Đầu tư cho y tế chính là đầu tư cho phát triển

12-09-2008 16:48 | Thời sự
google news

Ngày 11/9, tại hội thảo góp ý sơ kết 3 năm thực hiện triển khai Nghị quyết số 46 của Bộ Chính trị về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, Nghị quyết 47 về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách DS-KHHGĐ và 5 năm thực hiện

Ngày 11/9, tại hội thảo góp ý sơ kết 3 năm thực hiện triển khai Nghị quyết số 46 của Bộ Chính trị về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, Nghị quyết 47 về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách DS-KHHGĐ và 5 năm thực hiện Chỉ thị số 06 của Ban Bí thư về "Củng số và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở", Ban Tuyên giáo Trung ương nhận định: Dịch vụ y tế là một loại dịch vụ xã hội công cơ bản, phải luôn coi trọng yêu cầu nâng cao phúc lợi xã hội cơ bản của nhân dân, đặc biệt là đối với người nghèo, vùng nghèo, các đối tượng chính sách".

 Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu và Phó Trưởng ban Tuyên giáo TW Phạm Mạnh Hùng chủ trì hội thảo. Ảnh: TM
 

Tại hội thảo, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu đã nhấn mạnh đến sự cần thiết trong việc sơ kết NQ 46, 47 nhằm đưa các nghị quyết này vào cuộc sống để các ngành, các cấp, các địa phương hiểu và thực hiện có hiệu quả đảm bảo các yếu tố y tế công bằng, hiệu quả và phát triển. Bên cạnh đó phải khẳng định: Đầu tư cho y tế chính là đầu tư cho phát triển.

      *Ngày 22/1/2002, BCHTW đã ban hành Chỉ thị 06 về củng cố hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở. Ngày 23/2/2005, Bộ Chính trị, BCHTW Đảng khóa IX đã ban hành Nghị quyết 46 về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới và ngày 22/3/2005 ban hành Nghị quyết 47 về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách DS-KHHGĐ.

     *Trong quá trình thực hiện Nghị quyết 47 về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách DS-KHHGĐ, với mục tiêu nâng cao chất lượng dân số, đến nay cùng với sự phát triển KT-XH, chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam tiếp tục tăng từ 0,671 điểm, xếp hạng 108/177 năm 2001 lên 0,733 điểm, xếp hạng 105/177 năm 2007. Dự kiến chỉ số phát triển con người Việt Nam sẽ đạt mục tiêu ở mức 0,700-0,750 điểm vào năm 2010.

Hầu hết các ý kiến đại biểu tham gia hội thảo đều nhất trí với bản báo cáo sơ kết 3 năm triển khai thực hiện các nghị quyết. Trong 3 năm qua, thực hiện 7 giải pháp được đề ra trong Nghị quyết 46 và Chỉ thị 06, công tác quy hoạch phát triển hệ thống y tế ở nước ta được tiến hành khẩn trương và khá đồng bộ từ Trung ương đến địa phương. Mạng lưới y tế cơ sở từng bước được củng cố và hoàn thiện cả về cơ sở vật chất, trang thiết bị và cán bộ. Các đề án nâng cấp bệnh viện (BV) huyện, BV đa khoa khu vực và đề án đầu tư xây dựng trạm y tế xã thuộc vùng khó khăn giai đoạn 2008-2010 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đến nay đã có 57% xã, phường đạt Chuẩn quốc gia về y tế xã. Hệ thống dự phòng đươc củng cố, công tác bảo đảm ATVSTP đã được chú trọng và đẩy mạnh trong những năm gần đây. Trong 3 năm, Việt Nam đã khống chế được nhiều dịch bệnh nguy hiểm như dịch SARS, dịch cúm A H5N1, dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm... Các trung tâm y tế chuyên sâu được phát triển mạnh với việc ứng dụng thành công nhiều kỹ thuật hiện đại trong chẩn đoán và điều trị như mổ nội soi, ghép tạng, chẩn đoán hình ảnh... Lĩnh vực y dược học cổ truyền đã được phát triển thành một ngành khoa học và ngày càng đóng góp hiệu quả trong việc khám và điều trị bệnh.

Các chính sách tài chính y tế không ngừng được đổi mới theo hướng chuyển dần từ đầu tư trực tiếp sang đầu tư cho người thụ hưởng chính sách thông qua BHYT. Các chính sách KCB miễn phí cho người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi, đồng bào dân tộc thiểu số, người trong diện chính sách; Chính sách viện phí mới; Chính sách tự chủ tự chịu trách nhiệm của các cơ sở y tế công lập; BHYT ngày càng được hoàn thiện.

Trong thời gian qua, nguồn nhân lực y tế đã phát triển mạnh cả về số lượng và trình độ đào tạo. Tỷ lệ bác sĩ phục vụ/10.000 dân tăng từ 4,1 năm 2001 lên 6,23 năm 2006.

Công tác tăng cường sự lãnh đạo chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền qua 3 năm triển khai thực hiện các Nghị quyết cho thấy nhận thức của cấp ủy đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đã có những chuyển biến rõ rệt về tầm quan trọng của công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.

 Các đại biểu thảo luận tại hội thảo. Ảnh: Trần Minh
 
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt làm được vẫn còn một số tồn tại như, cách hiểu về hoạt động dịch vụ y tế vẫn chưa rõ ràng, nhất quán: có xu hướng nhấn mạnh thị trường hóa toàn bộ các dịch vụ y tế, xóa bỏ bao cấp của Nhà nước về các hoạt động y tế; trong khi đó, một bộ phận người dân có xu hướng muốn tiếp tục bao cấp về dịch vụ y tế. Đáng chú ý là một số cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành ở địa phương chưa quan tâm chỉ đạo, đầu tư nguồn lực cho công tác bảo vệ, nâng cao và chăm sóc sức khỏe nhân dân, dẫn đến tình trạng chảy máu chất xám trong ngành, có sự mất cân đối về nhân lực ngành y tế trình độ cao giữa các vùng miền và các lĩnh vực như: y tế dự phòng, phòng chống HIV/AIDS, lao, phong, nhi, tâm thần,...

Hệ thống y tế ngoài công lập, đặc biệt là các bệnh viện tư còn quá ít nên chưa đủ sức cạnh tranh đối với các BV công. Bên cạnh đó, hội thảo cũng đặt vấn đề là cần tiếp tục xem xét về chất lượng, giá cả của các dịch vụ y tế, tình trạng lạm dụng kỹ thuật cao, kê đơn thuốc và thực hiện các xét nghiệm; chưa có giải pháp hữu hiệu để huy động các nguồn lực từ cộng đồng; vấn đề chi, trả , đóng góp và thủ tục thanh toán BHYT, hội nhập quốc tế...

Thanh Thành


Ý kiến của bạn