Đầu tư trái phiếu Chính phủ (TPCP) trong lĩnh vực y tế là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm tại phiên thảo luận ngày 7/6 về việc thi hành Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng nguồn vốn TPCP cho đầu tư xây dựng cơ bản giai đoạn 2006 - 2012.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII. Ảnh: VPQH |
Y tế tại nhiều khu vực có sự thay đổi rõ nét
Trao đổi về kết quả giám sát việc thi hành Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng nguồn vốn TPCP cho đầu tư xây dựng cơ bản giai đoạn 2006 - 2012, phát biểu tại Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh: Có thể khẳng định rằng chủ trương phát hành TPCP là một quyết định sáng suốt mang tính đột phá, giúp cho bộ mặt các công trình xây dựng cơ bản ở nông thôn và nhất là tại lĩnh vực y tế có sự thay đổi rõ nét. Khi chúng tôi đi thăm các bệnh viện huyện tại các khu vực còn nhiều khó khăn trên cả nước, có một kết quả rõ ràng về việc trước và sau việc đầu tư TPCP. Số lượng bệnh viện huyện tăng, số giường bệnh tăng, đầu tư thêm nhiều trang thiết bị y tế... chính là nhờ các nguồn đầu tư từ TPCP. Cũng từ đây, người dân được tiếp cận các dịch vụ y tế chất lượng cao, đảm bảo công bằng trong tiếp cận dịch vụ y tế và giảm tải cho các BV tuyến trên.
Liên quan đến vấn đề giám sát việc thi hành Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng nguồn vốn TPCP cho đầu tư XDCB giai đoạn 2006 - 2012, đặc biệt là trong lĩnh vực y tế, ĐB Vũ Thị Hương Sen (đoàn Hải Dương) bày tỏ: Có thể thấy rằng, trong điều kiện cơ sở hạ tầng của các cơ sở y tế bị xuống cấp, trang thiết bị còn thiếu, chưa đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe tối thiểu của người dân thì Nghị quyết số 08 và Nghị quyết số 18 của Quốc hội là căn cứ pháp lý quan trọng tạo bước đột phá trong đầu tư cho các cơ sở y tế. Sau gần 1 năm triển khai thực hiện, lĩnh vực y tế có 856 dự án và đến hết năm 2012 đã hoàn thành 568 dự án, các dự án bệnh viện tuyến huyện, bệnh viện đa khoa và chuyên khoa tỉnh, bệnh viện Trung ương khu vực sử dụng nguồn TPCP hoàn thành đã góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe và khám chữa bệnh cho người dân ngay trên địa bàn, giảm tải cho tuyến trên. Nhìn chung, đầu tư TPCP cho y tế trong những năm qua đã giúp cho người dân được tiếp cận những thành quả của quá trình phát triển, góp phần cho mục tiêu công bằng và hiệu quả trong chăm sóc sức khỏe, mang lại quyền lợi sử dụng dịch vụ y tế tại bệnh viện công cho người dân, nhất là người nghèo, người có bảo hiểm y tế.
Đại biểu Vũ Thị Hương Sen. Ảnh: VPQH |
Cần có tiêu chí phân bổ cụ thể nguồn vốn TPCP
Bên cạnh những thuận lợi ĐB Vũ Thị Hương Sen (đoàn Hải Dương) đã nêu ra một số tồn tại, bất cập trong việc triển khai TPCP cho y tế như: do chủ trương cắt giảm đầu tư công, nhiều dự án phải giãn, hoãn tiến độ, một số bệnh viện xây dựng xong nhưng chưa có kinh phí mua thiết bị y tế, thiếu nhân lực chuyên môn làm hạn chế hiệu quả đầu tư của dự án. Đồng thời gây nên tình trạng lãng phí khi phòng bệnh để không, vì bệnh viện huyện xây xong nhưng chưa thể đem vào khai thác sử dụng. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị, lãng phí tiền bạc của cải của Nhà nước mà còn gây tốn kém cho người dân do chi phí đi lại, ăn ở khi phải lên tuyến trên chữa bệnh. Bản thân là một bác sĩ, ĐB Vũ Thị Hương Sen chia sẻ: “Hàng ngày tiếp xúc trực tiếp với người bệnh, tôi vô cùng thấu hiểu nỗi khổ nằm ghép của bệnh nhân. Nhiều gia đình người bệnh có chia sẻ với tôi, nếu bệnh viện huyện phát triển, có trang thiết bị tốt và đội ngũ nhân viên y tế có năng lực thì họ sẽ yên tâm điều trị, chứ đâu phải mất công, mất việc, tốn kém tiền bạc để lên tuyến trên”.
Các ý kiến đại biểu cũng kiến nghị Chính phủ cần có tiêu chí phân bổ cụ thể vốn TPCP, tạo sự công bằng giữa các vùng miền, giữa các địa phương; xem xét cho phát hành thêm TPCP để tiếp tục đầu tư hoàn thiện một số bệnh viện tạm dừng do giãn, hoãn tiến độ; ưu tiên đầu tư cho những bệnh viện đã hoàn thiện phần cơ sở vật chất nhưng thiếu kinh phí mua sắm trang thiết bị y tế để có thể sớm đưa vào khai thác, sử dụng phục vụ người bệnh. Bên cạnh đó, Chính phủ cần quan tâm tạo điều kiện đầu tư nâng cấp các trạm y tế xã để người dân được tiếp cận dịch vụ y tế cần thiết trong việc chăm sóc sức khỏe ngay tại địa phương mà không phải đi lại vất vả, tốn kém.
TS - CT
Dự kiến 4 Bộ trưởng trả lời chất vấn trước Quốc hội Quốc hội đã trình danh sách 5 vị Bộ trưởng, trưởng ngành được dự kiến sẽ trả lời chất vấn gửi xin ý kiến đại biểu Quốc hội. Ðó là Bộ trưởng các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lao động - Thương binh và Xã hội, Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Thông tin và Truyền thông cùng Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao. Các đại biểu được đề nghị chọn 4 trong số 5 vị này để chất vấn trực tiếp tại hội trường trong hai ngày. Sau đó, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng sẽ báo cáo làm rõ thêm các vấn đề được đại biểu cùng cử tri quan tâm và trả lời chất vấn trực tiếp các vị đại biểu Quốc hội. Theo nghị trình, sau khi Quốc hội nghe báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri và báo cáo về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn, các phiên chất vấn và trả lời chất vấn sẽ bắt đầu từ chiều 12/6, trong cả ngày 13 và 14/6. A.T |
Ðại biểu có nhiều kênh tìm hiểu người được bỏ phiếu tín nhiệm Trong tuần làm việc tiếp theo, Quốc hội sẽ biểu quyết danh sách những người được tiến hành lấy phiếu tín nhiệm và thực hiện tổ chức lấy phiếu tín nhiệm. Bên hành lang Quốc hội, đại biểu Lê Như Tiến (đoàn Quảng Trị), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Giáo dục thanh thiếu niên và nhi đồng Quốc hội đã có cuộc trao đổi xung quanh vấn đề này.
Phóng viên (PV): Quy trình tổ chức lấy phiếu tín nhiệm cũng như các thông tin cho các đại biểu về các chức danh để chuẩn bị cho đợt lấy phiếu tín nhiệm sắp tới theo ông đã được Quốc hội chuẩn bị như thế nào? ĐB Lê Như Tiến: Tại kỳ họp này, Quốc hội tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Đây là một việc làm rất ý nghĩa. Tôi cũng đã xem và tiếp cận với các báo cáo công tác của các vị đó và thấy phần nhiều các báo cáo khá đầy đủ, chi tiết, nói rõ các công việc của bản thân mình, của ngành mình và nêu nguyên nhân những khó khăn, thuận lợi, và cũng có nhiều báo cáo nhận rõ trách nhiệm của mình về những yếu điểm, tồn tại, bất cập trong quản lý điều hành của ngành mình. Tuy nhiên, qua một số báo cáo tôi chưa thấy nêu được khuyết điểm, nhược điểm, chưa nhìn thẳng vào sự thật và đề ra hệ thống giải pháp để khắc phục. PV: Như vậy là đại biểu cần phải có thêm thông tin để đánh giá người được bỏ phiếu tín nhiệm? ĐB Lê Như Tiến: Tôi nghĩ rằng ĐBQH không chỉ hoàn toàn phụ thuộc vào báo cáo mà có rất nhiều kênh để tìm hiểu những người mà mình bỏ phiếu. Cụ thể các kênh như cử tri nơi các vị đó cư trú, công tác, dư luận xã hội, các phương tiện thông tin đại chúng, rồi những chuyên gia trong lĩnh vực đó họ đánh giá thế nào và hiệu quả công việc trong thời gian vừa qua, cử tri đều biết hết và người ta cũng đánh giá khá khách quan đối với từng vị một, từng lĩnh vực, từng ngành. Tôi cho rằng, ĐBQH phải có sự tìm hiểu, tự mình phải quyết đoán để biết được như thế nào là đúng, là sai để cân nhắc trước khi bỏ lá phiếu. Bởi việc lấy phiếu tín nhiệm lần này là rất quan trọng đối với việc đánh giá con người đặc biệt là đối với những cán bộ cao cấp ở các lĩnh vực, các cương vị công tác trọng trách. Bên cạnh việc thận trọng, cẩn trọng nhưng bản thân ĐBQH phải tự quyết định, tự chịu trách nhiệm trước lá phiếu của mình. Anh Tuấn (lược ghi) |