Hà Nội

Đậu ván trắng nhiều công dụng

SKĐS - Cây đậu ván trắng là một loại dây leo, được trồng ở khắp nơi, để lấy quả non ăn, còn quả già lấy hạt để dùng làm thuốc.

Trong Đông y, hạt đậu ván trắng gọi là bạch biển đậu, hoặc biển đậu.  Muốn lấy hạt làm thuốc thì vào tháng 9  - 10, quả chín già, hái về đập lấy hạt, phơi khô là được. Từ hạt bạch biển đậu người ta còn chế ra các vị thuốc như: biển đậu y (vỏ hạt bạch biển đậu), biển đậu nhân (nhân hạt bạch biển đậu), bạch biển đậu sao (nhân biển đậu cho vào chảo sao).

Hạt đậu ván trắng

Theo Đông y, bạch biển đậu có vị ngọt, tính hơi ấm, không độc, vào hai kinh túc thái âm tỳ và túc dương minh vị. Có tác dụng kiện tỳ, hòa trung, trừ thấp và giải độc. Dùng làm thuốc bổ tỳ vị, chỉ tả lỵ, giải phiền khát, chữa các chứng đau bụng, xích bạch đới, giải độc cả nhân ngôn, rượu, thịt, cá có độc... Khi dùng trừ thấp thì dùng sống khi để bồi bổ và tăng cường chức năng tiêu hóa thì sao chín. Quả non làm rau ăn, quả già phơi khô tách hạt.

Có lương y nêu ý kiến biển đậu được xếp vào nhóm thuốc bổ khí (cùng các vị nhân sâm, đảng sâm, hoàng kỳ, bạch truật, hoài sơn...).

Liều dùng hàng ngày: 8 - 16g dưới dạng thuốc sắc hay thuốc bột. Kiêng kỵ: người tỳ vị hư hàn, bụng đầy nên thận trọng khi sử dụng.

Đậu ván trắng

Mùa hạ trúng nắng, phát sốt, tiểu tiện không thông: đậu ván trắng để cả vỏ 50g, sắc kỹ với nước, chắt lấy nước, để nguội chia thành 2 phần uống trong ngày.

Phòng thấp nhiệt trong mùa hè, thu nóng ẩm dễ bị thử thấp (nóng ẩm) gây nên các chứng bệnh đau bụng, tiêu chảy... Để dự phòng và chữa trị có thể dùng một trong các bài thuốc sau:

Bị trúng nắng, nôn mửa, tiêu chảy: hạt đậu ván trắng 12g, hoắc hương 8g, sắc nước uống. Hoặc chỉ dùng một vị bạch biển đậu 30 quả, giã nát, thêm nước vào hòa đều, chắt lấy nước uống.

Phòng chống nắng trong các tháng hè: hạt đậu ván trắng 9g, hoắc hương 9g, hậu phác 8g, cam thảo (nướng) 4g, sắc nước uống thay trà trong ngày.

Viêm đường ruột cấp tính trong mùa hè thu: hạt đậu ván trắng 20g, hoắc hương 8g, thương truật 8g, sắc nước uống.

Bồi bổ tỳ vị:

Tăng cường chức năng tiêu hóa, chữa chứng kém ăn, tiêu lỏng, lợm giọng buồn nôn: hạt đậu ván trắng 250g (tẩm nước gừng, bỏ vỏ, sao qua), bạch truật 250g (sao vàng), củ mài 100g (sao vàng); tất cả nghiền thành bột mịn, trộn đều, uống ngày 2 lần, mỗi lần 10g.

Hạt đậu ván trắng, đẳng sâm, bạch truật, phục linh, cam thảo - mỗi thứ 80g; hạt sen, ý dĩ, sa nhân, cát cánh, mỗi thứ 40g. Tất cả tán thành bột mịn, trộn đều; ngày uống 2 - 3 lần, mỗi lần 10g bột thuốc, dùng nước sắc táo tàu (hồng táo) chiêu thuốc.

Viêm ruột cấp tính: hạt đậu ván trắng nghiền thành bột mịn, ngày uống 3 - 4 lần, mỗi lần 12g, dùng nước ấm chiêu thuốc. Hoặc dùng đậu ván trắng 30 - 60g, sắc với nước, chia thành 3 phần uống trong ngày.

Phù thũng: hạt đậu ván trắng sao vàng, tán thành bột mịn, ngày uống 2 - 3 lần, mỗi lần 10g; trẻ nhỏ tùy theo tuổi giảm liều lượng.

Ban xuất huyết: hạt đậu ván trắng 100g, hồng táo 20 trái, đường phèn 50g, tất cả cho vào nồi sắc với nước, chia 2 lần uống trong ngày.

Phụ nữ khí hư, bạch đới, kinh nguyệt thất thường: phụ nữ bị khí hư ngứa âm đạo, đau ngang thắt lưng, tức bụng dưới, bạch đới tiết ra chất nhầy trắng. Có thể dùng:

1 cân hạt đậu ván trắng sao chín, tán mịn; ngày uống 3 lần, mỗi lần 8g, hòa với nước đun sôi hoặc với nước cơm uống, liên tục trong nhiều ngày sẽ khỏi.

Phụ nữ bị động thai: phụ nữ đang mang thai, do bị ngã hoặc uống nhầm thuốc bị động thai, có thể lấy hạt đậu ván trắng sống 30g nghiền mịn, uống cùng với nước cơm, hoặc sắc kỹ với nước uống. Để an toàn nên tham khảo thêm thầy thuốc Đông Tây y.

Trẻ nhỏ đổ mồ hôi trộm hoặc ra nhiều mồ hôi: đậu ván trắng sao chín, tán mịn; ngày uống 5 - 10g, chiêu bột thuốc bằng nước sôi để nguội, liên tục trong nhiều ngày sẽ khỏi. Không sợ có phản ứng phụ.

Trẻ nhỏ lên đậu, bị nhiễm độc, toàn thân lở loét: hạt đậu ván trắng nghiền thành bột mịn; dùng bột này xoa vào những chỗ bị bệnh, có tác dụng giải độc và chóng lên da.

Giải độc: ăn phải thịt gia cầm, tôm, cá... có độc, dẫn tới dị ứng hoặc ngộ độc, có thể dùng hạt đậu ván trắng để chữa trị theo các phương pháp như sau:

- Hạt đậu ván trắng tươi 30g quả giã nát, hòa với nước sôi để nguội uống.

- Lấy một vốc hạt đậu ván trắng sống (khoảng 20g), hòa với nước sôi để nguội nghiền mịn, uống.

- Hạt đậu ván trắng 1 cân, rang chín, nghiền thành bột mịn, hòa với nước sôi để nguội uống ngày 3 lần, mỗi lần 12g, liên tục trong nhiều ngày, có tác dụng giải độc.

Đậu ván trắng

Hoa đậu ván trắng (biển đậu hoa)

Vị ngọt, tính bình, không độc có tác dụng kiện tỳ hòa vị, thanh thử hóa thấp. Dùng chữa bệnh lỵ, tiêu chảy, xích bạch đới hạ. Liều 4 - 9g, hoa đậu ván trắng ăn như rau sống kiện tỳ hòa vị, thanh thử hóa thấp, thanh nhiệt sinh tân, nhuận tràng, sáp tinh.

Mùa hạ đi lỵ tiêu chảy, phát sốt, lý cấp hậu trọng: hoa đậu ván 15 - 20g, cho vào nồi luộc với một quả trứng gà; ăn trứng và uống nước thuốc. Hoặc dùng hoa đậu ván trắng sấy khô, nghiền thành bột mịn; ngày uống 3 lần, mỗi lần 3g, chiêu thuốc bằng nước cơm.

Trẻ nhỏ kém ăn: hoa đậu ván trắng 15 - 20g, sắc với nước, thêm chút đường vào uống hàng ngày, liên tục trong nhiều ngày.

Mùa hạ bị trúng nắng, ngực đầy tức, buồn nôn, tiêu lỏng: dùng hoa đậu ván trắng 8g, lá hoắc hương tươi 12g, sắc uống thay nước trong ngày.

Phụ nữ bị khí hư bạch đới kinh nguyệt không đều: hoa khô tán bột, uống 2g mỗi lần ngày 2 - 3 lần lúc đói với nước cơm.

Viêm ruột cấp tính: hoa đậu ván trắng 60g sao đen sắc nước uống chia 2 lần trong ngày.

Lá đậu ván trắng (biển đậu diệp)

Vị cay, ngọt, tính bình, hơi độc. Chủ trị: Tiêu chảy nôn mửa chuột rút.

- Tiểu ra máu: lá đậu ván tươi 20 - 30g sao vàng sắc uống 2 - 3 lần trong ngày.

- Miệng nôn trôn tháo chân tay chuột rút. Hái một nắm lá đậu ván trắng giã nát thêm chút giấm chắt nước uống.

Rễ đậu ván trắng (biển đậu căn)

Liều 6 - 9g. Rễ đào lấy sau thu hoạch đậu rửa sạch phơi khô để dùng dần.

Khớp xương đau nhức, chân tay tê dại: khi khớp xương đau nhức, có thể dùng 30g rễ đậu ván trắng, sắc kỹ với nước, chia thành nhiều phần uống trong ngày; có tác dụng giảm đau.


BS. PHÓ THUẦN HƯƠNG
Ý kiến của bạn