Đau và giới hạn khớp vai: Những chấn thương

SKĐS - Khu vực khớp vai là vùng rất dễ bị tổn thương của cơ thể, đó là sự đánh đổi cho sự linh hoạt trong vận động của các cấu trúc tại khu vực này. Việc điều trị bằng xoa bóp - bấm huyệt cho kết quả cao.

Cấu trúc vùng vai

Điều quan trọng nhất để hiểu về vùng vai là nó và toàn bộ phần trên cơ thể được kết nối với phần còn lại của cấu trúc xương bởi chỉ có một khớp, ức đòn. Bên cạnh một kết nối khá chắc chắn này, toàn bộ cấu trúc vùng vai, bao gồm xương bả vai, xương đòn và xương cánh tay, được hỗ trợ bởi các mô mềm. Mặc dù, cấu trúc này cho phép cánh tay tự do di chuyển, nó cũng làm cho vai rất dễ bị tổn thương mô mềm.

Khớp vai có khung xương cấu tạo bởi xương đòn, xương bả vai, và chỏm xương cánh tay. Các xương này khớp với nhau tạo thành khớp cùng-đòn và khớp ổ chảo-cánh tay. Các khớp này được giữ bằng các dây chằng và bao khớp. Và bọc lấy khung xương này là cơ tam giác và 4 gân cơ xoay. Giữa mỏm cùng xương bả vai và gân cơ chóp xoay có 1 túi hoạt dịch giúp gân cơ không bị xương cọ xát khi vận động. Khớp vai chỉ vận động một cách linh hoạt, uyển chuyển khi khung xương vững chắc, các khớp trơn tru và các gân cơ khỏe mạnh.

Đau và giới hạn khớp vai (Kỳ I)

Đai vai là một vòng xương bao gồm của xương ức, xương đòn, và hai xương bả vai. Đó là một cấu trúc không hoàn chỉnh, vì xương bả vai không có khớp nối ở lưng. Cấu trúc xương đòn và xương ức có thể được so sánh với sào căng buồm (xương đòn) đang xoay tự do từ cột buồm (xương ức). Phạm vi di chuyển đáng kể của nó chỉ bị giới hạn bởi các mô mềm.

Vì vậy, cấu trúc vùng vai kết hợp tính linh hoạt tuyệt vời với tính dễ tổn thương lớn.

- Tính linh hoạt cao, bởi vì các mô mềm (cơ, gân, và màng) nối tay và vai vào lưng, ngực và cổ là mềm mại và co giãn, cho phép di chuyển theo nhiều hướng.

- Rất dễ bị tổn thương, bởi vì chuyển động quá xa trong bất kỳ hướng nào có thể dẫn đến trật khớp hoặc tách các khớp vai hoặc tổn thương mô mềm.

Khớp vai đúng nghĩa là khớp ổ chảo - cánh tay, được cấu tạo bởi chỏm xương cánh tay và ổ chảo xương vai. Diện khớp hình chỏm cầu. Diện khớp của chỏm tương ứng với gần một phần ba hình cầu. Ổ chảo xương vai chỉ bằng một phần ba hay một phần tư diện khớp của chỏm. Tuy nhiên, nhờ có sụn viền ổ chảo (glenoid labrum) nên chiều sâu của ổ tăng lên. Bao khớp mỏng và có kích thước lớn. Bao bắt đầu ở gần sụn viền và bám tận vào cổ giải phẫu của xương cánh tay.

Đau và giới hạn khớp vai (Kỳ I)

Khớp ổ chảo - cánh tay được thiết kế để tối đa hóa khả năng linh hoạt, cho phép phần trên cơ thể có thể chuyển động trong một khoảng rộng. Không may rằng, sự linh hoạt này phải đánh đổi với sự ổn định. Trong thực tế, khớp này thường được so sánh với một quả bóng golf đang nằm trên đế đặt banh, do diện tích bề mặt của đầu xương cánh tay bằng 3 - 4 lần so với diện khớp ổ chảo.

Hệ dây của khớp vai chỉ có dây chằng quạ - cánh tay (coracohumeral ligament) đi từ mỏm quạ đến bao khớp. Sợi của những cơ đi qua và nằm sát trực tiếp với bao khớp cũng đan vào bao khớp. Các cơ này bao gồm cơ trên gai, dưới gai, dưới vai và tròn bé. Các dây chằng ổ chảo - cánh tay (glenohumeral ligaments) chỉ là những nơi dày lên của bao khớp tạo thành.

Vì là khớp chỏm cầu nên khớp vai có ba trục quay với sáu động tác là gập - duỗi, dang - khép và xoay trong - xoay ngoài. Ngoài ra, khớp còn có động tác quay vòng (circumduction). Khớp vai là khớp linh hoạt nhất cơ thể, đồng thời cũng là khớp dễ tổn thương nhất. Sở dĩ như vậy là do bao khớp mỏng, các dây chằng không đủ và các động tác của khớp có biên độ lớn.

Bên cạnh độ sâu không lớn của ổ khớp, tính bất ổn định của khớp ổ chảo - cánh tay cũng do sự lỏng lẻo của các dây chằng và các cơ bắp yếu xung quanh làm nhiệm vụ hỗ trợ nó. Với tính không ổn định lớn như vậy, không có gì lạ khi xương và các mô mềm của vùng vai là những nơi thường bị chấn thương nhất trên cơ thể.

Các cơ của vùng vai và ngực được nhóm lại vì gần nhau vì phần lớn các cơ ngực và cơ lưng hoặc trực tiếp liên quan đến việc kiểm soát vai hoặc ảnh hưởng mạnh đến nó. Các cơ duy nhất trong khu vực này mà không liên quan đến các cơ vai là các cơ của xương sườn và các cơ hô hấp.

Cần nhớ rằng diện tích của cơ thang là khá lớn, bao trùm vai sau và lưng trên, đóng một vai trò quan trọng trong việc di chuyển và ổn định vai và thường có liên quan đến các vấn đề của lưng trên và vai.

Những chấn thương vùng vai thường gặp

Một số các loại chấn thương vai sau đây thường gặp nhất trong các hoạt động thể dục thể thao và hoạt động hằng ngày:

Rách sụn viền và bao khớp vai: bao khớp vai có thể dính liền vào xương là nhờ sụn viền ổ chảo. sụn viền là bộ phận rất dễ bị rách hay tróc ra khỏi xương, được ví như “cánh cửa sứt bản lề”. Điều này xảy ra khi thực hiện động tác xoay quá mức hoặc vặn xoắn khớp, té ngã dùng tay chống đỡ.Rách sụn viền và bao khớp vai sẽ dẫn đến mất vững khớp, đau mạn tính và trật khớp vai tái đi tái lại nhiều lần.

Đau và giới hạn khớp vai (Kỳ I)

Trật khớp cùng: tổn thương này dễ gặp khi té ngã dùng tay chống đỡ hay vai đập xuống mặt phẳng. Với trường hợp này phải phẫu thuật can thiệp trực tiếp để chấn thương có cơ hội hồi phục hoàn toàn. Trật khớp cùng thường gặp ở những người chơi thể thao đỉnh cao.

Gãy xương vùng vai: lực chống đỡ từ vai hoặc va đập vai quá mạnh vào mặt phẳng có thể dẫn đến gãy xương đòn, xương bả vai và cánh tay. Lúc này bắt buộc phải nghỉ tập luyện một thời gian và dưỡng thương ổ trạng thái bất động tốt, nếu không sẽ bị lệch và phạm khớp.

Viêm rách gân và chóp xoay: ngoài bao khớp, khớp vai còn có một bộ phận là bốn gân cơ chóp xoay bao quanh giúp giữ vững khớp và tạo lực xoay tròn cho khớp vai. Vì đảm nhận nhiều chức năng như thế gân dễ bị rách và chấn thương. Rách gân gây đau mãn tính, cứng khớp và làm mất chức năng vận động nếu không chữa trị kịp thời.

Bệnh nhân bị chấn thương khớp vai sẽ không thể tham gia các môn thể thao đòi hỏi sử dụng vung tay quá đầu như quần vợt, cầu lông… Sụn viền và bao khớp sẽ bị hư hại nhiều hơn, khớp bị thoái hóa dẫn đến khó điều trị.Khi cử động, bệnh nhân sẽ cảm thấy thiếu sức mạnh khi giơ cánh tay ra 4 hướng. Vai bị cứng, đôi khi cảm thấy cánh tay có thể bị trượt ra khỏi ổ khớp vai.

KỲ II: ĐIỀU TRỊ BẰNG XOA BÓP - BẤM HUYỆT


BS.CKII. HUỲNH TẤN VŨ
Ý kiến của bạn