Đầu tư tiền ảo, mất tiền thật

11-04-2018 01:38 | Xã hội
google news

SKĐS - Khẩu hiệu “Go to the moon” (hiểu nôm na là “Hướng tới mặt trăng”) được nhóm người kêu gọi đầu tư tiền ảo iFan hô vang trong suốt các buổi thuyết trình, thể hiện “quyết tâm” giúp mọi người nhân số tiền đầu tư lên 10, lên 100 lần.

Nhưng bản chất mô hình lừa đảo đa cấp nào rốt cuộc cũng hiện nguyên hình, khiến hàng ngàn nhà đầu tư hoảng hốt căng băng-rôn đòi tiền. Bài học về lòng tham lại được tái diễn ngoạn mục dưới một vở tuồng khác…

Vụ lừa đa cấp lớn nhất lịch sử?

Sáng ngày 8/4, hàng chục người đã tập trung tại Toà nhà Vietcomreal 68 Nguyễn Huệ, quận 1, TP.HCM - nơi đặt trụ sở của Modern Tech - đơn vị đứng ra ký kết với iFan tại Việt Nam để tố cáo về hành vi lừa đảo của nhóm người đứng sau Pincoin - iFan.

Nhóm người tham dự mang theo biểu ngữ tố cáo các nhân vật bị cho là lừa đảo, đồng thời kêu cứu các cơ quan chức năng. Theo ước tính, số tiền lên đến 15.000 tỷ đồng và 32.000 nạn nhân được cho là “vụ lừa đảo đa cấp lớn nhất lịch sử Việt Nam”.

Hình ảnh một buổi thuyết trình hoành tráng để huy động vốn của đại diện iFan.

Hình ảnh một buổi thuyết trình hoành tráng để huy động vốn của đại diện iFan.

Theo lời tố cáo từ những người trong cuộc, iFan, Pincoin ủy quyền cho Công ty Modern Tech làm đại diện hợp pháp tại Việt Nam. Đơn vị này trong thời gian qua đã tổ chức nhiều sự kiện tại Hà Nội và TP.HCM để huy động vốn, kêu gọi nhà đầu tư mua tiền ảo iFan kèm theo lời cam kết sẽ chia sẻ lợi nhuận 48%/tháng, thời gian hoàn vốn tối đa 4 tháng. Ngoài ra, nếu “lôi kéo” thêm nhà đầu tư vào hệ thống sẽ được hưởng thêm 8% số tiền từ người mới tham gia. Nhưng trên thực tế, sau 4 tháng, ngoài việc liên tục kêu gọi vốn, ứng dụng tự xưng là giúp quản lý thu nhập các nghệ sĩ trong showbiz Việt Nam không hề có một hoạt động nào khác.

Dự án iFan yêu cầu nhà đầu tư phải mua lượng token (tương tự như cổ phiếu nhưng ở dạng kỹ thuật số), số lượng tối thiểu 1.000 USD. Sau đó, người đầu tư sẽ được quyền cho “đơn vị phát hành” vay lại với lãi suất “khủng” lên đến vài chục phần trăm mỗi tháng. Và đương nhiên “đơn vị phát hành” sẽ nâng khống giá các đồng token này lên để người mua sau phải trả giá cao hơn. Cái “lợi” theo cấp số nhân đó làm mờ mắt hết các nạn nhân đến mua sau, đó cũng là lý do người ta có ảo giác tiền của mình nhân lên 5 - 10, thậm chí 100 lần.

Chiêu trò của “đơn vị phát hành” để hạn chế các nạn nhân rút tiền là càng về sau, số tiền đầu tư tối thiểu được yêu cầu cũng cao hơn, số tiền rút ra cũng bị hạn mức cao hơn khiến người chưa đầu tư thì càng ham, người đầu tư rồi thì không đủ để rút ra. Không chỉ có sinh viên và giới văn phòng, những người dân ở các vùng quê cũng được mạng lưới “coin đa cấp” hướng dẫn tận tình cách thức tham gia. Với những “gói đầu tư” sinh lợi hấp dẫn, nhiều người đã dành hết cơ nghiệp của mình cho các dự án trá hình này.

Kể từ cuối tháng 1/2018, tất cả nhóm Facebook, nhóm chat Telegram và trang cá nhân của các “lãnh đạo iFan” đều biến mất.

Mô hình lừa đảo kinh điển tái xuất

“Tiền ảo” hay “tiền điện tử” như Bitcoin là đại diện cho một loại giao dịch trao đổi dựa trên nền tảng công nghệ mới. Bản chất vụ việc iFan, Pincoin nói trên không phải là tiền ảo, đó là việc những tổ chức, nhóm người, cá nhân… đang dựa vào sự khó hiểu và thành công vang dội của tiền ảo hồi năm ngoái (mà đại diện lớn nhất là bitcoin) để vẽ nên những vở kịch “đầu tư tiền ảo” thu lời lớn nhanh chóng.

Đây chính là hình thức lừa đảo theo mô hình đa cấp Ponzi kinh điển tương tự các vụ huy động vốn tự phát trong các nhóm dân cư vẫn diễn ra và kết quả đương nhiên là những vụ vỡ nợ.

Cơ chế đơn giản của mô hình này là lấy tiền của người sau trả lãi cho người trước, tiền không đưa vào sản xuất kinh doanh mà chỉ đi vòng quanh làm mồi nhử những lòng tham. Đương nhiên, “tuổi thọ” của một dự án lừa đảo là khi đã lên đến một giới hạn huy động vốn nào đó, không còn các con mồi tự nguyện hiến thân nữa thì lấy đâu ra “thịt” để bù đắp cho “những con mồi đầu đàn”, đó là lúc mô hình sụp đổ. Các chủ cầm đầu sẽ nhanh chân bỏ trốn, đám cho vay thứ cấp và người cuối cùng nhớn nhác, hoảng loạn. Oái oăm thay, nạn nhân thường chỉ tỉnh ngộ rằng “lòng tham đặt nhầm chỗ” khi vụ việc đã vỡ lở.

Trước iFan, Pincoin..., giới đầu tư từng chứng kiến sự sụp đổ của Bitconnect - được biết tới như vụ lừa đảo lớn nhất trong thị trường tiền ảo khiến hàng trăm ngàn chủ tài khoản mất trắng, trong đó có nhiều nạn nhân là người Việt Nam.

Cơ quan chức năng không biết?

Hàng ngàn người lâm vào cảnh “nhà tan cửa nát” sau khi đầu tư hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đồng vào dự án. Nhiều nạn nhân khi trao đổi với báo chí cho biết, họ (những người tổ chức các buổi thuyết trình lôi kéo) đã tổ chức những buổi thuyết trình hoành tráng, mời cả các nghệ sĩ nổi tiếng đến tham dự và phát biểu với hàng trăm, hàng ngàn người có mặt, vậy thì làm sao người dân lại không bị thuyết phục. Cơ quan chức năng có biết không mà để những buổi huy động vốn công khai này diễn ra?

Đáng chú ý, nhiều ca sĩ, người nổi tiếng như Đàm Vĩnh Hưng, Lệ Quyên… cũng lên tiếng cảnh báo về việc không liên quan khi cho rằng bị nhóm này lợi dụng hình ảnh.

Vụ việc hàng ngàn nhà đầu tư bị chiếm đoạt tài sản bởi iFan đã gióng lên hồi chuông cảnh báo cho cộng đồng trước những mô hình mạo danh là góp vốn, chia sẻ lợi nhuận nhưng trên thực tế là lợi dụng sơ hở của pháp luật Việt Nam để trục lợi.

Nếu có đôi chút tỉnh táo, nhiều người trước khi đầu tư theo kiểu huy động vốn, cho vay phải đặt một câu hỏi: đó là huy động vốn làm gì mà tiền sản sinh ra lắm đến như vậy, một vụ đầu cơ đất đai, hay một vụ làm ăn kinh doanh nào có thể cho lãi suất lớn đến như vậy, ngoài việc tìm kiếm những người đến sau không may mắn? Ai và cái gì sẽ bảo lãnh cho những rủi ro? Trả lời được câu hỏi này trước khi mang nhà cửa ra thế chấp, hẳn sẽ có ít nạn nhân mắc bẫy hơn.


Bình An
Ý kiến của bạn