Hành vi lấn, chiếm rừng, chuyển mốc giới, ranh giới rừng hoặc chiếm rừng của chủ rừng khác; rừng thuộc sở hữu toàn dân chưa giao, chưa cho thuê, bị xử phạt như sau: phạt tiền từ 1.000.000 – 3000.000 đồng đối với cây trồng chưa thành rừng hoặc rừng khoanh nuôi tái sinh chưa có trữ lượng thuộc các loại rừng sản xuất, rừng phòng hộ hoặc rừng đặc dụng có diện tích dưới 5000m2.
Khai thác trái phép môi trường rừng và thực hiện các dịch vụ kinh doanh trái phép trong rừng bị phạt từ 1.000.000- 5000.000 đồng đối với hành vi tổ chức du lịch, tham quan trong rừng mà không được phép của chủ rừng; Phạt tiền từ 5.000.000 đến 10.000.000 đồng đối với việc tổ chức các dịch vụ, kinh doanh trong rừng mà không được phép của chủ rừng, tổ chức nghỉ dưỡng, giải trí trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của rừng đặc dụng; Phạt tiền từ 10.000.000 đến 25.000.000 đồng đối với hành vi đầu tư hoạt động du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng giải trí trong rừng đặc dụng, rừng phòng hộ bao gồm dự án kinh doanh du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí, lập dự án kinh doanh sinh thái, nghỉ dưỡng không phù hợp với đề án du lịch, nghỉ dưỡng, giải trí được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Ảnh: Minh họa
Về hành vi khác thác lâm sản trong rừng không được phép của cơ quan có thẩm quyền, mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm hành chính quy định tại Nghị định này là mức phạt tiền được áp dụng đối với cá nhân; mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực Lâm nghiệp đối với cá nhân là 500 triệu đồng. Tổ chức vi phạm áp dụng phạt tiền bằng 2 lần mức phạt tiền với cá nhân có cùng hành vi và mức độ vi phạm; mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực Lâm nghiệp đối với tổ chức là 1 tỷ đồng.
Trong đó, Nghị định quy định cụ thể mức phạt khai thác rừng trái pháp luật. Theo đó, khai thác trái pháp luật trong rừng sản xuất đối với gỗ loài thông thường phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng đối với hành vi khai thác trái pháp luật dưới 0,4 m3 gỗ rừng trồng hoặc dưới 0,2 m3 gỗ rừng tự nhiên; phạt tiền từ 1-5 triệu đồng đối với hành vi khai thác trái pháp luật từ 0,4 m3 đến dưới 1 m3 gỗ rừng trồng hoặc từ 0,2m3 đến dưới 0,5 m3 gỗ rừng tự nhiên;... phạt tiền từ 70-100 triệu đồng đối với hành vi khai thác trái pháp luật từ 15 m3 - 20 m3 gỗ rừng trồng hoặc từ 7m3 đến dưới 10m3 gỗ rừng tự nhiên.
Đối với gỗ thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIA, phạt tiền từ 1-3 triệu đồng đối với hành vi khai thác trái pháp luật dưới 0,3 m3 gỗ rừng trồng hoặc dưới 0,2 m3 gỗ rừng tự nhiên; đối với hành vi khai thác trái pháp luật từ 0,3 m3 đến dưới 0,5 m3 gỗ rừng trồng hoặc từ 0,2 m3 đến dưới 0,4 m3 gỗ rừng tự nhiên thì sẽ bị phạt tiền từ 3-7 triệu đồng;... phạt tiền từ 150 - 200 triệu đồng đối với hành vi khai thác trái pháp luật từ 10 m3 đến dưới 15 m3 gỗ rừng trồng hoặc từ 5 m3 đến dưới 7 m3 gỗ rừng tự nhiên.
Đối với gỗ thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IA, phạt tiền từ 10-25 triệu đồng đối với hành vi khai thác trái pháp luật dưới 0,3 m3; đối với hành vi khai thác trái pháp luật từ 0,3 m3 đến dưới 0,5 m3 thì sẽ bị phạt tiền từ 25-50 triệu đồng;...phạt tiền từ 75-100 triệu đồng đối với hành vi khai thác trái pháp luật từ 0,7 m3 đến dưới 1 m3.
Nghị định cũng quy định cụ thể mức phạt hành vi khai thác trái pháp luật trong rừng phòng hộ, rừng đặc dụng đối với gỗ loài thông thường, đối với gỗ thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIA; đối với gỗ thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IA; mức phạt đối với hành vi khai thác trái pháp luật rừng ngoài gỗ.
Nghị định có hiệu lực thi hành từ 10/6/2019, xem chi tiết Nghị định tại đây.