Đầu tư cho y tế cơ sở: Những kinh nghiệm của Ðồng Nai

05-05-2017 12:58 | Tin nóng y tế

SKĐS - Trong những năm qua, công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn tỉnh Đồng Nai luôn được chú trọng.

Trong những năm qua, công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn tỉnh Đồng Nai luôn được chú trọng. Hệ thống y tế từ tỉnh đến cơ sở được củng cố, việc cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe thiết yếu đã góp phần cải thiện mô hình bệnh tật trong cộng đồng. Chủ trương lấy y tế cơ sở làm nòng cốt trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân đã mang lại nhiều thành tựu, góp phần đạt được các mục tiêu chăm sóc sức khỏe toàn dân tại tỉnh Đồng Nai. Phóng viên báo Sức khỏe&Đời sống đã ghi lại chia sẻ của TS. Phan Huy Anh Vũ, Phó Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai xung quanh câu chuyện này.

Với chủ trương đưa dịch vụ y tế đến với người dân, nhất là vùng khó khăn, thực hiện công bằng, hiệu quả trong khám chữa bệnh, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân ngày càng cao, công tác khám chữa bệnh ở tuyến cơ sở tại Đồng Nai được thực hiện khá tốt, giải quyết một phần gánh nặng cho tuyến trên và đã góp phần quan trọng trong việc khống chế đẩy lùi dịch bệnh, xóa đói giảm nghèo, ổn định xã hội. Hoạt động của mạng lưới y tế tuyến huyện, xã đã giúp người dân giảm chi phí khi ốm đau, điều này đặc biệt có ý nghĩa đối với người nghèo. Cán bộ y tế xã, phường thị trấn trong hệ thống y tế Nhà nước được ký hợp đồng lao động là viên chức, tạo điều kiện để cán bộ y tế yên tâm làm việc.Đầu tư cho y tế cơ sở  để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho nhân dân. Ảnh: D.Linh

Đầu tư cho y tế cơ sở  để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho nhân dân. Ảnh: D.Linh

Theo TS. Phan Huy Anh Vũ, việc xây dựng trạm y tế, cung cấp trang thiết bị khám chữa bệnh đồng thời với việc đào tạo cán bộ cho y tế cơ sở được coi là nhiệm vụ cần thiết và cấp bách của ngành y tế Đồng Nai. Do đó, ngành y tế Đồng Nai đã tập trung xây dựng mới cơ sở vật chất và đào tạo phát triển nguồn nhân lực y tế cơ sở, từng bước đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Đây chính là một trong những giải pháp làm giảm gánh nặng cho y tế tuyến trên.

Cũng  theo TS. Vũ, trong điều kiện kinh tế khó khăn chung của nước ta hiện nay và của tỉnh Đồng Nai nói riêng thì không thể cùng một lúc đồng bộ xây dựng mới các trạm y tế xã và mua sắm trang thiết bị y tế hiện đại. Vì vậy, Đồng Nai đã và đang từng bước thực hiện song song giữa trang bị cơ sở vật chất, trang thiết bị và đào tạo nguồn nhân lực, tiếp tục triển khai thực hiện tốt chính sách về thu hút, hỗ trợ cho nhân viên y tế, cho đào tạo nguồn nhân lực y tế xã, nhất là đào tạo bác sĩ cho xã từ chính cán bộ y tế xã có trình độ từ y sĩ, đào tạo bác sĩ sau đại học về chuyên khoa y học gia đình... Cùng với đó, tinh gọn tổ chức bộ máy y tế tuyến cơ sở, hướng đến hoàn thiện: 100% xã, phường, thị trấn đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã. Trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố đều có bệnh viện, trung tâm y tế, trung tâm dân số - KHHGĐ tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận với các dịch vụ y tế với thiết bị đồng bộ, hiện đại.

Ngoài ra, quan tâm đến công tác phát triển xã hội hóa y tế để huy động vốn xã hội hóa, mua sắm nhiều thiết bị kỹ thuật cao và triển khai nhiều loại hình dịch vụ y tế phong phú đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân. Đến nay, các bệnh viện và trung tâm y tế huyện đã huy động trên 100 tỷ đồng vốn từ nguồn xã hội hóa.

Tuy nhiên, cũng theo TS. Vũ, hiện công việc ở trạm y tế xã vẫn còn nhiều bất cập, như các nhân viên y tế tại trạm y tế xã có lúc quá tải bởi ngoài việc khám chữa bệnh, cán bộ y tế còn tham gia triển khai các chương trình mục tiêu y tế tại địa phương. Cùng với đó là chính sách đãi ngộ cho y tế cơ sở chưa thật sự thỏa đáng, đời sống kinh tế của cán bộ còn khó khăn do không có nguồn thu nhập tăng thêm... Vì vậy, để khắc phục tình trạng trên, việc trước mắt, ngành y tế Đồng Nai sẽ từng bước đề nghị cấp có thẩm quyền cải cách chế độ tiền lương, chế độ phụ cấp nghề cho phù hợp để đảm bảo cuộc sống cho cán bộ y tế cơ sở.


Tuệ Khanh (ghi)
Ý kiến của bạn