Đầu tư cho y tế: Đã đến lúc đầu tư cho tương lai

07-03-2014 09:00 | Tin nóng y tế

SKĐS - Trong một xã hội, Y tế và giáo dục là những thước đo phản ánh đúng mức độ phát triển. Nếu như các ngành nghề khác hướng đến lợi nhuận về kinh tế thì hai ngành Y tế và Giáo dục hướng đến đầu tư và bảo vệ con người.

Trong một xã hội, Y tế và giáo dục là những thước đo phản ánh đúng mức độ phát triển. Nếu như các ngành nghề khác hướng đến lợi nhuận về kinh tế thì hai ngành Y tế và Giáo dục hướng đến đầu tư và bảo vệ con người.

Sự tập trung đầu tư cho Y tế được thể hiện rất rõ tại một đất nước giàu có là nước Mỹ, khi trong vòng 10 năm mức tăng lương trung bình của người dân chỉ là 31% thì mức tăng chi phí cho Y tế đã lên đến 131%. Năm 2009 chi phí dành cho Y tế của nước Mỹ lên đến 2.5 ngàn tỷ USD, thể hiện quy mô của một nền Y tế phát triển bậc nhất thế giới. Nếu như nhìn vào con số đầu tư cho Y tế của ngân sách nhà nước ta năm 2012 là khoảng 23.154 tỷ đồng, tương đương khoảng 1.05 tỷ USD, cho thấy còn một khoảng cách rất lớn về quy mô giữa hai nền Y tế.

Y tế phát triển giúp đảm bảo sức khỏe của con người – chủ nhân có quyền lực cao nhất của trái đất. Nếu như trước đây, sức khỏe con người chỉ là một mục tiêu tự nhiên, tồn tại và chống chọi với thiên nhiên mới là mục tiêu hàng đầu; thì ngày nay, cuộc sống hướng đến nhu cầu rất cao về sức khỏe: phải có được một sức khỏe hoàn hảo về thể chất và tâm thần.

Đã đến lúc phải đầu tư cho tương lai.

Đã đến lúc phải đầu tư cho tương lai.

Tuy nhiên dường như ở nước ta, Y tế mới chỉ được xem là một ngành thứ yếu vì hai lý do:

Thứ nhất, đầu tư vào Y tế không mang lại lợi nhuận khổng lồ như các ngành khác, ví dụ như viễn thông, năng lượng… Nếu xét về lợi ích sinh lời, Y tế thuộc nhóm đầu tư bền vững, tức là không tạo ra được các cú “hích” kinh tế, đồng thời đầu tư mang tính lâu dài. Trong khi mục tiêu cần phát triển nền kinh tế nói chung, thì hẳn nhiên người ta không đầu tư vào “kênh bền vững” để bị “chôn vốn” ở đó.

Thứ hai, trong bối cảnh đất nước còn nghèo, đầu tư vào Y tế hiện tại chỉ mang tính chất: đảm bảo tối thiểu, chứ chưa đạt được mức: hướng đến hoàn hảo. Mặc dù tại các bệnh viện tuyến Trung Ương đã bắt đầu phát triển các kỹ thuật và chuyên ngành hướng đến “sự hoàn hảo” về sức khỏe, nhưng các tuyến dưới vẫn đang phải vật lộn với sự thiếu thốn về nhân lực, cơ sở hạ tầng, máy móc và thuốc.

Đã đến lúc phải đầu tư cho tương lai

Đầu tư cho Y tế không chỉ mang lại lợi ích cho số đông mà còn có tác dụng rất tốt trong sự nghiệp phát triển kinh tế nói chung, điều này được thể hiện ở vai trò của sức khỏe nguồn nhân lực trong vấn đề quản lý vĩ mô.

Đầu tư cho Y tế còn mang tính chất lâu dài để đảm bảo sức khỏe của xã hội. Hiện nay ngành Y vẫn còn đang gặp nhiều khó khăn về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, máy móc, nguồn nhân lực, khoa học cơ bản và đào tạo, trong đó đầu tư cho nguồn nhân lực là một vấn đề nổi cộm. Trên thực tế hiện nay với guồng quay và sức ép công việc, những Bác sĩ có năng lực thực sự, có danh tiếng và uy tín hiện đang phải cáng đáng quá nhiều việc một lúc, khiến cho họ không thể chuyên tâm trong công tác đào tạo, từ đó sinh viên Y khoa ra trường có một tỷ lệ không nhỏ chưa biết hành nghề và có những quyết định điều trị sai lầm.

Với một sức khỏe tốt ngay từ khi mới hình thành, được chăm sóc bởi chế độ dinh dưỡng và môi trường hợp lý sẽ tạo ra những con người khỏe mạnh cả về thể chất và tâm thần. Đó chính là nguồn nhân lực vô cùng quý giá cho mỗi đất nước mà cho dù có hàng ngàn tỷ USD cũng không thể so sánh bằng. Với mỗi quốc gia, nhân lực là sức mạnh nội tại to lớn nhất, giúp cho quốc gia đó có phồn thịnh hay không, có vươn mình lên với thế giới hay không, điều này đã được chứng minh rất tốt tại đất nước Nhật Bản.

Đầu tư vào Y tế là đầu tư cho chính tương lai của ta và con cháu ta. Y tế vững mạnh còn giúp tăng thêm niềm tin của người dân vào xã hội đương đại. Đó là cảm giác được chăm lo, được quan tâm đúng mức và được ghi nhận tất cả những đóng góp của bản thân cho xã hội. Đã đến lúc rồi, chúng ta cần đầu tư cho một tương lai tốt hơn trong sự nghiệp chăm lo sức khỏe của con người Việt Nam.

BS. Thanh Huyền

Bài viết, ý kiến đóng góp cho diễn đàn “Tai biến y khoa” xin gửi về banthukysk@gmail.com, bandientuskds@gmail.com. Các bài viết trên diễn đàn thể hiện quan điểm riêng của tác giả. Tòa soạn tôn trọng các quan điểm khác nhau, các ý kiến phản biện của tác giả trên cơ sở khách quan, trung thực và khoa học.

 

 


Ý kiến của bạn