôn;
  • Mệt mỏi;
  • Đi tiểu thường xuyên hơn, đặc biệt là vào ban đêm;
  • Tăng tiết dịch âm đạo;
  • Táo bón;
  • Vị giác, mùi và thèm ăn bất thường...

Vì vậy, phụ nữ nên thử thai, điều này đặc biệt quan trọng nếu đang gặp các triệu chứng có thể khác của thai kỳ.

Tác dụng phụ của thuốc

Một số loại thuốc có thể gây đau vú bao gồm:

  • Thuốc điều trị thay thế hormone có thể gây đau vú theo chu kỳ;
  • Một số phương pháp điều trị hormone;
  • Thuốc kháng sinh;
  • Một số thuốc chống trầm cảm.

Phụ nữ nên trao đổi với bác sĩ nếu cơn đau vú trùng với thời điểm dùng một loại thuốc mới.

Đau vú sau khi kỳ kinh nguyệt có nguy hiểm không?- Ảnh 3.

Phụ nữ nên đi khám vú khi thấy đau vú bất thường.

Chấn thương ngực hoặc cơ

Chấn thương ở ngực có thể gây đau ở một hoặc cả hai bên, tùy thuộc vào vị trí chấn thương. Đôi khi, chấn thương ở một trong những vùng có thể gây đau quanh vùng ngực như ngực, vai, cánh tay.

Viêm vú

Viêm vú là tình trạng viêm mô vú có thể ảnh hưởng đến bất kỳ phụ nữ nào nhưng phổ biến hơn ở những phụ nữ đang cho con bú.

Các triệu chứng của viêm vú có xu hướng xuất hiện nhanh chóng và thường chỉ ảnh hưởng đến một bên vú. Các triệu chứng có thể bao gồm:

  • Một vùng đỏ ửng, sưng tấy và đau ở vú;
  • Cảm giác ấm hoặc nóng tăng lên ở bên trong bên vú bị ảnh hưởng;
  • Cảm giác đau rát có thể liên tục hoặc chỉ xảy ra khi cho con bú;
  • Một cục u hình nêm ở vú;
  • Tiết dịch núm vú màu trắng hoặc có máu...

Nhiễm nấm ở vú (tưa miệng)

Đây là một loại nhiễm trùng do nấm thường phát triển do nấm Candida albicans giống như nấm men. Loại nấm này thường sống vô hại trên da nhưng đôi khi nó có thể sinh sôi ngoài tầm kiểm soát và gây nhiễm trùng. Tưa miệng có thể phát triển ở cả núm vú. Tưa miệng ở vú và núm vú phổ biến hơn ở những phụ nữ đang cho con bú.

Các triệu chứng thường có của núm vú bao gồm:

  • Ngứa, nóng rát hoặc nứt núm vú;
  • Núm vú trông ửng đỏ, bóng hoặc bong tróc;
  • Phát ban giống như mụn nước trên núm vú;
  • Đau nhói ở vú trong hoặc sau khi cho con bú;
  • Đau núm vú hoặc ngực dữ dội không thuyên giảm sau khi ngậm hoặc tư thế cho con bú tốt hơn.

Đau liên quan các vùng trên cơ thể

Đôi khi, cơn đau từ một vùng khác trên cơ thể có cảm giác như thể nó xuất phát từ vú. Một số tình trạng có thể gây ra loại đau này bao gồm:

Viêm sụn sườn: Đây là tình trạng viêm sụn giữa các xương sườn. Nó thường gây ra cơn đau nhói, dữ dội hơn khi vận động hoặc hít thở sâu.

Trào ngược acid: Đôi khi, trào ngược acid gây ra cơn đau rát ở ngực. Một người có thể cảm thấy rằng nguồn gốc của cơn đau nằm ở vú của họ.

Các vấn đề về túi mật: Một số người bị các vấn đề về túi mật báo cáo rằng họ bị đau ở vú. Đau túi mật thường xảy ra gần xương sườn ở bên phải cơ thể và có thể lan ra lưng hoặc bả vai.

U nang

Theo Hiệp hội Chẩn đoán hình ảnh vú, nguyên nhân lành tính phổ biến nhất gây đau vú là u nang vú. U nang là một loại khối u chứa đầy dịch không phải ung thư. U nang vú có thể tròn hoặc bầu dục và có kích thước từ vài mm đến vài cm. Chúng có thể mềm hoặc cứng.

Nhiều phụ nữ bị u nang vú nhưng không biết rằng họ bị u nang, chỉ có thể nhận thấy u nang khi nó trở nên đau đớn. Điều này có thể xảy ra do thay đổi nội tiết tố hoặc u nang tăng kích thước.

Ung thư

Theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, ung thư vú thường không gây đau. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, nó có thể gây đau. Một số triệu chứng có thể khác của ung thư vú bao gồm:

  • U ở vú hoặc nách;
  • U cứng không di chuyển;
  • Mô vú dày lên hoặc sưng lên;
  • Những thay đổi ở da vú, chẳng hạn như đỏ bừng, lõm hoặc bong tróc;
  • Những thay đổi về kích thước hoặc hình dạng của vú;
  • Núm vú bị tụt vào trong;
  • Đau núm vú;
  • Tiết dịch núm vú.

Căng thẳng và lối sống

Stress kéo dài, thiếu ngủ hoặc chế độ ăn uống không lành mạnh có thể làm trầm trọng thêm tình trạng đau ngực.

3. Cách giảm đau vú sau kỳ kinh nguyệt tại nhà

Mặc áo ngực phù hợp: Áo ngực hỗ trợ tốt, không quá chật hoặc quá rộng giúp giảm áp lực lên ngực.

Chườm nóng hoặc lạnh: Đặt túi chườm ấm hoặc lạnh lên ngực trong 15-20 phút có thể giúp giảm đau và sưng.

Điều chỉnh chế độ ăn: Hạn chế caffeine, thực phẩm mặn và chất béo.

Tập thể dục nhẹ nhàng: Duy trì thói quen tập luyện phù hợp có thể giúp giảm đau.

Sử dụng thuốc giảm đau không kê đơn: Ibuprofen hoặc paracetamol giúp giảm đau nếu cần.

Massage nhẹ nhàng: Massage vùng ngực giúp tăng cường lưu thông máu và giảm đau.

4. Khi nào cần đi khám?

Để đảm bảo sức khỏe của vú, phụ nữ nên đi gặp bác sĩ nếu gặp bất kỳ triệu chứng đau vú nào. Nếu đau vú kéo dài hơn 2 tuần hoặc không giảm sau khi áp dụng các biện pháp tại nhà. Ngực sưng, đỏ hoặc có tiết dịch bất thường từ núm vú. Sờ thấy khối u cứng trong ngực. Đau ngực ngày càng nghiêm trọng. Kèm theo các triệu chứng khác như sốt, mệt mỏi kéo dài.

Đau vú không liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn như nhiễm trùng hoặc bệnh lý khác ở vú.

Bất kỳ sự xuất hiện nào của khối u hoặc cục cứng sờ thấy ở vùng vú hoặc hạch nách đều cần được kiểm tra chuyên khoa. Các triệu chứng nghi ngờ ung thư vú: Bao gồm những thay đổi đáng chú ý về kích thước, hình dạng hoặc cấu trúc của vú hoặc núm vú.

Việc chủ động theo dõi, thăm khám sớm khi có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào ở vú là vô cùng quan trọng để bảo vệ sức khỏe và phát hiện kịp thời các vấn đề tiềm ẩn.

Đau vú trong chu kỳ kinh nguyệt có đáng lo?Đau vú trong chu kỳ kinh nguyệt có đáng lo?

SKĐS - Đau vú, căng tức vú là một trong những biểu hiện thường gặp ở phụ nữ trong chu kỳ kinh nguyệt. Tình trạng này gây khó chịu và lo lắng cho nhiều chị em. Vậy nguyên nhân gây đau vú là gì và nó có nguy hiểm không?

Xem thêm video đang được quan tâm:

Tầm soát ung thư vú.





Bác sĩ Nguyễn Tuấn Anh - Bệnh viện Phụ sản Trung ương
Ý kiến của bạn