Bệnh động mạch vành là tình trạng động mạch vành tim bị nghẽn, dẫn đến tình trạng cơ tim bị thiếu dưỡng khí. Trong số các bệnh lý về tim mạch, đây là căn nguyên gây tử vong hàng đầu, đang có xu hướng tăng lên và trẻ hóa. Vì vậy, hiểu biết về bệnh sẽ giúp cho việc phát hiện bệnh được sớm, phòng bệnh và điều trị có hiệu quả hơn.
Bệnh động mạch vành gây tổn thương vĩnh viễn ở tim
Bệnh động mạch vành là bệnh của động mạch nuôi dưỡng tim, nguyên nhân do các mảng xơ vữa gây hẹp hoặc tắc lòng mạch, làm giảm lưu lượng máu và oxy đến cơ tim, dẫn đến cơ tim bị tổn thương, gây ra triệu chứng là các cơn đau thắt ngực. Nếu tình trạng thiếu máu kéo dài không được cải thiện, sẽ dẫn đến cơ tim hoại tử, gây ra tổn thương vĩnh viễn ở tim, có thể dẫn đến tử vong. Bệnh còn có tên gọi khác là bệnh tim thiếu máu cục bộ, bệnh tim do xơ vữa động mạch vành…
Biến chứng của bệnh động mạch vành thường thấy là tình trạng nhồi máu cơ tim. Biến chứng này làm một phần cơ tim bị hủy hoại nhanh chóng, gây nhiều biến chứng nguy hiểm như các rối loạn nhịp tim nặng, hở van tim cấp tính, thủng vách tim, vỡ tim, suy tim cấp, phù phổi, suy hô hấp và tử vong.
Biến chứng suy tim là do cơ tim bị thiếu máu lâu ngày dẫn đến tim suy yếu, không đảm bảo khả năng bơm máu cho cơ thể
Thậm chí bệnh động mạch vành còn gây biến chứng rối loạn nhịp tim, đột tử. Do thiếu máu hoặc sẹo cơ tim sau nhồi máu hình thành các ổ gây loạn nhịp tim, nặng có thể ngừng tim đột ngột và tử vong nếu không cấp cứu kịp thời.
Không chỉ vậy, bệnh còn ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe, sinh hoạt, bởi các cơn đau thắt ngực triền miên cùng nhiều biến chứng mãn tính như suy tim, rối loạn nhịp tim... Vì thế, việc chẩn đoán sớm và can thiệp sớm là vô cùng quan trọng.
Những ai có nguy cơ cao mắc bệnh động mạch vành?
Ai cũng có thể mắc phải bệnh động mạch vành, nhất là ở nam giới trên 50 tuổi và nữ trên 55 tuổi. Những người có tiền sử gia đình có người bị biến cố tim mạch cũng dễ mắc phải căn bệnh này.
Ngoài ra, các yếu tố nguy cơ mắc phải căn bệnh này là người hay hút thuốc lá, ít hoạt động thể chất, thừa cân, thể trạng béo. Người có các bệnh lý: Đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh thận mạn tính, tăng mỡ máu.
Những người có các yếu tố nguy cơ trên cần khám và kiểm tra định kỳ để điều trị và quản lý bệnh tốt nhất, giúp hạn chế mắc bệnh, làm chậm tiến triển của bệnh và ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm của bệnh mạch vành.
Biểu hiện của bệnh động mạch vành
Biểu hiện thường gặp nhất là các cơn đau thắt ngực.
– Đau tức ngực: Vị trí đau ở vùng ngực trái hoặc sau xương ức, đau lan lên vai, cánh tay, lưng hoặc hàm.
– Tức ngực, không thoải mái, nặng ngực, bóp nghẹt, cháy rát, ngực bị đè ép… Đau bóp nghẹt như có vật nặng đè lên ngực. Cơn đau xuất hiện hoặc tăng lên khi gắng sức, giảm hơn khi nghỉ hoặc dùng thuốc giãn mạch vành. Đau có thể lan lên cổ, xương hàm, vai trái hay tay trái.
– Khó chịu vùng ngực kèm theo đau mỏi ở một hoặc cả hai cánh tay, vai, cổ, hàm hoặc phần trên của dạ dày… khiến cho bạn dễ nhầm lẫn với bệnh lý dạ dày.
– Khó thở, có hoặc không có đau ngực.
– Buồn nôn hoặc nôn, chóng mặt hoặc ra mồ hôi lạnh, đánh trống ngực, khó chịu vùng ngực.
Tuy nhiên, để chẩn đoán bệnh động mạch vành thì ngoài các biểu hiện trên, để xác định chính xác các bác sĩ sẽ chỉ định thêm một số xét nghiệm như: Điện tâm đồ, siêu âm tim, điện tâm đồ gắng sức, xét nghiệm máu…
Ngoài ra, có thể sử dụng các biện pháp hiện đại hơn như chụp cắt lớp vi tính động mạch vành đa lát cắt (64, 320, 512 dãy), chụp xạ hình tưới máu cơ tim, chụp mạch vành qua da. Từ đó giúp đánh giá đầy đủ vị trí và mức độ tắc/hẹp của các động mạch vành, tình trạng sống của vùng cơ tim và đưa ra chỉ định điều trị đúng đắn.
Tóm lại: Bệnh động mạch vành là căn nguyên tử vong số 1 trong số các bệnh lý tim mạch. Vì vậy, cần điều trị và kiểm soát tốt các bệnh lý: Tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa lipid máu.
Cần bỏ hút thuốc lá và tránh khói thuốc lá thụ động. Hạn chế tối đa rượu, bia. Tránh xa đồ ăn nhanh, thực phẩm chiên, rán, nhiều muối và nhiều đường. Ăn tăng cường nhiều chất xơ, rau củ, ngũ cốc, các loại hạt, các loại đậu, trái cây. Kiểm soát cân nặng, duy trì chỉ số BMI đạt chuẩn.
Ngoài ra, cần thường xuyên tập thể dục, xây dựng lối sống tư duy tích cực, hạn chế stress. Và điều quan trọng là phải khám sức khỏe định kỳ, nhằm phát hiện kịp thời những bất thường ở tim cũng như những căn nguyên tiềm ẩn gây bệnh tim mạch vành.