Đậu ván - Thuốc bổ tỳ, trừ thấp

SKĐS - Đậu ván còn gọi là bạch biển đậu, được trồng khắp nơi lấy quả non ăn, hạt già là vị thuốc rất quý. Quả đậu non để xào, sốt cà, nấu lẩu hoặc ăn sống đều tốt.

Hạt chín phơi khô nấu chè, làm tương, làm nhân bánh, đặc biệt làm bột dinh dưỡng dùng rất tốt cho trẻ em còi cọc, chậm lớn. Hoa và lá non cũng thường được dùng làm rau, làm thuốc.

Đậu ván trắng bổ tỳ hóa thấp, trị trẻ nhỏ kém ăn ra mồ hôi trộm, nôn, tiêu chảy...

Đậu ván trắng bổ tỳ hóa thấp, trị trẻ nhỏ kém ăn ra mồ hôi trộm, nôn, tiêu chảy...

Đậu ván giàu dưỡng chất, có lợi cho sức khỏe. Tính theo phần trăm ở hạt (trên 100g) có 22,70% protein; 1,8% chất béo; 57% carbon hydrat; 0,046% canxi; 0,052% photphor; 0,001% chất sắt và có nhiều loại acid amin. Ngoài ra, còn có nhiều vitamin A, B1, B2, C,  caroten; đường sacaroza, glucoza, maltoza và raffinoza.

Theo y học cổ truyền, đậu ván có vị ngọt, tính bình không độc. Tác dụng bổ tỳ, trừ thấp hoà trung. Trị nôn, tiêu chảy, phiền khát, xích bạch đới, giải độc rượu, giải độc thịt cá, viêm ruột, lỵ, tiêu chảy, phù thũng, phụ nữ động thai, trẻ em ra mồ hôi trộm, ban sởi. Kinh nghiệm nhân dân dùng hạt đậu ván sao vàng phối hợp nhiều vị thuốc khác chữa trẻ em kém ăn chậm lớn rất tốt.

Hoa đậu ván chữa lỵ, tiêu chảy, trúng nắng, phụ nữ khí hư, xích bạch đới... Lá đậu ván chữa tiêu chảy, chuột rút, mụn nhọt, sang thương,  rắn cắn. Sau đây là một số bài thuốc từ đậu ván:

Chữa trẻ em ăn kém chậm lớn: dùng bài “Sâm linh bạch truật tán gia giảm”: bạch truật, phục linh, đảng sâm, hạt sen mỗi vị 4g; hạt đậu ván 8g, ý dĩ nhân 8g, sơn dược 6g, cát cánh 2g, sa nhân 2g, cam thảo 2g. Sắc uống ngày 1 thang. Trị ǎn uống không ngon, bụng đầy tiêu chảy mạn tính, thể lực giảm sút sau khi ốm dậy, người mệt mỏi rã rời. Những người thể trạng gầy, sắc mặt kém dùng rất tốt.

Chữa trúng nắng phát sốt vật vã: đậu ván cả vỏ tươi hoặc khô nấu nước uống 2-3 lần trong ngày.

Chữa bụng nóng đi cầu (nhiệt tả): đậu ván, lá hoắc hương mỗi vị 30g; gừng tươi 3 lát. Sắc uống 2-3 lần trong ngày.

Chữa đi lỵ phát sốt: hoa đậu ván, lá mơ lông mỗi vị 30g. Sắc uống.

Chữa trẻ em ăn kém, ra mồ hôi tay chân: hạt đậu ván sao vàng tán nhỏ ngày uống 20-30g, chia 2-3 lần.

Chữa nôn, lỵ, do thương thử: đậu ván 16g, hoắc hương 8g. Sắc uống. Hoặc chỉ dùng 30 hạt bạch biển đậu giã lấy nước uống cũng được.

Chữa sinh non (bán sản): đậu ván 20g, sinh khương 20g, bạch mao căn 30g; bạch truật, bán hạ, nhân sâm, tỳ bà diệp mỗi vị 8g. Các vị tán bột, mỗi lần dùng 4g hoặc sắc nước uống.

Chữa  thiếu máu, vàng da, bổ gan: hoài sơn, đậu ván, bố chính sâm mỗi loại 12g, hạt keo đậu 6g, mẫu lệ 6g, ý dĩ 6g. Sắc uống.

Chữa hắc loạn thổ tả: sa nhân, bán hạ, hạnh nhân, nhân sâm, bạch truật, hoắc hương, mộc qua, hậu phác, phục linh mỗi vị 8g; bạch biển đậu 12g, cam thảo 4g, đại táo 3 quả, sinh khương 3 lát. Sắc uống. Tác dụng: hòa trung, hóa thấp, thăng thanh, giáng trọc.

Chữa  thổ tả vọp bẻ: đậu ván tán bột uống với giấm.

Chữa bụng đau, tiêu chảy vào mùa hè do nội thương thử thấp: bạch biển đậu 4g, hoắc hương, thương truật mỗi thứ 8g. Sắc uống.

Lưu ý: Đậu ván vị ngọt hợp với tỳ nên có chất bổ tỳ, làm cho tỳ khí được thư thái, khô táo, lưu thông đường thủy đạo nên chữa tả, chữa khát. Nếu dùng nhiều sẽ nê trệ, đầy hơi.

Quả non đậu ván trắng là  nguồn thực phẩm quý, món ăn giàu chất bổ, quả già cho hạt làm thuốc. Đậu ván trắng có tác dụng hạ sốt, kiện vị, giải co thắt cơ (giải cơ), kích thích sinh dục. Đặc biệt, vị thuốc này dùng cho trẻ em rất tốt.

Đậu ván vừa là cây rau giàu dinh dưỡng vị thuốc quý, trồng một lần thu hoạch nhiều lần, đất tốt có thể thu hái nhiều lần cả năm, nên khuyến khích trồng và sử dụng.

Kiêng kỵ: Người bị bệnh thương hàn không dùng. Hạt đậu dùng phải sao chín, để sống dễ bị đầy bụng chậm tiêu.


Lương y Phan Thị Thạnh
Ý kiến của bạn